Hãi hùng cuộc chiến tranh giành con của cha mẹ

Vợ chồng ly hôn hoặc tình cảm nguội lạnh nhưng vì muốn con có một mái ấm lành lặn, nhiều người đã lựa chọn vẫn sống chung dưới một mái nhà nhưng không quan tâm gì đến nhau mà chỉ tranh thủ tình cảm của con. Vì vậy, nhiều đứa trẻ bỗng trở nên ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ từ cuộc chiến này của cha mẹ.

Hãi hùng cuộc chiến tranh giành con của cha mẹ - 1

Con hư vì bố mẹ “tranh thủ” tình cảm

Chị Hiền (ở phố Linh Lang, Hà Nội) có con gái đang tuổi ăn học. Chị có quán bán bún mọc, sáng nào anh chị cũng dậy từ 4h để kê dọn hàng quán, sao cho 6h là có hàng để bán cho khách. Việc bận rộn nhưng cô con gái không bao giờ ra giúp đỡ. Mấy năm nay vợ chồng chị bất hòa, anh không thèm “giúp vợ”, khiến chị phải thuê người giúp việc theo giờ. Một bà hàng xóm lớn tuổi nhân lúc vắng khách hỏi chị Hiền:

- Sao có con gái lớn, học đại học mà không thấy ra giúp mẹ?

Chị Hiền ngậm ngùi:

- Vợ chồng cháu mấy năm nay cơm chẳng lành, canh không ngọt. Anh ấy chiều con quá, không cho nó làm việc gì cả, còn sợ ra giúp cháu thì “mất giá”, không lấy được chồng. Cháu dạy con được câu nào thì dạy, chứ anh ấy không dám cả quát mắng, không dám sai việc… Sáng ra anh ấy rủ con gái đi tập thể dục, đi ăn sáng… Mặc kệ cháu bán hàng, rồi sấp ngửa lo cơm nước cho cả nhà. Chả mùa hè nào con gái ra giúp mẹ dọn dẹp, nấu cơm, nói gì tới dọn bàn, rửa bát, phục vụ khách. Con gái mình đẻ ra, nhưng giờ nó chỉ biết tới bố, đi ăn, đi chơi với bố. Còn không quan tâm đến quán bún mọc của mẹ từng góp phần nuôi nó ăn học.

Chị Thu Trà (ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vất vả nuôi con khi còn bỉm sữa, bú mớm. Suốt thời con đi học, anh chồng không bao giờ giúp vợ chăm sóc con, chỉ biết sáng ra đi làm, tối bù khú với bạn, có đêm mải vui quên về. Con gái không mấy khi giáp mặt bố vì sáng ra con đi học thì bố vẫn ngủ. Khi con đi ngủ thì bố vẫn chưa về. Tình cảm vợ chồng dần lạnh nhạt dẫn tới ly thân. Chị bảo không thể chịu được tính bừa bãi, vô trách nhiệm của anh. Nhiều lúc chị đã phải gào lên với anh: “Anh không coi trọng gia đình, anh không dạy dỗ, trò chuyện với con… sau này đừng trách nó bạc”. Anh dửng dưng: “Cô cứ chăm con cho lớn đi. Rồi xem nó cần ai”.

Trước mắt mọi người, anh là người cha chỉn chu, chăm đưa đón con đi học (cơ quan anh sát trường con học). Nhưng học phí học thêm, đưa đón con đi học thêm ở xa thì anh không chi một cắc, cũng chưa bao giờ đưa đón nổi con, bởi thời gian con học thêm thường là lúc anh bận nổi chìm trong bàn nhậu. Thấy con ghét bố, chị uốn ngay là “cần kính trọng cha, bởi đó là người sinh ra con, nai lưng làm việc để có tiền nuôi các con ăn học”...

Khi anh 49 tuổi, bị một trận ốm nặng không ai chăm sóc, trở về nhà anh thay đổi thái độ với con, lo cho con chu đáo, con thích gì anh cũng chiều. Sáng ra, anh đánh ôtô đưa con đi ăn, tối lại về đưa con đi ăn. Những tháng đầu thấy hai bố con thân thiện chị cũng mừng, đâu có ngờ đấy là âm mưu tranh giành tình cảm con cái của anh, dần đổ bất hạnh xuống đầu chị.

