Được chồng yêu cũng khổ!

Khi chưa cưới, chị Huyền ở Cầu Giấy, Hà Nội tự hào khi được anh đưa đón, chăm sóc. Nhưng sau 7 năm, sự quan tâm tận sát sao đó làm chị phát sợ.

 
Được chồng yêu cũng khổ! - 1


Vợ chồng Huyền vốn làm cùng một công ty viễn thông, việc đưa đón nhau đi làm cũng thuận tiện hơn. Chị ngập trong hạnh phúc khi đón nhận những quan tâm, săn sóc của người yêu, đến nỗi nhiều đồng nghiệp nữ cơ quan phải thốt lên những lời khen kèm theo không ít ghen tỵ. Rồi như bao cặp tình nhân mặn nồng khác, chị Huyền lên xe hoa về nhà anh. Hạnh phúc những tưởng được nhân lên khi chị sinh cho anh một nếp một tẻ, kinh tế cũng đủ ăn tiêu. Nhưng từ khi chị thăng tiến và kiếm được nhiều tiền hơn, anh lại tỏ ra khó chịu. Và anh ngày càng “quan tâm” đến chị sát sao hơn.

 

Nếu ngày xưa, chị thấy hạnh phúc vô cùng khi anh gọi điện trong chuyến đi công tác hay do quá bận không gặp được nhau thì bây giờ, những cuộc gọi hỏi thăm đó làm chị thấy phiền, thậm chí hoảng. Anh quan tâm đến vợ gần như không phải để quan tâm, mà để thỏa mãn sự nghi ngờ hay cơn ghen nào đó. Dường như khi nào anh cũng sợ mất chị. Có đêm, chị Huyền đang ngủ say thì bị anh lôi dậy dọa: “Anh rất yêu em, nhưng nếu em có thằng nào thì biết tay anh”. Chị chỉ biết: “Ối giời, em là gái già hai con, vừa đen vừa xấu, ai thèm”. 

 

Rất nhiều lần, sau khi ăn uống xong, Huyền ra hiệu gội đầu, anh hỏi bao nhiêu lâu thì về, chị trả lời khoảng 30 phút thôi. Nếu quá một phút thì y như rằng, anh gọi điện hỏi sao 30 phút rồi mà chưa về. Nếu hai phút nữa chị vẫn chưa về thì anh đã xuất hiện ngay trước hiệu gội đầu, đợi sẵn. 

 

“Ngày trước, mình hay cùng mấy cô bạn hàng xóm đi tập thể dục buổi tối, nhưng đi được một quãng đã thấy chồng lò dò đi theo sau, cáu quá nên bỏ tập. Hỏi vặn chồng sao lại theo vợ làm gì, anh chỉ giải thích là sợ vợ đi buổi tối không an toàn, nhưng mình biết thừa anh muốn theo dõi và nghe lỏm chị xem có tâm sự với bạn cùng phố về chuyện tình yêu ngoài luồng không”, Huyền kể. Rồi chị chép miệng: “Đúng là được chồng yêu lắm cũng khổ, chán mà chẳng biết làm sao. Mình có tình ý với người khác đã đành một nhẽ, nhưng cứ bị nghi ngờ vu vơ thế này, mệt mỏi lắm”.

 

Cũng là chuyện được chồng yêu thái quá nhưng trường hợp của chị Ngọc, một cử nhân báo chí, lại khác. Vừa tốt nghiệp, chị đã kết hôn với anh Hồng, rồi sinh con khi chưa kịp đi làm nghề. Chồng hứa sau này con lớn sẽ xin việc cho vợ đỡ buồn. Nhưng nghi ngờ vợ là dân báo chí, nếu đi nhiều, giao thiệp rộng sẽ dễ xiêu lòng nên Hồng tìm cách trì hoãn việc “hành nghề” của vợ. Khi thấy Ngọc đòi riết quá, anh đành cho vợ đi làm. Nhưng làm ở đâu cũng chỉ xong ba tháng thử việc là Ngọc bị chồng tìm “dìm” để vợ bỏ việc bằng được. Lúc thì anh lấy lý do “phòng toàn đàn ông, một mình em là phụ nữ, không tiện”, lúc thì “cơ quan quá xa nhà, mẹ mày đi lại vất vả, không có nhiều thời gian chăm con”.

