"Gương" nóng giận và trẻ

(Dân trí) - Bạn đang nóng giận và sẵn sàng trút lên mọi người xung quanh. Hãy cẩn thận, hành động nông nổi đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của những mầm non trong gia đình bạn.

Cái giá phải trả

 

Anh Tùng chồng chị Thanh là kỹ sư xây dựng, vốn tốt tính nhưng quá nóng nảy - ảnh hưởng từ công việc của anh.

 

Anh chia sẻ, làm kỹ sư đi công trình, quá nhẹ nhàng đôi khi công nhân không nghe, không sợ và làm việc không có hiệu quả. Dần dần anh trở nên nóng giận và hay quát tháo, cả với những thành viên gia đình. Những việc nhỏ trong nhà nếu không vừa lòng anh cũng cáu, khi con cái gặp lỗi dù biết là không lớn anh vẫn quát mắng rất găng. Anh bảo để cho chúng sợ lần sau không dám tái phạm nữa.

 

Kết quả là Sơn - đứa con trai bảy tuổi của anh chị những năm trước đó rất ngoan ngoãn, hiền lành có phần nhút nhát bỗng trở nên hung hăng, hay gây gổ với bạn, lớn tiếng khi giao tiếp với bất kỳ ai thậm chí cáu bẳn cả với bố mẹ khi gặp điều trái ý.

 

Lo lắng cho những dấu hiệu phát triển tính cách của con, chị Thanh đến xin ý kiến bác sĩ tâm lý và được kết luận rằng, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của tính khí quá nóng nảy từ người cha.

 

Ngọc, đứa con gái 5 tuổi của anh chị cũng có những biểu hiện không bình thường trong phát triển tính cách. Mỗi khi cha nổi nóng với bất kỳ ai trong gia đìnhhay nổi nóng qua điện thoại em đều chạy về phòng và đóng kín cửa lại.

 

Con bé không thích nói chuyện với bố, với anh, không thích tiếp xúc với người xung quanh, sống khép kín. Ngọc bắt đầu mắc chứng tè dầm (mà từ nhỏ em không bị).

 

Chị Thanh đã cố gắng cho con đi khám bác sĩ vì nghi ngờ con mắc bệnh liên quan đến thận. Nhưng kết quả là con gái chị hoàn toàn bình thường về thể chất.

 

Sau chị được biết rằng Ngọc quá sợ hãi khi đi vệ sinh vào ban đêm chỉ sau một lần cha nổi nóng khi Ngọc vì ngái ngủ đã đá vỡ chiếc lọ hoa đắt tiền.

 

Trẻ bị ảnh hưởng như thế nào?

 

Trẻ giao tiếp với mọi người theo cách mà chúng học được từ người lớn. Nếu cha mẹ luôn nóng giận, thiếu kiềm chế, trẻ cũng sẽ có hành động bắt nạt, nóng giận với những đứa trẻ khác.

 

Nhiều trẻ còn cố gắng giấu lỗi mình mắc phải vì sợ cha mẹ nóng giận. Kết quả là cha mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận và giáo dục con cái.

 

Lớn lên trong một gia đình thường xuyên có cảnh quát tháo, nóng giận còn tác động đến cách suy nghĩ của trẻ về mối quan hệ với những người xung quanh. Trẻ sẽ nghĩ rằng, cách giao tiếp như thế là “bình thường”.

 

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ tâm lý người Anh Annie Bennett đã đưa ra lời khuyên: “Nóng giận là một phản ứng rất tự nhiên của con người, tuy nhiên nó cần được thể hiện một cách thích hợp và trẻ em cũng cần được dạy theo cách đó. Những cơn nóng giận không được kiềm chế sẽ dẫn đến những biểu hiện như quát tháo, gây gổ làm đổ vỡ các mối quan hệ”.

 

Cách kiềm chế

 

1. Khi cảm thấy sự tức giận đang bắt đầu lên cao, hãy cố gắng kiềm chế bằng cách thở thật sâu, đếm từ một đến 10, buông lỏng cơ thể. Đi khỏi nơi gây ra tức giận cho đến khi nào lấy lại được bình tĩnh.

 

2. Đóng cửa phòng và hét thật to vào gối ôm, chăn hay cố gắng đấm mạnh vào nó cho đến khi cơn tức giận đã được giảm xuống.

 

3. Kiềm chế cơn tức giận bằng cách đi bộ, nghĩ đến một chuyện thoải mái hay thú vị khác, hoặc nghe một bản nhạc nhẹ nhàng.

 

4. Trút hơn những cơn tức giận bằng cách viết hết ra giấy.

 

5. Khi bạn đã bình tĩnh trở lại, cố gắng bày tỏ ý kiến, cảm giác của mình bằng lời nói nhẹ nhàng chứ không phải quát tháo.

 

6. Luyện thói quen không dùng rượu bia và những chất kích thích khi nóng giận.

 

Lan Tường