Phản hồi bài "Chồng tuyên bố sau này thành đạt sẽ không cần tôi nữa":
Đừng tự ép mình chịu đựng
(Dân trí) - Phụ nữ đừng tự ép mình chịu đựng rồi cầu mong chồng và con trân trọng. Sống dưới một mãi nhà, xin hãy là ngọn nến hạnh phúc. Ánh sáng phát ra từ thứ gọi là hy sinh chẳng thể nào thắp sáng gia đình.
Hiện tại, chị cho rằng chồng cần phải cảm thấy quý hóa vì chị đang chịu đựng anh ấy - một người được cho là kém cỏi hơn chị về mọi mặt. Thử hỏi có ông chồng nào thấy thoải mái khi biết mình là gánh nặng, là cái gai trong mắt vợ nhưng không thể nào nhổ đi?
Về sau, khi con lớn lên, có thể chị cũng muốn con phải thấy biết ơn, làm mọi thứ theo ý mình, vì chị đã hy sinh hạnh phúc của mình để con có một gia đình đầy đủ cha mẹ. Không có đứa trẻ nào vui vẻ vì mình là nguyên do khiến cha mẹ bất hạnh. Coi chừng, con chị còn có những suy nghĩ tiêu cực.
Thật trùng hợp, tôi chứng kiến hai người thân đã trải qua hoàn cảnh tương tự, nhưng họ lại chọn cho mình hướng giải quyết giúp họ vượt lên nỗi buồn và thất vọng.
Bạn thân của tôi có cuộc sống giống gia đình chị đến 90%, nhưng bạn quyết định tiếp tục sống với chồng. Còn chị họ tôi thì đã chia tay người chồng có thu nhập tương đương chị ấy nhưng nhạt nhẽo, ít quan tâm vợ con, cũng không để ý ngoại hình. Hai người họ đều đang hạnh phúc, hơn thế, con cái họ sống vui vẻ, lành mạnh.
Bạn tôi lựa chọn vui vẻ chấp nhận. Bạn cũng như chị, xác định không bỏ chồng vì nhiều lý do. Thứ nhất, bạn thấy anh ấy tuy không phải là ông bố đảm đang, tài giỏi, nhưng chắc chắn là người đàn ông yêu con nhất thế gian này. Bạn cảm nhận được điều đó qua ánh mắt trìu mến mỗi lần nhìn con, qua sự thấp thỏm của anh ấy khi con ốm đau. Thứ hai, có sự tương trợ của anh ấy, bạn vẫn thấy đỡ vất vả hơn so với việc làm mẹ đơn thân. Thứ ba, bạn tôi tưởng tượng đến lúc một trong hai vợ chồng họ gặp hoạn nạn thì bạn biết chắc người còn lại sẽ chăm lo, dù ngày thường có những khi cắn xéo, chán nản nhau. Như vậy nghĩa là giữa hai người vẫn còn tình yêu, hoặc ít ra là tình nghĩa.
Vì vậy, bạn xác định chấp nhận việc chồng mình không hoàn hảo. Bạn cũng tập trung nhiều hơn vào những điểm tốt của anh ấy, ngừng so sánh với chồng người khác. Bạn còn đọc cả sách về thiền, về giáo lý nhà Phật, để biết vợ chồng, con cái đến với nhau vì duyên vì nợ, không phải cứ muốn mà được như ý.
Dần dần, bạn ngừng xét nét, đặt quá nhiều áp lực lên chồng mà tự mình làm việc chăm chỉ, tự vun vén niềm hạnh phúc từ trong tâm hồn mình bằng cách chấp nhận thực tại, hạn chế sân si, tận hưởng những thú vui riêng mình, làm đẹp thêm cho mình.
Chồng bạn khi thấy bạn nhẹ nhàng, trầm ồn hơn thì lạ thay, lại bắt đầu thay đổi. Anh ấy chí thú làm ăn hơn, quan tâm đến gia đình hơn, còn thỉnh thoảng mua đồ chơi cho con, mua hoa cho vợ. Sau này anh ấy tâm sự với vợ, rằng chính sự cáu gắt, khó chịu ở vợ mới khiến anh muốn sống bất cần, muốn làm trái ý vợ, chứ thực ra anh không hề muốn trì trệ công danh hay bỏ bê gia đình.
Còn chị họ tôi nhận thấy rằng không thể hòa hợp với sự khô khan của chồng, đã dứt khoát đề nghị ly hôn để giải thoát cho nhau. Chị quan điểm rất rõ ràng, sống với nhau thì phải vui, đã không vui, không hợp thì sống làm gì cho phí đời nhau.
Hồi chị mới chuyển ra riêng cùng con gái, tôi hay đến thăm mẹ con chị. Thấy chị vẫn sống ổn, hai mẹ thoải mái duy trì nhịp sống bình thường, thậm chí còn yêu đời hơn bởi lúc này chị đã lật cuộc đời của mình sang một trang mới đầy tự do. Hằng tuần, chị vẫn để con sang thăm bố và ông bà nội, còn chị một mình tận hưởng khoảng thời gian cho riêng mình.
Gần đây, tôi nhận được thiệp hồng. Chị lên xe hoa với người đàn ông mang lại cho chị cảm giác được nâng niu, chiều chuộng, người chia sẻ với chị rất nhiều đam mê. Con gái chị muốn được gọi người đàn ông ấy là bố, vì bé cảm nhận được sự quan tâm chân thật từ người bố thứ hai.
Hai câu chuyện trên là hai cái kết đẹp cho những người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi nhưng gặp người bạn đời chưa hoàn hảo. Tôi nghĩ hoàn hảo là vô cùng, và gần như bất khả thi, quan trọng là cách chúng ta đối mặt và thay đổi hiện thực. Việc chịu đựng hay giằng xé, thiếu tôn trọng nhau chỉ khiến cho ta càng lấn sâu vào bi kịch.
Phản hồi của độc giả Bảo Trâm
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!