 

Đến nay, sau hơn 6 năm chung sống, chị Ngọc chưa làm được nơi nào nổi 6 tháng vì toàn bị chồng ép nghỉ việc với lý do trời ơi. Khi được chồng chính thức “gạ” mở quán cơm bình dân với mẹ chồng, chị Ngọc mới hiểu nguyên nhân anh Hồng không muốn cho mình đi làm là… ghen. Anh vốn học hành không bằng vợ và luôn tỏ thái độ để chị Ngọc hiểu, bằng cấp cũng không giải quyết được gì.

 

Dù vẫn được anh yêu thương, săn sóc, thậm chí quan tâm cả bố mẹ mình, nhưng càng ngày chị Ngọc càng khó chịu với “tình yêu” của chồng. Nhiều lúc chị cảm thấy tù túng vì làm gì, đi đâu cũng có ánh mắt theo dõi của anh. Chị hiếm khi được đi đâu với bạn bè mà không có mặt chồng. Không thể chịu đựng thêm sự “phong tỏa” ấy, Ngọc đề nghị ly hôn. Anh Hồng nhất quyết không chịu, lại nghi vợ “có ai” nên đòi bỏ chồng. Để chứng mình mình không phải là “loại vớ vẩn”, chị lại thôi. Mọi việc êm xuôi chỉ được vài tháng, chồng chị lại giở “bài cũ”. Ngọc quyết định đưa con về quê ngoại sống để giải tỏa tâm lý được chồng... yêu quá mức. Nhưng chỉ được vài ngày, anh Hồng cũng xách túi về theo, rồi ở lì ra đấy, chị đành chịu thua.

 

Cuối cùng, chị Ngọc chấp nhận số phận như một lẽ tự nhiên và nghĩ, là phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với gia đình. “Bình thường anh ấy rất yêu mình, nhưng vì sĩ diện không muốn lộ ra là lo mất vợ nên tìm cách “hạ nhục” vợ là chủ yếu. Ngày xưa mình cũng thuộc hàng xinh xẻo, ưa nhìn, hoạt động đoàn đội năng nổ, ai ngờ sau khi lấy tấm bằng cử nhân xong lại loanh quanh trong xó bếp thế này”, Ngọc tâm sự.

 

Theo chuyên gia tâm lý, trường hợp của chồng chị Ngọc và chị Huyền tồn tại ở xã hội này khá nhiều. Nhiều chị em nghĩ đó là biểu hiện tình yêu của chồng nhưng thực ra, có ba lý do chính:

 

Thứ nhất, đó là một kiểu ghen tuông, là biểu hiện tinh vi của bạo lực gia đình, cũng là thể hiện sự mất niềm tin vào bản thân, cảm thấy mình thua vợ, rời ra là có người khác nẫng mất, bởi mình đã... xuống cấp thê thảm.

 

Thứ hai, người đàn ông có thể đã ngoại tình với những người phụ nữ có chồng. Trong thâm tâm, anh ta đánh giá phụ nữ rất thấp, chỉ là loại “ai rủ cũng đi, ai gạ cũng cho”. Anh ta suy diễn từ phía tình nhân của mình, cho rằng lúc không có mình, chắc vợ cũng léng phéng với người khác (như mình với các phụ nữ khác). Tình trạng phụ nữ ngoại tình nơi công sở hay một số chị em không còn giữ gìn như trước cũng là lý do khiến đàn ông mất niềm tin vào phụ nữ.

 

Thứ ba, chính người vợ muốn thế. Anh chồng có lỗi, vợ phàn nàn về sự thơ ơ, thiếu trách nhiệm, suy giảm tình yêu… khiến chồng phải giả vờ ghen, giả vờ kèm sát để chứng tỏ “anh rất yêu em”. Nhiều phụ nữ phàn nàn về chuyện chồng bám sát, nhưng cũng không ít người cảm thấy mãn nguyện, sung sướng vì việc này.

 

Theo Đất Việt