Giữ lời hát ru

Cùng với dòng sữa nóng, tiếng hát ru sẽ truyền cho trẻ tình yêu của mẹ, tình yêu quê hương, yêu dân tộc mình…

Có người còn rất trẻ; có người đã làm cha, làm mẹ và có người mái tóc đã nhiều sợi bạc..., tất cả họ đến để lắng nghe, chia sẻ và hòa quyện vào những điệu ru mượt mà, sâu lắng trong buổi nói chuyện “Bao la tình mẹ - Hát ru mộc” do Hội quán Các bà mẹ tổ chức sáng 9/9.

 
GS.TS Trần Văn Khê nói chuyện về hát ru

GS.TS Trần Văn Khê nói chuyện về hát ru
 

Bài giáo dục đầu tiên về âm nhạc

 

“Sau chuyến trở về từ nước ngoài, tôi thật sự lo ngại khi tiếng ru đã tắt trên môi nhiều bà mẹ. Đối với tôi, tiếng hát ru của mẹ chính là bài giáo dục đầu tiên về âm nhạc. Với nếp sống mới ngày nay, nhiều bà mẹ không còn ru con nữa. Đây là điều vô cùng đáng tiếc!”, GS-TS Trần Văn Khê băn khoăn.

 

Ông kể nhiều bà mẹ khi mang thai thường chọn nhạc Beethoven, Mozart cho con nghe để mong con được thông minh. Đây là một sai lầm.

 

Khoa học nghiên cứu cho thấy khi được nghe nhạc cổ điển thì bé vui, còn nghe nhạc kích động thì tỏ ra không vui. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là khi được nghe nhạc ngoại thì bé thông minh hơn là nghe nhạc dân tộc. Nhạc Beethoven, Mozart tốt cho người Tây nhưng chưa hẳn tốt cho người Việt Nam.

 

Chia sẻ về vấn đề này, chị Thanh Thủy, Hội quán Các bà mẹ, kể: “Ngày có đứa con đầu lòng, tôi cũng như nhiều người lần đầu làm mẹ đã mua rất nhiều đĩa nhạc Beethoven, Mozart cho con nghe. Nghe xong, con chưa ngủ mà mẹ đã ngủ rồi vì mẹ chẳng cảm được nhạc Beethoven, Mozart. Đến đứa con thứ hai, tôi đã sưu tầm nhiều bài hát ru để hát cho con mình nghe”.

 

Nhà văn Nguyễn Thúy Ái tâm sự: “Nhiều bà mẹ ngày nay không hát ru con vì cho rằng không hiện đại, chỉ có nước nghèo như Việt Nam thì mới hát ru. Tôi từng đi nhiều nước trên thế giới, ở Nga hay phương Tây họ vẫn hát ru đó thôi”.

 

Theo GS Trần Văn Khê, đứa trẻ nào được truyền đạt âm nhạc tổ tiên, tình thương yêu của tổ tiên thì khi lớn lên sẽ rất khôn ngoan.

Truyền tình yêu cho con qua tiếng ru

 

Nhà văn Nguyễn Thúy Ái cho biết bà lớn lên ở một miền quê rất nghèo, thiếu thốn tình cảm khi cha mất sớm, mẹ đi bước nữa. Tuy nhiên, tuổi thơ của bà đầy những kỷ niệm êm đềm khi được bà ngoại, một phụ nữ thất học nhưng thuộc rất nhiều thơ văn và các bài hát ru, yêu thương, bảo bọc.

 

Chính những lời ru của bà ngoại đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của nhà văn. “Đứa trẻ được nghe hát ru bao giờ cũng là đứa trẻ hạnh phúc. Khi lớn lên, đứa bé ấy sẽ có một tâm hồn giàu có”- nhà văn bộc bạch.

 

GS Trần Văn Khê cho rằng có thể đứa trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời hát ru nhưng lớn lên, nó sẽ biết được đây là những lời lẽ, những điều răn dạy vô cùng ý nghĩa. Ông nhấn mạnh: “Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Cùng với dòng sữa nóng của mẹ, tiếng hát ru sẽ truyền cho trẻ tình yêu của mẹ, tình yêu quê hương, yêu dân tộc”.

 

Mọi người còn được nghe nhiều câu chuyện về những lời hát ru. Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Anh từng đi du học nước ngoài nhưng khi có con, bà vẫn ru bằng những điệu ru Huế ngọt ngào, mộc mạc của mình. Con trai của bà cũng du học ở Mỹ nhưng anh đã không ở lại để tìm kiếm một cuộc sống sung túc như nhiều người khác mà chọn con đường trở về giúp ích cho quê hương.

 

Trong khi đó, GS. TS Thái Kim Lan dù đang định cư ở Đức nhưng vẫn truyền được cho con gái mình ngôn ngữ, tiếng hát của dân tộc. Bà tự hào: “Dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng cháu vẫn nói và viết tiếng Việt rất chuẩn, am hiểu văn chương Việt. Không chỉ vậy, cháu còn là sinh viên xuất sắc ở Đức, nói giỏi nhiều thứ tiếng”.

 

 

Theo Ngân Hà

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm