Gương vỡ lại lành
(Dân trí) - Ngày ấy anh chị đưa nhau ra tòa vì ghen tuông mù quáng và sự căm giận, nóng nảy. Tưởng đã đứt gánh giữa đường nhưng không ngờ duyên số vẫn chưa để họ rời xa nhau.
Năm năm trước chị chuyển công tác, từ môt biên tập viên báo chí có thời gian chăm sóc gia đình thành nhân viên PR đi sớm về khuya, thường xuyên phải tiếp khách cùng cơ quan và luôn bị deadline rượt đuổi. Quyết định là một bước ngoặt lớn trong đời. Chị có thu nhập tăng vọt, được theo đuổi đam mê và thể hiện tài năng.
Chồng chị ban đầu tỏ ra phiền lòng vì giờ giấc làm việc trái khoáy của chị. Có những sáng chị ngủ nướng đến 9 giờ mới dậy đi làm nhưng cũng có nhiều đêm đến 11 giờ hơn chị mới về nhà vì họp hành hay chạy sự kiện. Tuy nhiên dần dà anh cũng quen và chấp nhận công việc yêu thích của chị.
Tình hình chỉ trở nên căng thẳng từ khi anh dở chứng ghen tuông. Anh ghen bóng ghen gió khi có người quen mách lại với anh là bắt gặp chị ngồi sau xe máy, ôm eo rất thân mật một người đàn ông lạ. Chị cố giải thích rằng chắc chắn người đó nhầm hoặc cố tình chọc gậy bánh xe. Anh không có bằng chứng đổ lỗi chị ngoại tình nên không dám làm căng nhưng vẫn lăn tăn trong lòng.
Cơn ghen ấy của chồng chưa tan thì trận cuồng phong khác lại đến, chị xoay xở không kịp. Lần này chị lâm vào thế tình ngay lý gian. Chị cùng giám đốc cơ quan đi gặp gỡ khách hàng. Ký xong hợp đồng đôi bên mời nhau đi ăn tiệc. Ông giám đốc quá chén nên say mềm như bún. Là cấp dưới chị làm tròn nghĩa vụ dìu ông ra taxi về nhà. Nhưng ngay lúc hai người có vẻ như đang trìu mến dắt nhau ra vẫy taxi ấy, một đồng nghiệp của anh tình cờ bắt gặp, chụp ảnh lại.
Bức ảnh đến tay anh đã gây sự hiểu lầm tai hại. Chị giải thích thế nào cũng không thể xoa dịu cơn phẫn nộ, ghen tuông trong anh. Sau nhiều trận cãi vã với nhau, chị lỡ buông lời xúc phạm, anh lửa ghen và giận bốc ngùn ngụt, tát cho chị liền ba cái tát tai. Đó là giọt nước tràn ly khiến họ đi đến lựa chọn ly hôn. Anh nhường cho chị quyền nuôi hai đưa con bởi đó là điều chị khao khát và chị đã hứa dù bận đến mấy cũng chăm sóc con cẩn thận.
Gần bốn năm kể từ ngày đường ai nấy đi, anh chị hằng ngày vẫn chạm mặt nhau bởi anh là người đưa đón các con đi học. Thời gian đầu họ ném cho nhau cái nhìn dửng dưng, lạnh lẽo. Khi ký ức về sự đổ vỡ dần phai, họ chào hỏi nhau mỗi ngày bằng những câu đơn giản. Rồi chiều ý bọn trẻ, đã có những ngày cuối tuần họ đưa con đi chơi chung, cùng nhau ăn bữa cơm nhà.
Thấy nhiều năm sau khi ly hôn, chị vẫn đi về lẻ bóng, chỉ biết đến con cái và công việc, anh bắt đầu nhen nhóm hy vọng về một ngày đoàn tụ. Anh vì sức ép của gia đình đã thử gặp gỡ một số đối tượng khác để đi bước nữa nhưng mãi không thấy ai hợp. Từ sâu thẳm trái tim, anh biết mình còn thương vợ cũ vất vả tảo tần, thương chị giờ đã gầy và già hơn trước nhiều bởi không có người đàn ông ở bên san sẻ niềm vui nỗi buồn.
Thế rồi anh “tán” lại chị từ đầu. Anh thường xuyên đến “xin" mấy mẹ con ăn cơm cùng, thỉnh thoảng mang tới nhà loài hoa chị thích, là người xuất hiện đầu tiên mỗi khi mẹ con họ cần người giúp đỡ. Chị dần quen gọi anh mỗi khi ống nước, đồ điện trong nhà hỏng hóc, có chuyện gì uất ức ở cơ quan cũng đem kể lể với anh, bỏ cách xưng hô “anh – tôi” thành “bố Bống – mẹ Bống”.
Thời gian dần khiến vết thương ngày cũ lành miệng. Một hôm anh đến nhà ăn cơm, lúc cả hai đang cùng nhau rửa bát, dọn bàn bếp, anh vừa ngắm bọn trẻ đùa nghịch ngoài phòng khách, vừa nháy mắt bảo chị hay là mình dọn về ở chung để sau này con Bống cưới chồng đỡ phải chọn nhà đưa dâu. Chị chỉ mỉm cười, nhưng anh biết đó không phải là kiểu cười trừ. Anh hiểu cả anh và chị đều đang muốn vun đắp tình cảm, đợi một ngày “gương vỡ lại lành”, anh sang nhà bố mẹ vợ xin cưới con gái họ lần nữa.
May