Gái vụng không sợ tết

(Dân trí) - Vài năm trước gái vẫn như bao người nhìn gái, luôn đinh ninh rằng gái sướng, chả phải mó tay vào việc gì. Gái chỉ rảnh rang lo làm đẹp, ăn chơi và hưởng thụ.

Gái vụng không sợ tết - 1

Vì gái vẫn mang nặng trong đầu cái lý luận với mẹ rằng, thời buổi của đàn bà bếp núc qua lâu rồi, gái đi học, lĩnh hội bao tinh hoa, đẳng cấp về bình đẳng giới, rốt cuộc lại vẫn chui vào cái xó bếp hay sao? Tội gì phải khổ thế, sau này gái sẽ thuê người làm hết, để gái lo những việc quan trọng khác…

Mẹ gái cũng lực bất tòng tâm, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… nấu ăn. Sau khi nhiếc “rồi trắng mắt ra” thì thôi mẹ gái chẳng thừa hơi mà đốc thúc con tề gia nội trợ nữa, cho thêm bực.

Gái vẫn phởn phơ cho đến tận ngày gái về nhà chồng, và thế là chuỗi ngày địa ngục của gái bắt đầu.

Mà mẹ chồng gái cũng hay thật, cứ làm như gái là giáo sư biết tuốt ấy, toàn quẳng một lô nguyên vật liệu cho gái bảo làm, khiến gái trở tay chẳng kịp, không biết hỏi ai. Hỏi chú Gúc thì không tường tận, mà hỏi mẹ chồng thì xấu mặt. Gái hùng hổ làm, kệ, đến đâu hay đến đó. Rốt cuộc, nhiệt tình cộng dốt nát thành ra phá hoại, đám thực phẩm tươi ngon vào tay gái thành một mớ phế phẩm, mẹ chồng tí xỉu vì tiếc của. Qua một, hai lần đứng tim ấy, thì mẹ chồng tặc lưỡi “phát hiện” ra, con dâu đoảng. Thế là mẹ chồng chỉ bảo gái từng tí một, gái cũng rất chăm chú lắng nghe, chứ thái độ đâu dám “lồi lõm” như hồi ở nhà với mẹ đẻ.

“Lạc sao rang sống thế này? Con không thử à?”, “Nóng quá con không dám thò tay vào!” mẹ chồng lắc đầu: “Thấy ngả màu hoặc có mùi thơm thì biết là chín mà”.

Đoạn mẹ chồng nhăn mặt hỏi: “Con nấu thế nào mà canh cá nhạt và tanh thế?” nghe gái thật thà thuật lại, mẹ chồng trố mắt, “Con không ướp muối, lại thả thẳng vào nước lạnh thế thì tanh là đúng rồi”, gái xấu hổ, mặt hết đỏ lại chuyển sang tím.

Song mẹ chồng cứ nhẹ nhàng thế, khiến gái càng thêm ái ngại cho bản thân. Thực lòng yêu quý chồng và nhà chồng nên gái thèm lắm cái cảm giác nấu cho mọi người bữa ăn ngon, ai nấy suýt xoa, và cơm, xới tới tấp… Đằng này, mẹ chồng toàn phải đi “chữa cháy” cho gái, làm gái chỉ muốn độn thổ, chẳng muốn ngoi lên làm gì nữa cho muối mặt.

Gái tự thấy bàn tay mình đã cứng quèo quá rồi, sự linh động, tinh tế trong chế biến các món ăn hầu như không có, gái thấy mình vô dụng và ân hận khi ngày xưa không chịu khó làm bếp cho quen.

Và khi con chim non còn chưa biết đi, thì gái thấy Tết như một sự kiện chạy việt dã, gái hốt!

Này nhé, ngày thường có đôi ba món đã tẩn mẩn cả tiếng mới xong, trong khi đó tết bày ra rõ lắm kiểu, cúng ông bà ông vải, rồi khách khứa và bản thân mình cũng phải chén đủ ngày ba bữa nữa. Mà có phải nguyên ăn đâu, thời gian còn đi chúc tết, tiếp khách và về thăm nhà mẹ đẻ… Chỉ rúc vào bếp thì ôi trời ơi còn gì là tết! Gái thấy hoang mang cực độ, gái sợ và gái sút khéo phải đến năm… lạng, khi cận tết.

Thế rồi gái quyết tâm cải tổ mình, để đến tết không còn bị run sợ, cũng may trời phú cho gái “một nửa” yêu thương vợ, cũng như khéo biết động viên để gáilựa đường tự hoàn thiện. Mỗi khi gái nấu món không phải hấp hoặc luộc người ấy lại tấm tắc khen và ăn nhiều thêm chút, khiến gái vui, cũng từ đó gái có động lực hẳn.

Gái thấy, mình có điều kiện tội gì không biết ăn ngon, mặc đẹp, cùng nguyên liệu ấy biết chế biến, gia giảm thêm gia vị đúng kiểu vào, ngon hơn hẳn, lại cảm thấy mình sành điệu, biết hưởng thụ lên bao nhiêu.

Sao gái không nhận ra điều ấy sớm hơn nhỉ?

Vậy là gái đầu tư sách vở thời gian, tham gia học hỏi, học thầy không tày học bạn. Gái cầu tiến, đến cả nhà các chị có tiếng nấu ăn ngon để “cầu viện”, ai cũng vui vẻ chỉ dẫn cho gái tận tình, không ngại tiết lộ cho gái những bí kíp riêng của họ, mà mỗi lần thử thay đổi, lại ra một hương vị lôi cuốn riêng…

Tết đến gái vụng tự tin hơn nhiều, vì gái biết, chẳng có cách nào thoát được sự sợ hãi ngoài việc đi xuyên qua nó.

TSL

Gái vụng không sợ tết - 2