Giữ bí mật trong hôn nhân

(Dân trí) - Kết hôn không có nghĩa hai người phải nhất nhất chia sẻ mọi chuyện từ A đến Z. Vẫn còn những vấn đề quá đỗi riêng tư hoặc nói ra gây hại nhiều hơn, bạn nên giữ lại cho mình. Đừng để thật thà trở thành con dao hai lưỡi.

 

Bí mật và quyền riêng tư

 

Trong hôn nhân, tình yêu hay bất kỳ mối quan hệ nào, bạn hoàn toàn có quyền riêng tư, quyền giữ bí mật một phần cuộc sống của mình, nếu muốn. Kể cả ước mong được dành thời gian cho bản thân, được sống như một nửa đơn chiếc mỗi ngày, mỗi tuần, hay mỗi năm, đều hoàn toàn chính đáng.

 

Một người nếu không tôn trọng cảm giác riêng tư (cả về thể chất lẫn tâm hồn) của chính mình và của người bạn đời, họ đang tự lập rào cản trong tình cảm lứa đôi.

 

Xin nhớ một điều, không chạm được vào những phần sâu kín nhất bên trong tâm hồn mình, bạn không thể có cảm giác gắn bó mật thiết với người kia.

 

Thật thà có luôn là cha quỷ quái?

 

Có rất nhiều lý do để bạn giữ cho mình những bí mật nho nhỏ trước người kia, và chúng ta không việc gì phải bào chữa khi đã che giấu những khoảnh khắc bối rối, khổ đau trong quá khứ, vì không phải lúc nào cũng nhất thiết cần nói ra sự thật.

 

Còn rất nhiều cặp đôi dù đã kết hôn một thời gian dài nhưng vẫn giữ những bí mật riêng. Cảm giác về không gian riêng, về một góc khuất cho cái tôi cá nhân là điều quan trọng. Bản thân bạn tự quyết định có phải lúc nào dốc hết ruột gan ra với người kia cũng là thượng sách?

 

Biết khi nào nên chia sẻ

 

Nếu bạn có một bí mật và nghĩ rằng nên chia sẻ, nhưng không rõ làm vậy có đúng không, hãy lắng nghe những phản ứng của chính cơ thể mình khi đang giữ trong lòng bí mật ấy.

 

Huyết áp của bạn tăng, mắt nháy nhiều hơn hoặc hơi thở nặng nề, đổ mồ hôi nhiều, đó là các dấu hiệu cho thấy bạn nên chia sẻ.

 

Bạn giữ bí mật chỉ vì không muốn đối mặt với trách nhiệm trong hôn nhân, bạn đang đi lầm đường đấy. Hành động hèn nhát của bạn rất có thể sẽ tạo ra rắc rối. Bỏ qua hay “bớt xén” những thông tin liên quan đến việc đưa ra quyết định hệ trọng mà đáng ra chồng/vợ mình nên biết là một trò dại dột.

 

Tốt nhất không nên giấu giếm người bạn đời những vấn đề liên quan đến rắc rối trong công việc, những hóa đơn chưa chi trả, ốm đau, bệnh tật. Không nên bí mật gặp gỡ bạn bè, người thân trong gia đình, nhất thiết không chi tiêu mờ ám hoặc có quan hệ “ngoài luồng” với đối tượng khác.

 

Lúc nào thì yên lặng?

 

Nếu bạn có chuyện cần nói với người ấy, không nên chọn mở lòng các thời điểm sau:

 

- Lúc đi ngủ

 

- Một trong hai người (hoặc cả hai) đang say

 

- Một trong hai người (hoặc cả hai) đang căng thẳng, stress

 

- Lúc chồng/vợ đang bực mình

 

- Khi chồng/vợ hay chính bạn đang nổi giận

 

- Khi một trong hai người đang mệt hoặc ốm.

 

Chân thành và tin tưởng lẫn nhau là điều không thể thiếu trong hôn nhân. Ranh giới giữa những bí mật có thể chấp nhận được và những bí mật nguy hại rất mỏng manh, bởi thế bạn cần hết sức khéo léo và tỉnh táo khi quyết định điều gì vợ/chồng mình nên hoặc không nên biết.

 

Huyền Anh

Theo ABT