Một hôm, chị sai con thái thịt để ăn cơm, con gái thái xong để cả đĩa thịt dưới sàn và con mèo chồm vào giữa đĩa thịt ăn ngấu nghiến. Chị tức giận đánh con mèo và mắng con. Nó cãi lại mẹ: “Mèo nó ăn một miếng thì đã sao mà mẹ phải tức giận?”, chị tát con gái và lần đầu tiên sau gần hai chục năm làm vợ chị dỗi cơm. Không ngờ anh lợi dụng tính tự ái của chị, nên miệng thì bảo con xuống mời mẹ lên ăn cơm, nhưng lại tỏ thái độ để chị đừng có lên ăn và tuyên bố từ nay để anh chăm con. Sau 6 năm, từ cô con gái ngoan hiền, 12 tuổi đã biết nấu ăn, giặt giũ, tự làm mọi việc… thì giờ đây nó không chịu làm gì, kể cả việc giặt quần áo, nhất nhất nghe theo bố. Với mẹ thì cô con gái lì lợm không thể bảo được. Có lần chị tức giận đuổi con “muốn đi đâu thì đi”, nó cãi lại ngay: “Nhà này mang tên bố, mẹ không có quyền đuổi con”…

Giờ cứ nghĩ tới con là chị ứa nước mắt và mới ân hận sao không ly hôn, để anh có cơ hội giở “thủ đoạn” dùng con trả thù chị. Và chị mới thấu hiểu lời anh đe dọa trước kia: “Cô cứ chăm con cho lớn đi. Rồi xem nó cần ai”.

Nỗi đau khổ “chọn cha hay mẹ”

Theo Luật sư Ngô Thị Lựu (Trung tâm tư vấn Pháp luật, Kim Mã, Hà Nội), nhiều nhà tâm lý đã phân tích rằng, bố mẹ ra tòa ly hôn là cú sốc lớn với trẻ, đau đớn là cuối buổi xử ly hôn, đứa trẻ thường được hỏi “sẽ sống với ai”, đặt nó phải chọn cha, hay chọn mẹ, khiến con trẻ bị kẹt. Nỗi khổ “chọn ai” cũng là nỗi đau của nhiều con trẻ khi cha mẹ bất hòa, sống ly thân, khiến chúng luôn phải đứng giữa cha - mẹ và bị tổn thương đau đớn.

Theo các bác sĩ tâm lý, để tránh cho con phải đứng trước cảnh “chọn cha, hay chọn mẹ”, nhiều người chọn ly thân, vẫn ở cùng nhà với mối quan hệ khó khăn “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng họ giành giật tình cảm của con để trả thù nhau bằng cách chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu của con cái. Họ sợ nếu không cho con thứ nó đòi hỏi thì chúng yêu thương người kia hơn, nên giờ đủ chiêu trò để được con cái yêu thương mình.

Một số cha mẹ còn lợi dụng tình cảm con cái để trả thù nhau, bằng việc dùng mọi cách “lấy” tình cảm của con, ly gián con với người không được quyền nuôi con, vô tình tạo cho con cái thói quen ích kỷ, lợi dụng sự bất đồng của cha mẹ, lợi dụng nhu cầu cha mẹ cần chúng yêu thương… để đòi hỏi những gì con muốn.

Với cách dạy con như trên, bé thì làm hư con cái, lớn thì làm trẻ mất tính tự lập. Lúc nào trẻ cũng nghĩ mình là “trung tâm”, bố mẹ như vệ tinh xoay quanh để phục tùng con. Việc chiều chuộng con cái quá đà sẽ làm con hư, trở nên coi thường mọi người xung quanh, sẵn sàng “bật” lại cha mẹ, coi thường mọi người xung quanh và nhất là không nhận thức được đúng sai.

Sinh con ra ai cũng có trách nhiệm nuôi dạy con tốt, nhưng yêu thương con, chiều chuộng con không đúng mực sẽ để trẻ hình thành những thói xấu. Cha mẹ nào cũng muốn yêu thương và che chở cho con mình. Nhưng nếu yêu thương con bằng cách bao bọc, chiều chuộng quá đà, sẽ đem lại những hậu quả khó lường.

Trong Luật Hôn nhân và Gia đình chưa có chế định ly thân, bố mẹ có quyền nuôi con như nhau, khi ly hôn tòa mới phân định rõ ràng.

Theo đó khi ly hôn, người được quyền nuôi dưỡng con sẽ toàn quyền chăm sóc, người còn lại hạn chế thăm nom. Dẫn tới việc nhiều người cay cú đã lợi dụng việc nuôi con để trả thù, tìm đủ mọi cách không cho người kia đến thăm con. Việc này không ai có thể can thiệp, vì đứa con là của chung hai người. Hậu quả thì chính những người cha, người mẹ sẽ phải gánh, bởi con cái là tổng hợp những kinh nghiệm và tình cảm trong cuộc đời cha mẹ. Chiều chuộng con quá thì con hư.

Luật sư Ngô Thị Lựu

Theo Hà Dương
Báo Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm