Giám đốc trẻ "lương trăm triệu" vẫn ế vì tiêu chuẩn chọn vợ "khó nhằn"
(Dân trí) - Trên một diễn đàn dành cho bạn gái đang có hàng triệu người theo dõi, chàng giám đốc kinh doanh của một công ty dược phẩm, 32 tuổi, vào chia sẻ chuyện gian nan tìm vợ của mình.
Anh chàng cho biết mình là người thành công trong công việc nhưng tình duyên thì trắc trở, lận đận khi bản thân đã yêu qua vài cô gái, đều là những người rất tài giỏi trong lĩnh vực của họ, có người 28 tuổi đã là giám đốc quỹ đầu tư, có người là du học sinh nước ngoài, tương lai tươi sáng. Tuy nhiên những người này đều cho anh chàng chung một cảm giác là rất mệt mỏi vì hay phải tranh luận, muốn thắng họ phải bằng đầu óc, lý lẽ, bằng không là phải chủ động giảng hòa, trong khi anh chàng chỉ muốn "yêu đơn giản" thay vì tranh luận suốt.
Bố mẹ của anh chàng là những người sống theo nếp truyền thống, chỉ muốn có con dâu ngoan ngoãn và chịu khó.
"Tôi luôn hy vọng sau này khi kết hôn, vợ của mình sẽ ở nhà nội trợ, chăm lo và quán xuyến việc gia đình. Bố mẹ tôi đều đã già, ông bà cũng cần có người chăm sóc khi sức khỏe kém hơn. Nhà chỉ có mình tôi là con trai, căn nhà bây giờ sau này cũng sẽ do tôi sở hữu. Chưa kể mỗi tháng, thu nhập của tôi trên dưới trăm triệu, mình tôi đi làm cũng đủ nuôi vợ và mấy đứa con", anh chàng kể lể khi nêu tiêu chuẩn chọn vợ.
Tiêu chuẩn đơn giản vậy nhưng thật kỳ lạ là không có một cô gái nào muốn làm vợ của anh, kể cả khi anh đã hạ mục tiêu, không còn nhắm đến những cô gái thông minh, có vị trí xã hội nữa, chỉ quen người bằng cấp trung bình. Cứ đến giai đoạn về nhà ra mắt và nghe "nguyện vọng" của anh là họ đều chủ động chia tay.
"Tôi thật không hiểu phụ nữ thời bây giờ. Thà rằng tôi không kiếm được tiền, đằng này tôi có thu nhập cao, lại không bắt vợ phải ra ngoài lăn lộn kiếm tiền. Các bạn có thể góp ý cho tôi được không?", chàng trai đặt câu hỏi.
Có vẻ như yêu cầu tưởng "đơn giản" của anh chàng đã khiến các cô gái trẻ ngày nay "nóng mặt". Anh chàng không hiểu vấn đề của mình ở đâu, tại sao tiêu chuẩn đơn giản vậy mà không có một ai muốn kết hôn với anh ta, nhưng những người ngoài cuộc thì nhìn thấy rất rõ: Anh ta đang tìm kiếm một người giúp việc, một "osin" chứ không phải một người vợ.
Dễ hiểu vì sao các cô gái từng yêu anh chàng đều chủ động chia tay. Những người con gái thông minh, có vị trí xã hội sẽ không chấp nhận lấy một người chồng thiếu lý lẽ, thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng phụ nữ đến thế, lấy vợ về chỉ để lo nội trợ, chăm sóc bố mẹ mình, không muốn cô ấy phát triển sự nghiệp riêng, không muốn cô ấy nói lên chính kiến riêng, muốn cô ấy nhất nhất nghe theo ông chồng "lương tháng trên dưới trăm triệu thừa sức nuôi con, nuôi vợ".
Các cô gái trình độ trung bình cũng sẽ không chọn người chồng này, bởi chưa cưới đã nghe mùi gia trưởng, khinh thường vợ. "Nghĩ đến cảnh quanh ra quanh vào cái nhà cơm nước dọn dẹp, chăm con, chăm bố mẹ chồng, chồng thì khinh lên khinh xuống, bảo tao ra ngoài làm lụng vất vả, ở nhà làm mỗi thế này thế kia mà kêu than. Xong lại mang tiếng ăn bám, ối giời ơi!", "Phụ nữ bây giờ không muốn phụ thuộc đàn ông, việc gia đình ông bà bố mẹ thì cùng nhau chăm lo chứ không thể mình vợ lo hết, quan điểm của mình là thế. Phụ nữ thà lấy người lương bằng nhau mà cùng nhau chăm lo chứ không lấy người nhiều tiền rồi bao nhiêu việc một mình quán xuyến hết", các thành viên hội nhóm bày tỏ.
Một số người hài hước châm biếm: "Chú thuê tạm osin đi ạ chứ không có em nào chịu lấy là phải rồi", "người ta lấy vợ về làm vợ chứ không phải làm bà nội trợ anh nha", trong khi có người còn phân tích nếu thuê giúp việc chăm sóc bố mẹ anh này cũng phải mất 6-7 triệu đồng mỗi tháng, một năm là gần trăm triệu, tiền đó cưới vợ một lần mà được thời hạn mấy chục năm. Chốt lại là tính như anh này thì khôn quá, không ai muốn "cắn câu" là phải lắm rồi.
Các chuyên gia tình yêu - hôn nhân cho rằng suy nghĩ của chàng trai này đã không còn phù hợp với thời đại mới, khi phụ nữ đã độc lập, tự chủ hơn, họ có khả năng làm ra tiền, chủ động tài chính, chủ động với cuộc đời mình thì không ai còn muốn giao phó số phận vào tay người khác.
Trong các gia đình có sự bình đẳng vợ chồng, cùng nhau gánh vác, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm thì đôi bên mới dễ cảm thông, thấu hiểu và thương nhau nhiều hơn.
Cách tính của anh chàng cũng sai khi đặt lệch trọng tâm gánh vác tài chính lên vai đàn ông trong nhà, tư tưởng "một tay nuôi vợ con" là tư tưởng cũ đặt gánh nặng cho chính mình, và thiếu phòng xa cho những trường hợp rủi ro, công việc không còn như ý muốn.