Ham của… lạ
Đánh vào tâm lý mê mua sắm của chị em, các chương trình bán hàng trên tivi ra rả quảng cáo các sản phẩm làm bếp, làm đẹp… với nhiều ưu điểm nghe thật sướng tai. Cũng vì vậy mà không ít chị ẹm đã “mất cảnh giác” rinh về để rồi sau cơn mê đến mức phải mua cho bằng được, thì nỗi chán thường hay ập đến.
Sau khi dõi theo nhiều cuộc quảng cáo, sự lựa chọn của bà Trương Thị Ngọc Chinh - nhân viên kế toán - là một máy tự động nấu sữa đậu nành cực kỳ hiện đại và thông minh: “bỏ đậu vào, bỏ nước vào, cắm điện vào…bạn sẽ có ngay một ly sữa đậm đặc, thơm lừng”…Bà nghĩ ngay đến việc tạm biệt sữa đậu nành đóng chai có chất bảo quản, bỏ luôn đậu nành trong bịch của quán đầu hẻm không đảm bảo vệ sinh. Đúng như quảng cáo, với sự hỗ trợ của máy móc, bà tự sản xuất ra sữa đậu nành tinh chất. Đúng là thời đại công nghệ, quá tiện lợi.
Nhưng một tháng sau, ông xã bà không thấy sữa đậu nành trong tủ lạnh, bèn hỏi thăm “nhà máy” sản xuất sữa của bà vợ. “Giám đốc” nhà máy tự nhiên phát cáu: “Nhà máy này, công nhân có một mình tui, làm không nổi”. “Ủa! sao bà nói mới sắm cái máy xịn, ác liệt lắm”. “Thì nó vẫn là cái máy, chứ có phải người đâu. Khi quảng cáo bán máy, người ta chỉ nói những tính năng ưu việt của máy chứ đâu đã động gì đến chuyện rửa máy. Cái máy này phần máy dính liền luôn thân máy lại nằm trên đầu, khi rửa phải nâng niu cẩn thận để nước không rơi vào máy, đã vậy nấu xong phải rửa ngay, để lâu đậu dính chặt vào càng khó rửa..”. Bà nói như thể không dừng lại được. Uống được một ly sữa “tinh tuyền” sao nhiều công đoạn quá. “Mình bày ra, mình dọn, có thêm cái máy là có thêm việc trong danh sách việc nhà”. Chao ơi, bà …cảm thấy ly sữa đậu nành tự nấu không bù lại nổi năng lượng bà đã bỏ ra. Vậy là cũng như vài thứ khác, cái máy làm sữa đậu nành được cất vào kho.
Bà không phải là người vung tay quá trán, thậm chí còn suy tính rất cẩn thận trước khi mua một món đồ: như hôm xem quảng cáo cái máy hút bụi rất tiện dụng, bà đang đắn đo thì cả chồng lẫn con đều xúi vào: Con cần máy để hút bụi máy tính, chồng cần làm sạch tủ sách…thấy thế bà xách về một cái, chỉ xài được vài lần rồi thì… “lấy cái giẻ lau còn sạch và nhanh hơn”.
Bà Trịnh Huy Lam, một giảng viên đại học, cách đây một năm, bà nằng nặc đòi ông chồng mua bằng được cái máy rửa chén, cả đống tiền chứ ít sao. Lý do mua: để bà tiết kiệm thời gian, công sức sau các bữa ăn. Thời gian đầu, bà đầy hưng phấn, liên tục thực hành: “Ồ hay quá, thấy chưa, nó rửa sạch bong, tráng lại bằng nước nóng, rồi hong khô luôn…”.
Nhưng rồi sau đó, bà chủ vẫn rửa chén bằng tay. Lý do: cũng phải dùng tay tráng qua một nước trước khi bỏ chén bát vào máy, rồi cũng phải dùng tay lấy chén dĩa ra. Nhưng, quan trọng nhất là cái máy nó ngốn điện, ngốn nước kinh khủng, toàn những thứ đang tăng giá…Thế là thôi, bà phải trở lại kiểu rửa chén truyền thống. Vậy là trong bếp, cái máy rửa chén thành tủ đựng đồ khô, còn trên lầu thì cái máy đi bộ thành sào treo quần áo của thằng con trai. Thì bà cũng vừa khiêng nó về mới vài tháng thôi. Thời gian đầu, vợ chồng con cái, cả con chó nữa tranh nhau trèo lên máy, bật công tắc lên để đi chậm, đi nhanh, rồi chạy theo máy…Rồi sau đó, ông chồng về nhà trễ, buồn ngủ, thằng con học bài xong xem tivi, bà vợ dọn dẹp nhà cửa xong đuối quá, muốn nằm nghe nhạc…Thỉnh thoảng, cả nhà ra công viên đi dạo, mát và vui hơn là đi trên máy. Bà kêu bán cái máy, người mua trả rẻ như bèo, thôi cứ để trong nhà, biết đâu say này cần.
Mỗi lần, thấy vợ tha về một món hàng lạ, là ông Lê Bá Khanh, lại có ý kiến: “Mua chi, bà có xài đâu”. Vợ ông, bà Vương Thị Tâm, hay bảo chồng nhỏ mọn, để ý mấy thứ lặt vặt. Nhưng hãy nghe ông kể: Bà mua cái “bịt bụng” cắm điện vào để tan mỡ, được ba bữa rồi bỏ xó, bảo nóng cái bụng, mồ hôi túa ra, chứ có thấy mỡ đâu, mỡ không tan được, bụng thì to ra, vì ỷ lại không tập thể dục, không đi bộ…Rồi cái gối matxa, bảo ngồi lên, để thư giản, được một tuần, bà bảo hao pin, cũng chẳng thư giãn gì, nhột nhạt cả người. Rồi đến cái matxa đầu, nhưng rồi lại chê, vì khi đã nhẹ cái đầu, thì lại mỏi cái tay….Mỗi thứ ít tiền, cứ cộng lại, trong kho chứa cả bạc triệu…rồi lúc nào cũng bảo không đủ tiền chợ, tiền học phí cho con. Bà giận lắm, ráng kiềm chế, nhưng giọng vẫn đầy lửa: “Sao ông không thấy bao nhiêu thứ xài được, ăn được…tui đi mua chớ ai!”.
Thời đại công nghệ, các nhà sản xuất liên tục nghĩ ra sản phẩm tuyệt vời nhằm giúp phụ nữ làm tốt hơn công việc nội trợ, làm đẹp…nhưng với một bà nội trợ kiêm đi làm thì có lẽ chỉ có một rô-bốt y như con người may ra mới không bị bỏ xó.