“Hết dịch thì về với mẹ”

“Mẹ biết, đang dịch bệnh nên con cứ ở yên đấy, mẹ không sao, hết dịch thì về với mẹ”, cụ bà 90 tuổi cố nén cơn đau sau vụ tai nạn giao thông nở nụ cười qua điện thoại động viên con cháu ở Hà Nội.

Giữa cơn đại nạn của mẹ, cả nhà chỉ biết từ Hà Nội ngóng về"

Anh Nguyễn Thế Kiên quê ở Nam Định, hiện công tác ở Hà Nội nghẹn ngào cho biết: "Những ngày tháng 4 thực hiện cách ly xã hội đối với gia đình tôi vô cùng chậm chạp. Trong lúc Chính phủ có Chỉ thị cách ly toàn xã hội thì tôi nhận được tin mẹ tôi bị tai nạn, do xe công nông chạy ẩu va quyệt vào. Bà bị ngã rách mặt, không biết khi ngã đầu của bà có sao không? Tôi nghe tin mà choáng váng, gọi cho các anh chị ở quê thì được biết các anh chị tôi đã đưa mẹ đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Ninh Bình. Ngay buổi chiều ấy, các bác sỹ ở bệnh viện đã thực hiện kiểm tra sức khỏe của mẹ tôi".

Đêm hôm ấy, với anh Kiên, là một đêm dài. Sáng hôm sau, nhận kết quả của mẹ, biết sức khoẻ mẹ không nguy hiểm nhưng anh vẫn thấp thỏm không thể ngồi yên. Theo anh Kiên, mẹ anh năm nay đã 90 tuổi, bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong số 5 anh chị em, anh Kiên là con út của bà.

Trước đây, cứ mỗi lần bà ốm là chỉ 90 phút sau, anh đã có mặt bên bà. Phương tiện đi lại và đường sá thuận lợi, ngoài xe riêng của anh, con trai anh cũng có xe riêng, nên anh muốn về quê lúc nào cũng tiện. Vậy mà giờ đây, giữa cơn đại nạn của mẹ, cả nhà anh Kiên chỉ biết từ Hà Nội ngóng về. "Giả sử gia đình tôi vội vã về quê ngay lúc ấy, nhỡ làng xóm, người thân có vấn đề gì về Covid thì mọi chuyện sẽ ra sao? Con trai tôi đề xuất: Nếu bệnh tình bà căng quá, bố liên hệ mua mấy bộ đồ bảo hộ rồi cả nhà mình về, cách ly tuyệt đối trong căn nhà ở quê, bố ạ".

“Hết dịch thì về với mẹ” - 1

Mẹ anh Nguyễn Thế Kiên sau khi từ viện về nhà

May mắn, với 25 mũi khâu trên mặt và đầu, chỉ 2 ngày sau, mẹ anh được xuất viện. Anh sốt sắng gọi điện về quê. Biết con lo lắng, cụ bảo con cháu gọi zalo để gặp con trai. Nhìn thấy mẹ, gia đình anh Kiên bớt lo âu.

Chờ đợi trong yêu thương

Chung nỗi lòng thương người cha già đến quặn lòng, chị Hạnh Ly (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa lau nước mắt, vừa nói: "Đã gần 1 tháng nay tôi chưa về được Hà Nội, thực sự tôi rất nhớ con, thương bố. Nghĩ tới những bệnh nhân nặng như bố phải ở lại bệnh viện Bạch Mai 1 mình trong những ngày cách ly, tôi càng thương bố nhiều hơn". Chị Hạnh Ly đi công tác ở miền Trung. Lúc đó, do lệnh cách ly xã hội, chị không thể về Hà Nội. Chị chia sẻ: "Bố tôi nay đã 92 tuổi, ông vừa trải qua hơn 2 tuần nguy kịch, sức khoẻ đang tiến triển tốt hơn, bắt đầu tập ăn trở lại thì đúng lúc bệnh viện Bạch Mai bị phong toả vì Covid-19. Mọi người thân chăm sóc bệnh nhân đều phải đi cách ly tập trung, theo dõi sức khoẻ. Tôi vô cùng lo lắng, bất an, vì bố tôi khi ấy vừa qua được lúc thập tử nhất sinh. Đó là lúc ông cần được động viên, chăm sóc tốt nhất của gia đình để hồi phục sức khoẻ. Vậy mà vì dịch bệnh, người nhà tôi không được thăm nuôi bệnh nhân. Gia đình tôi chỉ biết trăm sự nhờ cậy các bác sỹ, y tá ở bệnh viện.

Mỗi lần tôi gọi điện cho cô ý tá, để được gặp bố trong vài phút, bố bảo: "bố ổn rồi, khoẻ rồi, ở đây có các y, bác sỹ giúp bố nhiệt tình lắm, con cứ yên tâm, đừng lo gì cả". Dù giọng bố còn yếu, nhìn bố cười, mà nước mắt cứ rưng rưng. May mà bố tôi đang dần hồi phục", chị Ly kể.

Dịch bệnh khiến những người con xa quê như anh Kiên, chị Ly phải lo nghĩ cho sự an nguy của gia đình, nhất là cha mẹ già ở quê nhiều hơn khi bất ngờ gặp biến cố của tuổi già và cuộc sống. Dịch bệnh cũng khiến cuộc sống của nhiều gia đình như chậm lại. Trong "cuộc chiến" với đại dịch này, mỗi sự chờ đợi, gắng sức chịu đựng, hy sinh của mỗi người trong từng khoảnh khắc cũng là thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng, vì tình yêu gia đình.

Theo Bảo Vy

Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm