Ghen với “kẻ thù vô hình”
Một phụ nữ thú nhận với chuyên gia tâm lý rằng, chị ghen cả với người vợ cũ đã khuất của chồng, bởi cảm thấy anh vẫn không quên được cố nhân.
Ai cũng nghĩ khi làm việc gì đến lần thứ hai thì phải có kinh nghiệm hơn lần đầu, và khả năng thành công cũng cao hơn. Nhưng có lẽ điều này không đúng với hôn nhân, bởi thống kê cho thấy, tỷ lệ tan vỡ của những cuộc hôn nhân lần thứ hai cao hơn lần thứ nhất. Một nguyên nhân quan trọng là cái bóng của quá khứ luôn ám ảnh cuộc sống chung trong hiện tại, phương Tây gọi đó là “hội chứng ly hôn mãn tính”.
Một ngày chủ nhật rảnh rỗi, chồng đi công tác xa, chị Mai tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Tình cờ chị thấy một tấm ảnh rơi ra từ quyển sổ tay, có lẽ đã nằm yên trên giá sách từ lâu rồi. Bức ảnh chụp anh Khang chồng chị với người vợ cũ đang ngả đầu vào nhau, âu yếm che chung một cái dù trên bãi biển. Đằng sau bức ảnh có hai câu thơ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Dưới ký là Phương, tên người vợ cũ của anh.
Mai biết chị ta hiện ở nước ngoài. Chị đi học rồi ở lại đó với người tình. Các thủ tục ly hôn được tiến hành bằng giấy tờ gửi qua đường bưu điện. Là người tế nhị, anh Khang không bao giờ nhắc tới người vợ cũ trước mặt Mai. Những tấm ảnh chụp chung có hình người đó đều được anh gỡ bỏ hết. Tấm ảnh còn để trong quyển sổ này có lẽ do anh quên. Và Mai thật không ngờ, dòng chữ ấy cứ như xoáy vào tim chị.
Là một bác sĩ phẫu thuật, Mai thường không cho phép ai làm mình mất bình tĩnh, thế mà lúc này, những ngón tay chị cứ run lên. Chị đã gấp tấm ảnh lại, để quyển sổ vào chỗ cũ nhưng nghĩ thế nào lại lấy ra, ném xuống đất rồi thuận chân đá vào gầm tủ. Mấy hôm sau Khang trở về. Trong khi cúi xuống lấy đôi giày, anh phát hiện cuốn sổ và tấm ảnh. Anh không nói với vợ câu nào. Chuyện chỉ có thế mà họ giận nhau đến chục ngày.
Quá khứ thường hiện về dưới mọi hình thức. Có khi là do người chồng cũ tuần nào cũng đến thăm con, có khi là một cú điện thoại báo cho chồng cũ biết rằng con bị ốm, hoặc có khi chỉ là một người bạn thân của chồng cũ tình cờ ghé chơi... Những kỷ niệm, những mối quan hệ ấy cứ lẩn khuất trong cuộc sống hiện tại, lúc ẩn, lúc hiện, không làm sao xóa hết được.
Thật ra, không có cách nào khác hơn là chấp nhận quá khứ khi lấy người từng kết hôn. Bởi vì nghĩ cho cùng, khi lấy một người như thế, đâu phải bạn lấy riêng họ mà là lấy “trọn gói”, cả vợ cũ, chồng cũ, cả những đứa con riêng, cả những kỷ vật, cả bạn bè và người thân của họ. Dù họ nói cuộc hôn nhân trước đã “hoàn toàn cắt đứt” thì trên thực tế, nó vẫn tồn tại trong ký ức. Kinh nghiệm về cuộc hôn nhân trước bao giờ cũng in dấu lên cuộc hôn nhân tiếp theo.
Sau 15 năm nghiên cứu, mới đây, nhà xã hội học người Mỹ Allerstein đã công bố công trình của mình về những hậu quả của ly hôn. Đối tượng nghiên cứu của bà là 200 đôi vợ chồng ở tiểu bang California đã chia tay nhau. Họ đều là những người khá giả, giàu có và học thức. Thế mà đến cả chục năm sau, gần 60% đàn ông và hơn 40% phụ nữ trong số đó vẫn có thái độ không bình thường khi tình cờ nghe nhắc đến “người xưa” hay vô tình gặp lại một kỷ niệm nào đó. Thái độ tỏ ra là giận dữ, khinh bỉ hay thương hại, ngậm ngùi còn tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại của họ. Nếu hạnh phúc, họ thường độ lượng hơn, còn nếu không gặp may thì lòng oán trách không hề giảm sút đối với kẻ đã “làm hỏng cuộc đời mình”.
Trong khi các nhà đạo đức học mong muốn những người đã ly hôn đối xử với nhau một cách tử tế như bè bạn thì công trình nghiên cứu của Allerstein lại chỉ ra rằng, những đôi sau khi chia tay còn coi nhau như bạn, còn giao tiếp, gặp gỡ thăm hỏi, quan tâm đến nhau thì sẽ khó tìm thấy hạnh phúc bên người bạn mới.
Chị Khánh Hà kết hôn lần đầu với anh Kỳ, giáo viên dạy cùng trường. Thường ngày, anh cư xử rất tế nhị, nhưng cứ đến chủ nhật, anh lại đi đâu mất tăm cả buổi chiều với lý do rất mập mờ. Sau chị mới biết, anh đến nhà vợ cũ đưa đứa con riêng 8 tuổi đi chơi. Có hôm đã 10 giờ đêm, anh còn hốt hoảng mặc áo mưa đến nhà vợ cũ sau khi nhận được tin con bị bệnh. Sau những lần ấy, vẻ mặt anh đăm chiêu hẳn. Chị cảm thấy hình như mình chưa thể thay thế được người cũ hoàn toàn, mặc dầu anh vẫn tỏ ra rất yêu chị.
Có lúc không hiểu nghĩ sao, Hà lại buột miệng hỏi chồng về một chi tiết trong cuộc hôn nhân trước. Lúc đó, anh thường đánh trống lảng. Có lần anh nói: “Không ai tắm hai lần trên một khúc sông, vì nước luôn luôn chảy. Cũng chẳng ai yêu lần thứ hai giống như lần trước, vì thế không nên nhắc đến làm gì. Chỉ biết bây giờ anh yêu em và chúng mình hạnh phúc, thế là đủ em ạ”.
Kinh nghiệm cho thấy, những người kết hôn lần thứ hai cần có độ nhạy cảm, tinh tế hơn trong cuộc sống, tránh nói chuyện về cuộc hôn nhân trước với người bạn đời hiện tại. Điều tối kỵ là so sánh người cũ với người mới, dù là để chê bai hay ca ngợi. Càng không nên để những kỷ vật hiện diện trong cuộc sống chung, dù đó chỉ là những bức ảnh hay băng đĩa có hình người cũ. Nếu có điều kiện, nên thay đổi cả chỗ ở.
Cũng không nên đi dạo cùng nhau trên những con đường xưa, không nên đi nghỉ ở những nơi từng đi với người trước, vì nhiều khi chỉ vô tình cũng làm chạnh lòng người bạn đời hiện tại.
Theo Tiếp thị và Gia đình