Góc tâm hồn

Giàn trầu của mẹ

(Dân trí) - Giàn trầu bên hiên nhà do mẹ tôi trồng luôn tươi xanh mơn mởn, lá to, mập mạp và thật mát mắt. Mẹ chú ý chăm sóc vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày mẹ tưới nước và ngắm nó với niềm hạnh phúc long lanh.

Thuở ấy, tôi vẫn còn là một con bé lũn cũn vài tuổi, tôi lon ton theo mẹ và hăng hái đòi tưới nước, chăm sóc giàn trầu cùng mẹ. Không hiểu sao, giàn trầu nhà tôi tươi tốt lắm. Ai ai đến cũng phải xuýt xoa khen ngợi, thích thú.

Mỗi lần đến phiên chợ, mẹ cẩn thận và tỉ mẫn hái trầu mang đi chợ bán. Nhìn cách mẹ hái trầu tôi đủ thấy sự nâng niu, yêu quý mẹ dành cho từng lá trầu như chăm chút cho đứa con nhỏ mẫn cảm. Tôi thường cùng mẹ hái trầu, lựa chọn những lá đẹp nhất, to nhất, xanh tốt nhất rồi xếp thành từng xếp từ 10 – 12 lá, đặt gọn gàng vào làn, vẩy lên một chút nước mát để giữ cho trầu được tươi lâu. Trầu mẹ bán thường rất nhanh hết, là những khách quen đã thân thuộc với vị trầu không đậm đà từ giàn trầu của mẹ. Mỗi lần hết hàng trở về nhà, dù số tiền bán được không nhiều nhặn gì nhưng trong mắt mẹ long lanh niềm vui. Bởi mẹ không muốn để mặc những lá trầu rụng xuống, héo hắt, tàn phai.

Hàng xóm xung quanh thường tới nhà tôi ăn trầu. Bao giờ có người tới xin trầu không, mẹ dặn dò tôi hái thật cẩn thận. Trầu không có một đặc điểm “sợ lạ”. Nếu để người lạ hái, nhất là vào ban đêm, có thể nó sẽ “bị thột”, “giật mình” mà úa tàn, rụng rơi. Vì thế, dù là bán, hay biếu mọi người, bao giờ trầu cũng phải được hái từ chính tay người nhà, từ tay mẹ, hoặc tay tôi. Mỗi lần được tự tay hái trầu cho mẹ, tôi vui lắm, tự hào lắm, cảm thấy mình lớn hẳn, được tin tưởng, được giao phó nhiệm vụ thật quan trọng.

Mẹ đi xa, còn giàn trầu ở lại, vương nỗi buồn thương nhớ mẹ. Tôi lớn lên cùng năm tháng, vẫn hái trầu nhưng chỉ vào những dịp đặt lên bàn thờ cúng mẹ vào ngày tôi trở về nhà. Giàn trầu dường như cũng héo hắt rũ buồn, hao gầy theo dáng mẹ đã khuất xa, theo ánh mắt tôi lặng trôi vào mông lung thăm thẳm…

Diên Vỹ