Gặp gỡ tác giả bức thư xúc động của cậu con trai đồng tính gửi mẹ
(Dân trí) - Vài năm trước, cái tên Teddy - Nguyễn Đăng Khoa xuất hiện và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng khi em quyết định viết gửi mẹ một lá thư chất chứa nỗi lòng đứa con trai đồng tính không được mẹ chấp nhận.
Bức thư nói lên sự đau khổ của người con “khác lạ so với phần đông xã hội”, “là con trai nhưng lại chỉ yêu con trai”, nỗi bất hạnh của đứa con đã lấy đi của mẹ quá nhiều nước mắt chỉ vì sự khác biệt mà chính mình không mong muốn. Chính bức thư đã khiến mẹ Teddy hiểu ra mọi điều và có thể mở lòng trở lại với con.
Cậu học trò ngày ấy đến nay đã trưởng thành. Hãy cùng gặp lại Teddy để biết cuộc sống của cậu bây giờ ra sao.
Chào Teddy! Chàng trai ngày nào quyết định "rẽ trái", đi ngược lại với mong muốn con "rẽ phải" của mẹ dạo này ra sao?
Hiện cả Teddy và mẹ đều là những thành viên rất tích cực trong các hoạt động vận động quyền cho người LGBT Việt Nam. Hai mẹ con từng tham dự nhiều hội thảo quốc gia do Bộ Tư pháp và Quốc hội tổ chức để lấy ý kiến về các dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình năm 2013. Teddy và mẹ cũng từng đặt chân đến cơ quan Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan vào đầu năm nay để chia sẻ câu chuyện của mình đến với các đại diện của LGBT trên khắp châu Á. |
Cuộc sống của hai mẹ con em bây giờ rất vui vẻ và hạnh phúc. Kể từ ngày em khám phá bản thân đến nay, lúc này là lúc em cảm nhận được mình mới có một cuộc sống nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa như mọi người.
Mẹ em sau khi nghỉ hưu đã tham gia các hoạt động cộng đồng và hiện đang làm chủ tịch hội Cha mẹ, bạn bè và người thân của người LGBT (gọi tắt PFLAG). Em thì sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ đã tìm được việc làm tại một ngôi trường đại học ở TPHCM.
Khi được gia đình chấp nhận, em càng có thêm nhiều động lực để phấn đấu trong cuộc sống. Cả nhà bên ngoại của em hiện đã biết về em và ai cũng đều tỏ ra bình thường, nếu không muốn nói là em được "cưng" hơn ngày trước (cười).
Bức thư Teddy gửi mẹ đến hôm nay vẫn gây xúc động cho nhiều người tình cờ biết đến câu chuyện của em. Cảm giác của em ngày ấy thế nào, ngay trước khi gửi thư cho mẹ?
Lúc đó, sau những nỗ lực để "chữa trị" cho em không thành, mẹ với em rơi vào khoảng thời gian chiến tranh lạnh gần một năm, không ai nói với ai tiếng nào. Mẹ đã gửi cho em hai lá thư nhưng em không hồi âm vì không biết phải đối diện mẹ ra sao.
Tình trạng mẹ con cứ căng thẳng đến khi em không chịu nổi sự ngột ngạt trong gia đình, em mới lấy lá thư em từng viết cách đó vài năm rồi đặt lên giường mẹ trước khi đi làm.
Trong thư em bộc lộ tất cả những điều em chưa từng nói với mẹ nghe, kể cho mẹ suy nghĩ của em, những đau đớn, dằn vặt của em khi em không thể yêu một người con gái, khi em là một người khác lạ so với phần đông xã hội. Em viết với toàn bộ con tim và những dòng nước mắt của mình. Em cũng hỏi mẹ rằng tại sao nếu em sinh ra là người khuyết tật thì mẹ vẫn thương em, còn khi em là một người đồng tính thì mẹ lại xa lánh và ghét bỏ em.
Sau này, khi nghe mẹ kể lại thì em biết chính lá thư đó là bước ngoặt để mẹ có thể mở lòng mà đón nhận em.
Cậu bạn Teddy ngày ấy giờ đã chững chạc và hạnh phúc hơn.
Sự ủng hộ của mẹ sau khi đọc lá thư em viết có phải động lực lớn lao nhất để em quyết định come out - bước ra cộng đồng và thừa nhận mình đồng tính?
Trước khi mẹ chấp nhận em thì bạn bè thân và bạn học cùng lớp đại học với em cũng đã biết. Họ là chỗ dựa cho em những khi vui buồn. Nhưng với em, chính gia đình mới khiến em cảm thấy mình được là chính mình.
Sau khi có thể mở lòng với nhau, hai mẹ con trở thành những thành viên hoạt động cộng đồng tích cực.Gia đình chấp nhận có ý nghĩa rất lớn bởi lẽ chúng ta có thể từ bỏ người bạn khi họ kỳ thị ta nhưng ta không thể từ bỏ được gia đình, đó không phải là một sự lựa chọn. Chính vì thế, sự ủng hộ của gia đình càng làm em có thêm động lực để tham gia vào các hoạt động cộng đồng và khẳng định bản thân mình trước xã hội.
Vẫn còn không ít quan điểm định kiến, cho rằng đồng tính là xấu, lệch lạc, thậm chí là đua đòi, hay là một... căn bệnh. Cách nhìn nhận đó có đúng không? Em sẽ nói gì để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những người LGBT?
Đây là quan điểm thường thấy ở những người chưa hiểu về cộng đồng LGBT. Mặc dù xã hội đang có cái nhìn cởi mở hơn với người đồng tính, song tính và chuyển giới, nhưng với những ai không tiếp cận thông tin đại chúng thì kiến thức về LGBT với họ hầu như là không có. Mà con người thường sợ những gì họ không biết hoặc không hiểu, đôi khi cũng theo a dua của xã hội để hùa theo quan điểm cho rằng đồng tính gắn với những điều xấu và tiêu cực.
Em nghĩ cần có một khoảng thời gian nữa để các kiến thức đúng đắn đến được với những người này. Một khi họ hiểu đúng thì họ sẽ có cái nhìn thông cảm hơn. Họ sẽ nhận ra rằng người LGBT cũng có những người tốt và đang ngày đêm học tập, làm việc để cống hiến cho xã hội. Vấn đề không nằm ở chỗ em nói mà phải là chúng ta cùng nói. Tiếng nói cộng đồng sẽ là tiếng nói mạnh và lan tỏa rộng nhất.
Dũng cảm thừa nhận mình là cách đúng đắn nhất để có cuộc sống hạnh phúc, tự do phát triển đúng như mong muốn bản thân. Là người đã có trải nghiệm thực tế, em có cho rằng điều này đúng? Em sẽ nói gì với những người LGBT vẫn đang sống trong "bóng tối", có thể là với cả cảm giác dằn vặt, đau khổ khi không thể sống đúng với giới tính thật của mình?
Thật sự khi em được gia đình, bạn bè và xã hội chấp nhận, em cảm thấy mọi áp lực trong cuộc sống dường như được giải tỏa đi tất cả. Từ đó, em hoàn toàn có thêm động lực, niềm tin và tâm trí để phấn đấu nỗ lực trong học tập và làm việc với khát khao được cống hiến, giúp ích cho xã hội. Những gì em đạt được đến giờ phút ngày hôm nay là minh chứng cho việc được sống thật với chính mình sẽ giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng LGBT được phát huy hết khả năng của bản thân, có cuộc sống hạnh phúc và tự do phát triển toàn diện.
Đối với những bạn LGBT còn đang sống trong ‘bóng tối’, em hiểu cho những khó khăn và hoàn cảnh của các bạn khi chưa thể sống thật với gia đình và với chính mình. Tuy nhiên, em cũng muốn nói rằng, cuộc sống này chỉ có một và chúng ta chính là người làm chủ nó. Sống thật chính là con đường tìm đến sự bình an và hạnh phúc nhất khi sinh ra là người LGBT. Vì vậy em mong các bạn sẽ luôn có sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất để làm chủ cuộc đời mình.
Cảm ơn Teddy đã dành thời gian trò chuyện cùng độc giả Dân Trí!
