Gia đình để làm gì

(Dân trí) - “Tớ sẽ kể cho cậu nghe chuyện về anh bạn trai của tớ. Anh ấy coi mẹ mình là nhất, và tớ chỉ có nghĩa vụ học theo mẹ anh ấy thôi!"

 

Gia đình để làm gì - 1

Mẹ nấu ăn ngon, mẹ chăm con khéo, mẹ lao động vất vả để dành cho anh ấy nhiều tiền… Vấn đề là ở chỗ, tớ đã từ chối lời cầu hôn của anh ấy rồi. Tớ đã quyết định để anh ấy trở về cho mẹ anh nuôi tiếp.

Không phải tớ ghen tị đâu, mà là tớ không muốn tiếp nối cái truyền thống giáo dục theo quan điểm “gia đình mình là nhất” của dòng họ nhà anh ấy nữa.

Đa số mọi người nhà ấy đều cho rằng thế giới này có quá nhiều nguy hiểm, từ bà hàng xóm cho đến người ở công ty. Họ chỉ chắc chắn là mình không bị ai bóp cổ khi về nhà với mẹ mình thôi”.

Cô bạn thân từ hồi của cấp 3 đã inbox kể với tôi như thế, tôi bật cười.

Nhớ có lần, một chị bạn khác của tôi, chị rất nhân hậu, lại có kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi dạy những đứa trẻ bị bỏ rơi ở một nhà trẻ tình thương, đã nhận định rằng: Điều nguy hiểm nhất của một người làm mẹ là luôn cố ý hoặc vô tình, dạy cho đứa con mình suy nghĩ, rằng thế giới ngoài kia không ai tốt đẹp bằng mẹ của mình, không đâu lành thiện như gia đình mình. Chị bảo, với bọn trẻ, bị bỏ rơi là một điều đáng tiếc, nhưng những đứa trẻ có những bà mẹ “quá tốt” cũng có điều đáng tiếc không kém, là chúng luôn sợ cảm giác phải hòa mình vào dòng chảy của thế giới. Chúng khư khư “ôm” lấy hình ảnh gia đình và nhất định không chịu tin rằng bầu trời ngoài kia vẫn luôn có rất nhiều điều đẹp đẽ. Chúng thậm chí không bao giờ thoát khỏi thành kiến “người ngoài” và “người thân” để mở lòng ra, nhất nhất “đóng băng” mình, không chịu đón nhận luồng ánh sáng của lòng tốt, giữa biết bao nhiêu những xù xì thô ráp của đời.

Câu chuyện của bạn tôi, và lời nhận định của người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu kia, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều! Gia đình quả là nơi để nuôi dưỡng, yêu thương và săn sóc. Nhưng một người mẹ thành công chắc chắn không phải là người mẹ khiến con sợ hãi khi bước chân ra cùng thế giới. Rõ ràng, tình thương của những người thân trong gia đình không thể theo cách người ta cắt đứt, lìa bỏ tình thương với cộng đồng rồi nén nó thật chặt để dồn trong bốn bức tường và bắt nó phải mang tên “hạnh phúc”. Làm thế, thay vì chắp cánh, thay vì động viên, người ta đã khóa chặt các thành viên lại và đe dọa về cái nơi mà bất cứ ai cũng cần bước ra…

Tôi nhớ đến cách mà mình đang chăm sóc con. Ngày nào tôi cũng hỏi con vì muốn kiếm tra khẩu phần ăn của con ở trường. Tôi bảo con cứ mạnh dạn có ý kiến ngay khi cảm thấy bát, đũa, thìa… ở trường không được sạch. Nhưng chưa bao giờ tôi tỏ ra cho con thấy lòng biết ơn của tôi dành cho những người đã chăm sóc con bé thay tôi, những khi tôi mải miết đi làm… Như thế, phải chăng tôi cũng đang vô thức dạy con mình, rằng chỉ có mẹ là người trách nhiệm…

Tôi không định tô hồng thế giới đầy bụi bặm này lên. Không định lờ đi những thứ người ta đang dạy nhau cảnh giác. Nhưng chắc chắn, những nỗi lo lắng ấy, những cơn sợ hãi ấy, sự cảnh giác e dè ấy không phải và không thể là ánh nhìn duy nhất khi ta nói với con về thế giới này. Ta đã sống và ta đã hiểu rằng càng có nhiều lòng tin để xua tan đi những mặc cảm của chính mình thì những người xung quanh càng sẵn lòng đem đến cho ta những điều tốt đẹp. Cứ thế mà nhân rộng lên, khi mỗi người đều đem đến cho thế giới một ngọn lửa nhỏ của tình yêu thương, thay vì chúng ta ai cũng cố giấu đi ánh sáng của lòng mình. Và, nếu gia đình chỉ đem lại cho người ta cảm giác bất an về thế giới ngoài kia, thì cuối cùng, thiết lập nó để làm gì?

Hương Ngân

 

Gia đình để làm gì - 2