Giá mà tôi không đưa bố vào viện dưỡng lão

Mặc kệ sự phản đối của họ hàng và chính người bố tội nghiệp, tôi vẫn quyết định đưa ông vào viện dưỡng lão.

Lúc đó, tôi có một ý nghĩ duy nhất vào đó bố sẽ được chăm sóc đầy đủ hơn và không làm phiền tôi.

Giá mà tôi không đưa bố vào viện dưỡng lão - 1

Ảnh minh họa.

Nhiều người cứ nói, con gái sống tình cảm hơn con trai, cha mẹ được nhờ nhiều hơn. Nhưng tự đánh giá bản thân, tôi thấy mình là đứa con gái quá thất bại và thậm chí còn bất hiếu với cha mẹ.

Tôi tự nghĩ là mình quá may mắn bởi lọt lòng đã được cả nhà chăm bẵm, lớn lên lại được cha mẹ tạo điều kiện cho đi du học. Sau gần một thập kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, tôi kết hôn với một anh chàng Việt kiều, liên tiếp sinh 3 đứa con rồi đón bố mẹ sang sống cùng.

Trước đây, tôi thuê bảo mẫu theo giờ để chăm sóc các con. Khi có bố mẹ, tôi chỉ đảm nhận chuyện đưa đón còn lại gần như "khoán trắng" cho ông bà ngoại. Ông xã tôi phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của một tập đoàn đa quốc gia nên "định cư" trên máy bay, tại các văn phòng đại diện… nhiều hơn ở nhà. Tôi làm ngành kiểm toán và cũng có vị trí tương đối nên công việc chẳng lúc nào ngơi. Thực sự nếu không có ông bà ở thời điểm đó, tôi chẳng biết phải làm sao để xoay sở được với lũ nhóc "trứng gà, trứng vịt". 

Bọn trẻ bắt đầu đi học, tôi chưa kịp chúc mừng ông bà được thảnh thơi thì tin sét đánh ập đến: Mẹ tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Chưa đầy 1 tháng sau, mẹ rời bỏ chúng tôi và bố thì đau đớn tới mức không gượng dậy nổi. Ông đột quỵ tới 2 lần và nằm liệt giường từ đó.

Một ai đó đã bình luận trong những dòng tâm sự "Đưa bố mẹ chồng vào viện dưỡng lão: Tôi bất hiếu?" của chị Lý Thu Thùy rằng: "Chăm người già khó gấp 100 lần trẻ con, vì trẻ con, mình bận thì có thể bế theo. Người già là không rời ra được. Khi gần chết, người già ngủ ngày, đêm quấy lắm"… Tôi hoàn toàn đồng ý.

Mẹ mất, bố như trở thành con nít, hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Nếu tôi vắng nhà, cô giúp việc có nói thế nào, ông cũng không ăn. Nếu tôi ở nhà thì chỉ lên sân thượng tưới cây thư giãn một lúc, ông cũng ấn chuông gọi xuống bằng được. Có những đêm, tôi bù đầu với deadline công việc, ông lại hất laptop đi, bắt tôi ngồi nghe những kỷ niệm xa xưa về mẹ… 

Một lần, hai lần… tôi cố gắng chịu đựng nhưng khi công việc không hoàn thành, các cấp quản lý có ý kiến; cuộc sống riêng bị đảo lộn vì tôi phải dành thời gian cho bố nhiều hơn những đứa trẻ đang tuổi lớn, ông xã có những phản ứng nhỏ… Tôi bắt đầu thấy áp lực và căng thẳng ngoài sức chịu đựng.

Tôi cứ quanh quẩn trong cái vòng luẩn quẩn đó mà không thể thoát ra được… Cho tới một ngày, tôi tình cờ đọc được quảng cáo về một viện dưỡng lão ở ngay ngoại thành, cách nhà tôi chưa tới 60 phút lái xe và quan trọng là có nhiều người Việt sinh sống. Tôi tới đó tham quan rất nhiều lần và không thể chê bất cứ điều gì về không gian sống hay cách các điều dưỡng, y tá… chăm sóc các cụ.

Ngay sau đó, tôi quyết định đăng ký cho bố một suất tại viện này, bất chấp sự phản đối của họ hàng và cả… bố. Khi đó, ông nài nỉ: "Con cho bố ở nhà với con và các cháu đi. Con đưa bố vào đó thì bố chết mất. Bố không quen ai ở đó cả. Bố muốn ở bên con cháu và ở bên hương hồn của mẹ con. Bố muốn được mỗi ngày nằm trên chiếc giường mà mẹ con đã nằm…".

Mặc kệ tất cả, tôi hứa sẽ đón bố về vào mỗi dịp cuối tuần và lễ tết. Tôi khẳng định với bố rằng ở đó, ông sẽ được quan tâm đầy đủ hơn khi ở với tôi; có nhiều người bầu bạn, ông sẽ sớm vui vẻ, hoạt bát như cũ. Nhưng tôi đã sai - sai hoàn toàn! 

Cuộc sống ở viện dưỡng lão chẳng thiếu thốn gì, nhưng vấn đề tâm lý của bố không được giải tỏa. Ông thường xuyên rơi vào cảnh mất ngủ rồi trầm cảm tới mức cả ngày cứ lặng thinh, nhìn vào hư không… chẳng nói với bất cứ ai. Sau hơn 1 tuần không thể dỗ ông ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, viện dưỡng lão gọi điện báo với tôi. Nhưng lúc đó, tôi đang bù đầu kiểm toán một dự án lớn. Tôi nhờ họ chăm sóc bố thêm độ chục ngày rồi sẽ nói chuyện lại. 

Khi tôi tới, bố gầy sọp đi, suy sụp hoàn toàn. Ông như khép mình trong một thế giới riêng, không nói chuyện, không giao tiếp với bất cứ ai…

Trước đây, cứ thấy tôi là ông níu tay kể những câu chuyện về thời thanh xuân, thuở mới yêu mẹ…, thấy bọn trẻ thì ông lại kể chuyện nuôi tôi hồi nhỏ khó dễ ra sao. Nhưng bây giờ, ông chỉ im lặng.

Sợ hãi và lo lắng, tôi quyết định nghỉ việc để dành thời gian bên bố, mong chuộc lại lỗi lầm. Nhưng đã quá muộn, tôi chưa kịp bàn giao xong công việc, bố đã ra đi trong một cơn nhồi máu cơ tim. Tôi nghĩ ông đau đớn tới tột cùng khi nhìn thấy bàn tay bố nắm chặt chiếc ga trải giường…

Ông ra đi mà chẳng nói bất cứ điều gì với tôi! Hẳn bố vẫn giận tôi nhiều lắm. Giá mà khi đó tôi lắng nghe những chia sẻ của ông, giá mà tôi mạnh dạn gạt bỏ hết công việc để dành thời gian bên bố, giá mà tôi không đưa bố vào viện dưỡng lão…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm