Ghen tuông vô hình
(Dân trí) - Thế là chị đã dọn đồ về bên ngoại được gần 1 tháng. Chị dứt khoát ra đi bỏ mặc bao lời xin lỗi và níu kéo của anh. Căn nhà xưa ấm ấp là vậy mà giờ lạnh lẽo vắng lặng. Bất cứ góc nào đều làm anh nhớ tới hình dung của chị.
Bố anh vốn là bộ đội biên phòng, đơn vị đóng quân mãi tít tận biên giới Campuchia, cách nhà anh tới gần 500 km nên rất ít khi về nhà. Một mình mẹ với 3 sào ruộng bươn chải nuôi 2 chị em anh ăn học. Xa chồng lâu ngày, phụ nữ dễ yếu lòng, bà ngã vào lòng ông chủ tiệm cơm phở trên phố.
Một buổi chiều nọ có vài người lạ xông vào nhà, họ túm tóc mẹ anh lôi ra sân. Họ chửi mẹ anh là đồ lăng loàn, cướp chồng người. Mẹ anh tóc tai rũ rượi, co ro không chống cự được cơn ghen dữ dội của người phụ nữ to béo và sang trọng. Chị em anh sợ hãi đứng ôm nhau một góc nhà. Phía sau rặng rào nhấp nhô những cái nhìn tò mò, những cái bĩu mỗi, ánh mắt lườm nguýt khinh bỉ của dân làng.
Tai tiếng theo gió bay xa, bố anh xin ra quân ngay trong năm đó. Ông chẳng trách mắng, cũng chẳng đánh vợ nhưng từ ngày đó chẳng ai thấy ông cười. Không khí gia đình trôi đi trong ngột ngạt được hơn 1 năm thì bố anh mất. Anh mãi mãi không bao giờ quên được ánh nhìn u uẩn và lời nói của ông trước khi nhắm mắt: “Tại bố ở xa quá, bố không quan tâm chăm sóc mẹ con được nên mới ra nông nỗi này...”.
Có lẽ vì lời nói đó của bố mà khi yêu và cưới chị, anh không ngần ngại thể hiện tình yêu và sự quan tâm. Anh không đi xa như bố. Anh yêu và sợ bị phản bội. Anh luôn muốn được nhìn thấy vợ mọi lúc mọi nơi, biết chị làm gì, với ai.
Với anh bất cứ người đàn ông nào đến gần vợ đều đáng nghi cả. Dù vợ anh luôn tỏ ra đúng mực trong các mối quan hệ và yêu thương chồng con hết mực, nhưng như thế lại càng làm anh lo. Anh cho rằng người phụ nữ như vợ anh xã hội ngày nay rất ít nên lại càng dễ bị “nhòm ngó”.
Sáng sáng anh chở vợ đi làm, chiều anh đứng đón chị. Có lần phòng chị ở lại họp muộn, tan họp đã thấy anh đứng ngay trước cửa phòng. Mọi người khen chị tốt số được chồng yêu. Riêng chị chỉ biết cười trừ chữa thẹn.
Anh kiểm tra tất cả các tin nhắn trong điện thoại, trong email công việc của chị. Anh tra hỏi vặn vẹo, xóa khỏi danh bạ của chị những số điện thoại bạn bè “xa” mà theo anh là “không cần thiết”. Ngay cả việc đi chợ anh cũng giành với chị vì sợ vợ tranh thủ gặp giai.
Dần dần cái sự ghen tuông ấy đã làm anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Hễ thấy chị đứng nói chuyện với người đàn ông nào là anh tra hỏi. Anh sẵn sàng vung tay tát vợ nếu những gì vợ giải thích không làm cho anh tin. Về đêm anh hùng hục tra tấn vợ trên giường, chị có van xin, kêu mệt anh cũng không tha bởi “ban ngày cô hú hí với thằng nào rồi mà về nhà lại từ chối chồng?”. Chị đau đớn, buồn bã, thất vọng dẫn tới stress thì anh mắng chị là tương tư thằng nào nên mới ngẩn ngơ như vậy.
Sau mỗi lần như vậy anh lại năn nỉ xin lỗi chị, rằng vì anh quá yêu và sợ mất chị nên mới hành động như vậy. Nhưng tình yêu chị dành cho anh dần mòn đi theo những lần ghen tuông.
Ngày quyết bỏ về bên ngoại chị để lại cho anh một lá thư, nói chị không muốn như con chim bị nhốt trong lồng. Anh chìm trong men rượu, thấy thiếu lắm một bàn tay chăm sóc ân cần, một giọng nói thân quen.
Linh Nhi