Hám chồng giàu, được mẹ chồng ki

Trong nếp sinh hoạt gia đình, chị Tú Phương (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) luôn nhớ nằm lòng mấy nguyên tắc: mở vòi nước để rửa đồ phải nhỏ giọt, nước vo gạo phải giữ lại để rửa rau, nước rửa rau giữ lại để rửa bát, nước rửa bát giữ lại để… kỳ cọ toilet.

Chị Phương mới về làm dâu nhà bà Cầm chưa được một năm, nhưng trong thời gian đó chị đã đủ ngấm về “cái tội ham chồng giàu”. Từ ngày bước chân vào căn biệt thự to đùng của nhà chồng, chị mới thấm nhà chồng rất khá giả nhưng mẹ chồng thì quản lý tiền nong vô cùng chặt tay.

Viện lý do có thâm niên trong việc quản tiền, bà bảo hai vợ chồng phải đóng góp 50% tổng thu nhập hàng tháng để phụng dưỡng mẹ và duy trì gia đình.

Ban đầu chị cố được nhưng sau chị thấy không thở nổi với sự “kèn kẹt” của bà. Mâm bàn to mà đồ ăn thì gẩy đũa 3 lần là hết sạch.


Hám chồng giàu, được mẹ chồng ki



Chị có mua thêm thì bà đay nghiến bảo: “Đúng là nhà quê lên tỉnh, dân Hà Nội có bao giờ ăn thúng ăn chậu như nhà cô”. Thế là chị chỉ còn cách ngậm bồ hòn làm ngọt, có gì ăn nấy. Chị nhìn chồng mà lắc đầu nghĩ thầm: “Bảo sao anh mới bé như hạt mít thế này”.

Hàng tối, anh chị lại trốn mẹ đi ăn đêm. “May mà anh cũng tinh ý và chiều vợ chứ không mình chẳng chịu nổi”, chị chia sẻ. Một tháng đầu, chị phát điên với những nguyên tắc của bà. Thi thoảng chị quên vo xong gạo không giữ lại nước, bà lại đứng ngay cạnh lườm nguýt, bóng gió.

Chị vừa lau nhà, mẹ chồng lại triết lý “miệng ăn núi lở”, rằng là đàn bà, là vợ thì phải biết chi tiêu, vun vén cho gia đình. Rất nhiều vật dụng nhà anh chỉ có tác dụng trang trí: máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi… bởi cái gì cũng phải làm bằng tay không thì tốn điện, phí nước.

Công việc của chị hay phải làm việc trên máy tính, thế nên đêm hôm chị vẫn phải lọ mọ ngồi vào bàn. Trước bà còn nhắc nhở: “Tối muộn, đàn bà con gái chẳng chăm sóc gia đình còn bày đặt công với việc”.

Không nhắc đến câu thứ 2, bà cắt luôn cầu dao điện vào 10 giờ tối hàng ngày để “cảnh cáo” con dâu. Chị khó chịu lắm, nói với chồng thì anh cũng bênh mẹ: “Mẹ chỉ muốn tốt cho sức khỏe của vợ chồng mình thôi mà”.

Không hiền như chị Phương, chị Thúy Hằng (Ngõ Gạch, Hà Nội) cũng ấm ức không kém về chuyện mẹ chồng ki bo. Nhà chồng chị rất khá giả và đây cũng là một lý do để chị chọn anh xã mình. Nhà mặt phố, bố mẹ chồng cho thuê hàng tháng cũng vài nghìn đô, chẳng ai đi làm cũng không lo chuyện chết đói.

Thời gian đầu, chị cũng thấy hài lòng khi thấy bố mẹ chồng thoải mái. Thế nhưng từ ngày sinh em bé xong, chị mới thấy nhà chồng có vấn đề thật. Mẹ chồng nấu được cho con dâu một bát canh chân giò là phải kể lấy kể để với mọi người. Rồi thi thoảng bà lại bóng gió với chị là: “Già như chúng tôi giờ lại phải nuôi vợ chồng anh chị”.

Rồi bà khoe với tất thảy mọi người là sắp đi du lịch nước ngoài, vừa móc ví trả hơn 2 ngàn đô để mua vé máy bay thế nhưng bà chẳng bao giờ mua nổi cho cháu được một lọ thuốc nhỏ mũi.

Cứ khi nào bố mẹ chị mang đồ ăn, hoa quả dưới quê lên cho con gái là bà cũng “nhảy” ra xem có thứ gì, có ngon không. Đúng lúc mệt mỏi vì vừa trải qua cuộc sinh nở, lại thêm chuyện mẹ chồng “củ chuối”, chị quyết tâm làm cho ra ngô ra khoai. Thấy nhiều lần con dâu “bật tanh tách”, bà thầm nghĩ “phải dạy con bé này mới được”. Thế là mẹ chồng nàng dâu nảy ra cuộc chiến tranh ngầm. Tuy chẳng ưng gì nhau nhưng trước mặt gia đình cả hai vẫn cười nói vui vẻ.

Thấy cô con dâu nấu cháo cho cháu hơi mặn, bà ngon ngọt: “Hình như con dâu sợ cháu bị bướu cổ, thiếu i-ốt hay sao ấy nhỉ?”.

Nghe thấy thế chị tức lắm, chị nhanh nhảu đáp lại luôn: “Hôm trước bà Bông hàng xóm có rỉ tai bảo ngày nào mẹ cũng sang kể với bà ấy là con nấu ăn không ra gì, nhạt toẹt nên giờ con cải thiện cho cháu ấy mà”. Nghe vậy bà giật mình thon thót.

Rồi bà khoe năm sau bạn bà lại rủ đi châu Âu một chuyến. Khi bà đang thao thao bất tuyệt, chị bảo: “Mẹ nhiều tiền nhỉ, suốt ngày đi du lịch mà việc gì với con cháu cũng tính từng hào”.

Thế là từ ấy trong nhà cứ lời qua tiếng lại suốt.

Theo TTVN