Nội dung bức thư Teddy gửi mẹ “Mẹ của con, Hôm nay là lần đầu tiên con viết thư cho mẹ. Con không nghĩ là nó lại khó khăn đến như vậy. Khó để nói lên những tâm sự con giấu bấy lâu, khó để làm cho mẹ hiểu được những gì con đã trải qua... Thời gian trôi qua thật nhanh, cấp I, cấp II, cấp III rồi con vào đại học. Mẹ với con luôn là một vĩ nhân, là hình tượng để con học hỏi. Mẹ luôn đặt vào con niềm hi vọng nhỏ nhoi, đó là mong con được thành tài, có sự nghiệp, mong con có gia đình hạnh phúc. Con biết chứ, cha mẹ nào mà chẳng mong con cái được như thế. Con yêu mẹ nhiều lắm. Nhưng... Cuộc sống thật khắc nghiệt. Con sinh ra không giống như bao thằng con trai khác, con sinh ra trong một sự trớ trêu của tạo hóa. Mẹ ơi, con là gay. Con không thích con gái, con chỉ thích nhìn con trai. Mẹ ơi, con xin lỗi. Ngay từ lớp 1 con đã thấy mình có gì đó không ổn, rồi đến năm lớp 7 con đã biết yêu, mẹ còn nhớ Huy Vũ không? Đó là người đã làm con biết bao lần say đắm. Mẹ có nhớ là con đã nhiều lần nói với mẹ về nó không? Lúc đó con cũng chẳng biết mình là ai nữa. Rồi năm lớp 10 con cũng đã từng mến Trọng, nhưng sau đó con đã nhận ra mình là ai và biết rằng thế giới này không dành cho con. Thật sự là năm cấp III con đã yêu, yêu nhiều lắm nhưng con chỉ yêu con trai. Đã có lúc con thử với con gái nhưng tất cả chỉ là giả tạo, đó không phải là yêu, đó chỉ là lừa dối chính bản thân mình. Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết là bây giờ mẹ đang khóc, khóc nhiều lắm nhưng con cũng rất đau khổ khi viết thư cho mẹ. Con không bao giờ dám nói với mẹ điều này. Cái ngày mẹ biết con như vậy mẹ đã khóc, khóc nhiều lắm. Tim con như nhói đau, con chỉ muốn mình chết đi để không làm mẹ phải đau khổ như vậy. ... Mẹ đừng đưa con đi bác sĩ tâm lý nữa vì người ta đã chứng minh đây không phải là bị tâm lý. Con cũng không phải bị sinh lý. Mẹ hãy cho con biết con nên làm gì. Con chỉ xin mẹ nếu như mẹ còn coi con là con của mẹ thì hãy chấp nhận con người này của con. Hoặc nếu mẹ không thể thì con van xin mẹ hãy cho con thêm một năm nữa để con tốt nghiệp ra trường, sau lúc ấy con sẽ đi khỏi đây mãi mãi để không phải là nỗi ô nhục của mẹ. Con sẽ làm việc để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Con sẽ đi đến nơi xa xôi và đó là hình phạt cao nhất dành cho con. Con sẽ khóc vì nhớ mẹ, khóc vì mình là kẻ đáng chết. Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm. Con đang khóc nhưng con biết khóc cũng chả ích gì, bởi vì con là gay. Cuộc sống không chấp nhận con, gia đình không chấp nhận con. Dù con có ở bên cạnh người ấy con cũng sẽ mãi không bao giờ được hanh phúc. Con không thể cưới một cô gái để rồi cô ta phải đau khổ vì con. Con cũng không thể cưới một thằng con trai để rồi mẹ phải dằn vặt bản thân. Cuộc sống, tương lai đã đến ngõ cùng, bế tắc. Con không làm gì nên tội lỗi, con không làm gì sai trái với đạo đức con người mà. Tại sao mẹ phải xấu hổ với mọi người vì con. Con có giết người đâu, con có trộm cắp đâu, con là đứa có suy nghĩ, có chí hướng. Xin mẹ đừng ép con làm những điều con không thể. Mẹ sinh con ra mẹ muốn con hạnh phúc, con hạnh phúc khi con ở cạnh người con yêu. Con không thể có hạnh phúc khi nhắm mắt cố gắng giả tạo để yêu một người con gái được. Mẹ có muốn nhìn thấy con mẹ mãi mãi không có hạnh phúc? Rồi cũng sẽ một mình con đương đầu với sóng gió phía trước. Dù đau lắm nhưng con phải cố gắng. Con luôn ước con được sống chung với bố mẹ cùng với người con yêu trong một căn nhà, nhưng con biết đó chỉ mãi là ước mơ...”. |