Hãy yêu bố nhiều hơn, con nhé!

(Dân trí) - Con gái mẹ đã lớn rồi đấy, đã muốn cất giấu những bí mật, đã muốn có những khoảng trời riêng, và cũng muốn người khác không quan tâm quá nhiều đến mình như ngày còn thơ bé.

Mẹ hiểu, vì mẹ cũng đã từng có một thời giống con. Nhưng tối qua, khi con gắt lên với bố: “ Sao bố lúc nào cũng khắt khe với con thế?”. Rồi con chạy lên phòng, đóng chặt cửa, cả ngày hôm sau không trò chuyện với bố. Bố buồn đấy con biết không?

Hồi xưa, mẹ nghĩ rằng, người mẹ thương con nhiều hơn người cha, mẹ gần gũi con, hiểu con hơn cha. Và có lẽ bây giờ con cũng đang nghĩ như thế. Con sẽ nghĩ rằng bố không thương con bằng mẹ.


Bởi ngay từ nhỏ, cả tình yêu bố dành cho con cũng khác. Là mỗi bữa cơm nếu con đòi mẹ sẽ cho con ngồi chung mâm cơm với bố mẹ, con sẽ dùng đũa khều từ đĩa này sang đĩa khác, rồi làm thức ăn vung vãi hết cả mâm. Nhưng bố sẽ đặt con lên giường, bày cho con một đống đồ chơi. Bữa đầu tiên con gào khóc đòi xuống ngồi mâm. Bữa thứ hai con đòi một lúc không được thì thôi. Dần dần đến bữa ăn, con an phận ngồi trên giường chơi một mình.

Là những khi con với lấy một đồ gì đó và bị ngã. Mẹ sẽ vội vàng chạy lại đỡ con, ôm con dỗ dành, nhưng bố thì vẫn sẽ ngồi một chỗ, giơ đồ chơi lên và gọi con ngồi dậy bò đi tiếp. Bố con nói, khi con ngã con phải tự vực dậy, những thứ tốt đẹp phía trước vẫn đợi con, không phải lúc nào bố mẹ cũng bên con để đỡ con mỗi lần vấp ngã. Ở nhà với bố, con sẽ không phải lúc nào cũng muốn gì là được. Có lẽ vì thế ngay từ nhỏ con đã thích theo mẹ hơn.


Hình minh họa: Corbis Images

Hình minh họa: Corbis Images

Nhưng con biết không? Mỗi đêm khi con giật mình gào khóc thật to giữa đêm, bố là người bật dậy đầu tiên bế con rong rong chỉ trỏ khắp nhà cho con qua cơn sợ hãi. Những đêm con trằn trọc không muốn ngủ, con ngồi dậy chơi, mẹ sẽ cố dỗ con ngủ lại kèm với vài câu càm ràm, nhưng bố sẽ ngồi dậy chơi cùng con cho đến khi con buồn ngủ lại. Là những khi con sốt cao, con khóc, mẹ cũng chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc theo, nhưng bố con sẽ đi tìm cây cỏ mực giã lấy nước cho con uống, hỏi bác sĩ xem nên dùng thuốc hạ sốt bằng đường uống hay nhét hậu môn, nên cho con ăn gì để con mau lại sức.


Là những ngày mưa dầm dài lê thê, mẹ chỉ biết phàn nàn trời mưa suốt quần áo không kịp khô cho con mặc. Nhưng bố sẽ cầm máy sấy tóc và khò cho đến khô cả một mớ áo quần. Là những trưa trời lạnh dù bố đi làm xa vẫn vội vàng về cùng mẹ tắm gội cho con rồi lại cuống quýt đi, chỉ vì sợ một mình mẹ tắm cho con lâu con sẽ bị lạnh.


Mẹ cho con tình yêu chiều chuộng, nhưng bố yêu con một cách nghiêm khắc. Tình yêu thương bố dành cho con không phải những lời cưng nựng, mà là bằng hành động. Cũng là tình yêu thương đấy thôi, chỉ là khác nhau ở cách thể hiện. Nếu không hiểu mà chỉ cảm nhận, mẹ sợ là con sẽ sai. Giống như mẹ đã từng sai.

Ngày xưa, ông ngoại cũng khó tính lắm. Ông quản mẹ và các cậu, dì của con rất chặt. Những việc con mình làm ông săm soi rất kỹ. Những mối quan hệ của con, ông nắm hết trong lòng bàn tay. Ở tuổi mới lớn như con, mẹ không được đi đâu quá 9 giờ tối, kể cả là lễ tết, kể cả sinh nhật bạn. Có cậu bạn nào tới nhà chơi, đợi cậu ấy về là ông tra hỏi “cậu ta là ai, ở đâu, …” Nói thật, nhiều khi mẹ khó chịu lắm. Thậm chí đôi lúc còn ước ông đi đâu chơi một vài tháng để ở nhà chơi bời cho thoải mái tự do.

Mẹ ghen tỵ với cô bạn hàng xóm. Bạn ấy thích đi đâu chơi thì đi, tới khuya muộn mới về cũng chả ai mắng. Có hôm muộn quá bạn ấy ngủ lại luôn nhà bạn. Cô ấy có nhiều bạn bè, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, cuộc sống đa sắc màu vui nhộn lắm. Có lần mẹ thèm thuồng bảo bạn: “Sống như mày thích nhỉ?”. Chỉ vậy thôi mà bạn ấy khóc. Bạn nói: “Tao lại thèm cuộc sống như mày. Đi đâu có người hỏi han. Về khuya có người chờ đợi, lo lắng, mắng mỏ. Nhưng bố mẹ tao, ai cũng có những nỗi lo và niềm vui của người ấy. Tao ở nhà đi ra đi vào chẳng biết nói chuyện với ai, chả biết làm gì, nên thấy ra khỏi nhà thoải mái hơn. Mày được bố mẹ quan tâm từng li từng tí như thế, còn muốn gì nữa?”.

Ông ngoại nhìn khó tính và khắt khe vậy đó, nhưng sau này lớn mẹ mới nhận ra ông cực kì thương con. Như một sáng mùa đông mẹ kêu “ đêm qua ngủ lạnh quá”, vậy là trưa hôm ấy đã thấy ông mang về cái chăn bông mới và bảo “ con bỏ cái chăn cũ kia đi”. Như ngày mẹ tốt nghiệp ra trường đi làm, dù nhà không có sẵn tiền, ông vẫn đi vay để mua cho mẹ một chiếc xe máy. Như ngày mẹ sinh con vì sinh khó nên phải mổ, vừa ra khỏi phòng sinh đã thấy ông đứng ở đầu giường trìu mến hỏi “ Đau lắm, phải không con?”. Như một ngày mẹ nằm trong phòng nhìn ra, thấy ông đang ngồi ở cạnh giếng nước, cầm bàn chải giặt cho con từng chiếc tã bẩn, nắng chiếu trên đầu khiến mái tóc bạc lấp lóa.

Ngày xưa mẹ cứ nghĩ, những người cha dịu dàng, hiền hậu với con mới là thương con. Sau này mẹ mới biết, nghiêm khắc cũng là một cách quan tâm, yêu thương và lo lắng. Bởi một người cha người mẹ để con mình đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn, chơi với ai cũng được, chắc chắn là họ chẳng quan tâm gì đến con mình hết. Và những đứa trẻ như thế, mẹ nghĩ nếu trượt ngã giữa đời cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên.

Nên con ạ, hãy yêu bố nhiều hơn đi con nhé. Hãy cởi mở nhận những quan tâm từ bố. Đừng cau mày khi mỗi tối con ra khỏi nhà, bố hỏi “con đi đâu, đi với ai?” Đừng gắt gỏng khi mỗi lần con đi chơi, bố lại gỏi điện hỏi “con sắp về chưa?” Đừng giận khi bố hỏi han nhiều về những mối quan hệ, những bạn bè của con. Con cũng cần có những khoảng trời riêng, mẹ biết. Nhưng đường đời ngoài kia nhiều tai ương và cạm bẫy, bố mẹ chỉ là muốn chắc chắn rằng con gái mình sẽ luôn an toàn mà thôi.

Rồi mai này, khi con lớn hơn, con sẽ không cần bố mẹ ở bên con nữa. Rồi sẽ có lúc, khi con hạnh phúc, khổ đau, thành công hay vấp ngã không có bố mẹ bên cạnh con để sẻ chia, nâng đỡ. Nhưng thôi, chuyện đó cứ để mai này hẵng nói đi. Bây giờ mẹ chỉ muốn con hiểu một điều thôi: Có thể bố mẹ không thể cho con tất cả những gì con muốn. Bố mẹ cũng không hứa sẽ cho con những gì tốt nhất. Nhưng con hãy tin, bố mẹ sẽ chăm lo cho con, yêu thương con vô điều kiện suốt cả cuộc đời.

Lê Giang