Ế vợ vì cảnh tứ đại đồng đường

Mô hình gia đình có ba, bốn đời cùng chung sống trước đây khá phổ biến và được coi là biểu hiện “nhà có phúc”. Tuy nhiên với nhịp sống hiện đại, mô hình ấy kéo theo không ít chuyện vui buồn.

 
Ế vợ vì cảnh tứ đại đồng đường - 1


Người yêu chạy... mất dép

 

Là thành viên trong một gia đình tứ đại đồng đường, đó là một trong các lý do khiến anh Thắng (nhà ở ngõ Bún, khu Đông, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa lấy được vợ. Với nhiều ưu điểm, Thắng có rất nhiều cô gái thích. Thế nhưng cứ đến lúc được anh dẫn về nhà là các cô đều phát hoảng, nhìn cảnh đại gia đình nhà Thắng và liên tưởng đến lúc mình phải phục vụ khắp lượt người già, người trẻ trong nhà.

 

Lần gần đây nhất, Thắng dẫn cô người yêu tên Thúy về nhà sau một thời gian dài “làm công tác tư tưởng” rất kỹ lưỡng. Cũng đã cơ bản mường tượng về gia đình chồng tương lai qua những điều Thắng kể, nhưng khi “tận mục sở thị”, Thúy vẫn choáng nặng. Bước vào nhà, Thúy được Thắng đưa thẳng lên tầng hai chào cụ, đã 98 tuổi. Sau khi “diện kiến” ông bà nội của Thắng, cũng đã ngoài 70, Thúy mới vào bếp cùng mẹ chồng tương lai. Trong một bữa, mẹ Thắng phải nấu thức ăn theo ba chế độ. Cụ ăn cháo, ông bà ăn nhạt nên phải nấu món luộc, còn các con cháu thì ăn món xào… Nhìn cảnh mẹ Thắng mướt mồ hôi tất bật chuẩn bị bữa ăn cho đại gia đình là Thủy đã phát hoảng.

 

Đến bữa ăn, bố Thắng còn hào hứng diễn thuyết một hồi về truyền thống gia đình và ý tứ nói với Thủy rằng đang mong Thắng nhanh lấy vợ, sinh con để nhà ông sẽ trở thành gia đình “Ngũ đại đồng đường” hiếm thấy trong thời hiện đại này. Nhưng mong muốn đó của ông bố vẫn chưa thực hiện được vì sau lần ấy, Thúy không trở lại thăm gia đình thêm lần nào nữa…

 

Cuộc sống chung phức tạp

 

Nhà ở giữa khu phố hiện đại sầm uất nhưng ông bà Lực (đường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) vẫn giữ nếp sống truyền thống như ngày xưa. Từ thời ông, khi lấy vợ, có con vẫn sống với bố mẹ và ông bà trong cùng một ngôi nhà. Không gian sinh hoạt chung của cả gia đình lúc nào cũng đầm ấm, có già, có trẻ vui cười. Thế nên bây giờ ông Lực vẫn muốn giữ truyền thống đó. Sau khi con trai lấy vợ, ông muốn con cháu ở chung dù ông thừa điều kiện mua nhà to rộng ở chỗ khác cho con. Hiện tại nhà ông có bốn thế hệ cùng sống.

 

Tuy nhiên, các con cháu ông Lực có cách sống, cách nghĩ khác nên nhiều khi ông Lực cảm thấy mô hình “tứ đại đồng đường” mà ông tự hào và cố công duy trì có vẻ như đã lạc hậu. Cuộc sống chung giữa nhiều thế hệ trong một không gian dù rộng rãi vẫn có sự va chạm. Ngôi biệt thự to rộng mà ông Lực xây với mong muốn được sống đầm ấm bên con cháu thành ra vừa rộng lại vừa chật. Rộng vì mỗi thành viên có một thời gian biểu riêng, các con cháu ông Lực đi suốt ngày với những công việc riêng, tối đến đều về phòng riêng đóng cửa xem ti vi, nghe nhạc hoặc làm việc trên máy tính. Đi ra đi vào rốt cục cũng chỉ có hai ông bà. Phòng khách rộng rãi được ông thiết kế làm không gian sinh hoạt chung, giờ chỉ có hai ông bà ngồi là chính. Còn chật là những lúc ông bà muốn nghỉ ngơi,  thư giãn thì mấy đứa cháu lại bật nhạc ầm ầm, bảo mở nhỏ lại thì chúng cãi: “Nhạc rock mà nghe nhỏ thì thà đừng nghe còn hơn”. Có hôm chúng còn kéo bạn đến nhà xem bóng đá đến tận hai, ba giờ sáng và hò hét ầm ĩ làm ông bà mất ngủ theo.

