Giữ chồng bằng biện pháp "hành chính"
Nghe đồn chồng có bồ mà không tìm ra chứng cứ, chị Mai mời bố mẹ hai bên đến nhờ "dạy dỗ". Thế nhưng "hội nghị 4 bên" này chỉ làm cho các bậc phụ mẫu đau lòng, còn anh chồng thì chẳng còn muốn nhìn mặt vợ.
Ghen tuông là chuyện của muôn đời, nhưng mỗi thời đại người ta có cách giữ gìn hạnh phúc gia đình khác nhau. Tiếc thay, vẫn có không ít chị em còn giữ chồng theo kiểu cũ.
Hội nghị "thượng đỉnh"
Nghe phong thanh chồng có bồ, chị Mai rình rập mãi mà không bắt được quả tang, không có chứng cớ để "chiến đấu" với chồng. Nhưng chẳng lẽ không làm một việc gì đó để giữ hạnh phúc của mình? Một hôm, chị nhắn tin từ chiều cho chồng về sớm, có ông bà đến chơi. Xong việc cơ quan, chồng chị Mai về nhà ngay. Về đến cửa, anh đã thấy vợ bày biện hoa quả, bánh kẹo lên bàn và bố mẹ anh đang trò chuyện vui vẻ. Một lát sau anh thấy bố mẹ vợ cũng đi xe ôm tới.
Anh cứ tưởng là sự "trùng hợp ngẫu nhiên", nên rất vui, định chạy ra nhà hàng mua ít thức ăn về đãi "tứ thân". Nhưng vợ anh đã cản lại và bảo chồng ra bàn ngồi uống nước. Thấy thái độ vợ có vẻ trịnh trọng, anh ngoan ngoãn nghe lời. Vào bàn, chị Mai đứng lên báo cáo tình hình với các cụ và nhờ hai bên bố mẹ ra tay "dạy dỗ" chồng mình. Cả bốn cụ và người chồng đều bất ngờ về nội dung "hội nghị bốn bên".
- Bố chồng: Chúng tôi sinh ra con, nuôi dạy nó ăn học, nên người. Bây giờ anh chị đã có con lớn, lẽ nào mỗi khi xích mích lại buộc tội chúng tôi?
- Mẹ chồng: Vợ chồng bảo nhau mà làm mà ăn, là cán bộ cả rồi. Chúng tôi thân già, về hưu, còn phải nhờ con cháu, đâu dám dạy dỗ ai. Anh ấy đâu phải trẻ con để chúng tôi có thể lôi ra đánh cho một trận khi... mắc lỗi.
- Bố vợ: Con thật hồ đồ, chưa có gì là bằng chứng đã vội làm phiền hai cụ. Chúng tôi thật có lỗi với ông bà. Đúng là con dại cái mang, mong ông bà bỏ quá cho cháu.
Hội nghị kết thúc không có hậu, chẳng giải quyết được vấn đề gì. Chỉ tội cho "bốn thân già" ra về lòng trĩu nặng.
Hành động kiểu "thời bao cấp"
Chị Liên tất tả đi xe buýt lên cơ quan chồng. Vào thẳng phòng sếp, nước mắt lã chã, kể tội ngoại tình của chồng và van xin sếp "ra tay cứu giúp", ít nhất cũng "kỷ luật để nhà em biết đường mà quay về với vợ con". Sếp ân cần nghe chuyện rồi an ủi chị mấy câu. Chị Liên ra khỏi cổng, sếp gọi điện ngay cho chồng chị lên phòng "có việc gấp". Sếp nhắc nhở: "Cơ quan nhiều việc, tôi không có thời gian để giải quyết việc gia đình của hàng nghìn cán bộ, nhân viên. Vợ cậu vừa lên trình báo về tội ngoại tình của cậu. Hãy cẩn thận, đừng để chuyện tình cảm ảnh hưởng tới công việc và uy tín của mình nhé".
Chồng chị Liên dạ dạ, vâng vâng, cảm ơn sếp rồi hứa sẽ không để vợ đến làm phiền lần nữa.
Mười lăm, hai mươi năm trước, các biện pháp "họp gia đình" và "báo cáo tổ chức" tỏ ra có hiệu quả trong việc bảo vệ mái ấm. Ngày nay, xã hội tôn trọng quyền cá nhân, không quá can thiệp sâu vào công việc "nội bộ" gia đình nên các biện pháp nói trên phần nào ít hiệu quả. Người ta đề cao sức mạnh "nội lực" hơn là các biện pháp "hành chính". Đó là lời nhắn gửi tới những người vợ đang ngày đêm ra sức bảo vệ "lâu đài tình ái" của mình.
Theo Khoa Học & Đời Sống