Hạnh phúc là khi bố mẹ vẫn còn sức để mắng mỏ tôi mỗi ngày
(Dân trí) - Tôi luôn tự hỏi vì sao bố lại khó với con cháu mình như vậy? Có phải vì phần lớn cuộc đời bố không bên cạnh chúng tôi nên không có sự thấu hiểu và yêu thương như những ông bố khác?
Bố tôi là người cực kỳ khó tính. Đặc biệt, ông khó với vợ con nhưng lại rất dễ tính với người ngoài. Vậy nên nếu tôi có kêu ca với bạn bè rằng, bố tôi khó lắm, họ sẽ cho rằng tôi nói quá.
Thời trẻ, bố tôi đi bộ đội. Chiến tranh kết thúc, bố làm lái xe cho một công ty xây dựng ở phía Nam. Tuổi thơ của 3 anh em tôi hầu như chỉ có mẹ. Mỗi năm, bố về nhà 1-2 lần vào dịp Tết hoặc kỳ nghỉ phép. Những ngày ít ỏi đó, dĩ nhiên, chúng tôi thích gì bố đều chiều.
Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi lần về, bố thường tự đi chợ, tự vào bếp nấu cơm. Những món ăn bố nấu thường rất cầu kỳ và ngon. Bố bảo, bố ở xa một mình, làm mọi việc quen rồi, nấu ăn chỉ là chuyện nhỏ.
Tôi nhớ, hồi tôi học lớp 5, bố nghỉ phép về chở tôi lên chợ tỉnh mua cho tôi một đôi giày da. Hồi đó, trẻ con nông thôn như chúng tôi chỉ đi giày nhựa nên giày da là một cái gì đó ở đẳng cấp khác. Tôi ngồi sau xe đạp bố chở, suốt quãng đường 7km từ chợ về nhà, mắt chỉ dán chặt vào đôi giày da màu đen.
Mỗi lần bố về, niềm vui hiện rõ trên gương mặt mẹ. Người phụ nữ quanh năm tất bật ruộng vườn, một mình chăm 3 đứa con, thật chẳng dễ dàng gì. Bố vắng nhà, việc nhỏ việc to đều rơi vào tay mẹ.
Những ngày mưa bão, gió giật tung mái ngói. Nhà người ta có đàn ông, còn mẹ dù sợ hãi vẫn phải bắc thang trèo lên mái nhà, lợp lại từng viên ngói cũ. Những khi Tết về, nhà người ta vui vẻ, sum vầy, mẹ lại ngồi viết những dòng thư gửi nhớ thương cho bố đón Tết ở xa.
Anh em chúng tôi lớn lên, bố về hưu. Nhà có thêm một người, nếp sống bỗng gần như thay đổi hẳn. Chúng tôi quen sống với sự dịu dàng, yêu chiều của mẹ, nhất thời không thể quen ngay được với sự nghiêm khắc của bố, cảm thấy không thoải mái một chút nào.
Bố hay để ý, bày dạy, quát nạt chúng tôi. Ngay cả vào bữa ăn, tôi không thích thịt mỡ mà chừa lại, bố cũng sẽ nói về việc "không được kén chọn, nhiều người còn không có mà ăn".
Bố ghét lộn xộn, bố ghét ồn ào. Bố không thích trẻ con, chỉ vì chúng là những đứa "mất trật tự" nhất. 3 anh em chúng tôi lần lượt lập gia đình, sinh con. Mỗi lần đưa con về nhà ông bà chơi, cứ sợ chúng làm ông phật ý.
Tôi luôn cố phân tích vì sao bố lại khó tính với con cháu mình như vậy? Có phải vì phần lớn cuộc đời bố sống một mình, bố không bên cạnh chúng tôi những ngày trẻ dại nên không có sự thấu hiểu và yêu thương như những ông bố khác?
Mẹ nói, ngày xưa bố không khó tính như thế. Có vẻ như càng nhiều tuổi, bố càng khó tính hơn, nhiều khi khó một cách áp đặt và vô lý. Mẹ mong chúng tôi nhẫn nhịn, đừng cãi lời bố, đừng để ý lời bố nói mà mang ấm ức vào người.
Cuối năm ngoái, bố tôi bị ngã. Đi bệnh viện, bác sĩ nói bố bị tai biến nhẹ. Từ đó, chân tay ông cứ yếu dần, đi lại trong nhà cũng phải chống gậy. Sức khỏe kém, ăn uống kém, người bố ngày càng gầy rộc, teo tóp lại.
Hôm Tết, lúc cả nhà quây quần đông đủ, bố mang ra một chiếc hộp trong đó có 6 chỉ vàng. Bố cho mỗi đứa cháu một chỉ vàng, nói rằng ông bà đã ở tuổi "cổ lai hy", chẳng biết còn sống được bao lâu. Ông bà cho các cháu, coi như quà kỷ niệm. Sau này, các cháu lấy chồng, lấy vợ, các con thay mặt ông bà trao quà cho cháu.
Mẹ tôi nói, đó là số tiền ông trích ra từ tiền lương mỗi tháng một ít để mua quà cho các cháu. 3 anh em tôi không biết nói gì, chỉ nhìn nhau.
Hè vừa rồi, tôi cho con gái lớn về quê ngoại chơi. Tôi dặn con, về quê phải ngoan, không được nghịch phá, không được gây ồn ào, nếu không sẽ bị ông mắng.
Con gái tôi về, kể với bà ngoại lời mẹ dặn. Mẹ nghe xong gọi điện ra cho tôi: "Cứ để cháu chơi hè ít lâu, không phải lo lắng gì đâu. Bố con bây giờ, ngay cả việc nói cũng khó khăn, làm gì còn sức mà mắng ai nữa". Tôi nghe mẹ nói, bất chợt nước mắt trào rơi. Bố đã ốm yếu đến vậy rồi.
Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi hay nghĩ miên man về những ngày xưa cũ. Tôi vẫn nhớ như in ngày bố chở tôi trên chiếc xe đạp cũ lên chợ tỉnh chỉ để mua một đôi giày.
Tôi nhớ, mùa đông đầu tiên năm tôi vào đại học, tôi gọi điện về nói trời rét quá, lập tức bố đi mua một chiếc chăn bông mới gửi xe khách vào cho tôi. Tôi nhớ, ngày tôi tốt nghiệp ra trường, bố dồn hết tiền tiết kiệm mua cho tôi một chiếc xe máy mới.
Ngày đưa tôi về nhà chồng cách nhà 200km, trong khi mọi người ăn uống vui vẻ, bố ngồi lặng lẽ nơi góc bàn. Hôm đó, khi đoàn nhà gái ra về, em trai tôi bảo trên xe bố mấy lần lau nước mắt vì thương con gái lấy chồng xa.
Hóa ra, bố nghiêm khắc, khó tính nhưng không phải không thương con. Chỉ là bố không thể hiện ra như mẹ, bố cũng không nói những lời dịu dàng như mẹ.
Và tôi nhận ra, việc nghe bố mẹ mình mắng mỏ cũng không phải là quá tệ. Điều đáng sợ nhất chính là đến một ngày, ngay cả một tiếng mắng mỏ cũng không còn được nghe bố mẹ mình nói nữa.
Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra hạnh phúc quá đỗi giản đơn. Đó là dù có đi đâu, có làm gì, giàu có hay nghèo khó, hạnh phúc hay khổ đau, khi ta cần, vẫn có một nơi để trở về đó là "Nhà".
Hạnh phúc là khi ta có một gia đình trọn vẹn, còn mẹ và còn cha.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.