 

Có lần, đứa cháu đi học bị điểm kém vì mải chơi không chịu chép bài.  Về nhà mẹ nó lôi con ra đánh, ông bà vào can thì cô con dâu buông luôn một câu: “Nó là con của con, ông bà để con dạy”. Vì chuyện đó mà ông bà giận cô con dâu mãi.

 

Vẫn có nhiều gia đình đa thế hệ sống thuận hòa

 

Hiện nay, khi tự do cá nhân ngày càng được coi trọng thì việc tách gia đình sống riêng đang được nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ ủng hộ. Theo họ thì sống chung với bố mẹ, ông bà sẽ làm mất tự do và nảy sinh nhiều vấn đề phiền phức. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn rất nhiều gia đình đa thế hệ có cuộc sống chung đầm ấm, thuận hòa. Ở những gia đình này, văn hóa truyền thống được coi trọng, các thế hệ hỗ trợ nhau, con cháu có người chăm sóc, dạy dỗ, ông bà thì có nơi nương tựa, an ủi tuổi già.

 

Khi được hỏi, không ít người vẫn muốn duy trì kiểu gia đình nhiều thế hệ vì những ưu điểm của nó, trong đó có chị Thanh Xuân, nhà số 4, ngõ 336/28 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị đang làm dâu trong một gia đình có bốn thế hệ. Hai vợ chồng đều bận công tác xã hội, các con chị thường xuyên được ông bà chăm sóc, dạy bảo. Ngược lại, mỗi khi trái nắng trở trời, ông bà đau yếu, vợ chồng chị đều thuốc thang chu đáo. Nhờ thế mà gia đình chị Xuân luôn trong ấm ngoài êm, luôn được tuyên dương là gia đình văn hóa của địa phương suốt nhiều năm qua.

 

Cũng như vậy, gia đình “tứ đại đồng đường” của cụ Nguyễn Đức Luyến ở ngõ 28, Xuân La, Tây Hồ (Hà Nội) luôn luôn đầy ắp tiếng cười. Cụ Luyến năm nay đã 95 tuổi, vốn không phải là người thành phố. Con trai trưởng công tác tại Hà Nội, có điều kiện mua nhà và đón cụ xuống sống cùng con cháu. Cụ bảo ngày mới về Hà Nội sống, chưa quen nên thấy buồn và nhớ quê lắm. Vì thế các con cháu đều cố gắng làm cho cụ thấy thật thoải mái và gần gũi. Bận đi làm, đi học cả ngày nhưng các thành viên đều cố gắng về sum họp, chuyện trò trong bữa cơm cuối ngày. Tối đến, đứa chắt nội đang học lớp một lại ríu rít đòi cụ kể chuyện “Tam quốc diễn nghĩa” hay những chuyện ở quê.  Con cháu đều hiếu thảo, phụng dưỡng chu đáo cho cụ Luyến, ngược lại cụ cũng quan tâm, góp ý cho con cháu những điều hay lẽ phải nên không khí trong nhà luôn ấm áp hòa thuận.

 

Thành viên các đại gia đình như của chị Xuân, cụ Luyến đều cho rằng, nhiều thế hệ chung sống không phải là yếu tố ngăn cản sự vui vẻ, hòa thuận trong gia đình. Điều quan trọng là mọi người biết vì nhau, như thế sẽ bỏ qua và khắc phục được những bất tiện để có cuộc sống chung đầm ấm.

 

Theo Đất Việt