Đừng sợ những cuộc cãi vã
(Dân trí) - Sau ngày cưới, nhiều bạn trẻ đã ảo tưởng khi nghĩ rằng tình yêu luôn là mầu hồng và khi đã là vợ chồng thì cuộc sống gia đình sẽ ngày càng mặn nồng. Nhưng rồi sau những ngày tháng đầu chung sống, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, thậm chí đó là những cuộc cãi vã liên miên.
Bạn bắt đầu thất vọng và cảm thấy hôn nhân không được như những gì bạn nghĩ. Rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Bạn đối phó bằng cách nào? “Chiến đấu” hay im lặng vì sợ những cuộc cãi vã sẽ làm bung bét nhiều chuyện? Các nhà tâm lý thì khuyên các bạn: Đừng sợ những cuộc cãi vã
Hồng Thanh, đang làm việc ở Cty Phước Thịnh (Hà Nội) đã có vợ và 2 con kể: Lúc mới lấy nhau, cuộc sống của 2 vợ chồng rất hạnh phúc, nhưng bắt đầu từ năm thứ 2, khi có đứa con đầu lòng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Mệt mỏi là nguyên nhân chính dẫn đến những cãi vã.
Đã có lúc anh Thanh muốn ly dị vợ, nhưng rồi anh hiểu ra rằng, không bao giờ có thể tránh được những cuộc cãi vã. Vậy thì tốt nhất là hãy biết chấp nhận và hoá giải nó. Sau mỗi cuộc cãi vã là anh cố gắng làm lành. Đến năm thứ 3 chung sống thì cuộc sống của vợ chồng anh có vẻ ổn hơn.
Nguyễn Thị Huyền Thu, đang làm việc ở Văn phòng Toà nhà Sông Hồng cũng rơi vào tình trạng cãi vã suốt mấy năm đầu chung sống. Lý do cãi vã cũng chẳng có gì ngoài cơm áo gạo tiền và những quan điểm lặt vặt. Xung đột lớn đến mức, chị Thu đã mấy lần định làm đơn xin ly dị. Nhưng khi có con, chị hiểu rằng làm như vậy cuối cùng thì khổ con.
Chị quyết định tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng và chị hiểu ra một điều: Cần phải đối diện với những cuộc cãi vã, không nên né tránh. Tuy nhiên đừng đẩy những cãi vã đó lên thành những xung đột lớn. Chị Băng Sương, chuyên viên tâm lý tại TT tư vấn Hôn nhân - gia đình tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ rất khó tìm được những cặp vợ chồng mà suốt cuộc đời chẳng bao giờ cãi nhau. Có nghĩa là bạn phải luôn đối diện và “sống chung” với nó.
Theo các chuyên viên tâm lý thì cãi vã trong đời sống gia đình, nhiều khi lại là những phương thuốc tốt để hiểu nhau hơn. Giống như hay ốm đau lặt vặt thì lại có sức đề kháng tốt hơn trước việc bị bệnh tật tấn công. Trong những lần cãi nhau, quan điểm sống thường được bộc lộ rõ hơn. Ví dụ như “Cô đừng nói với cái giọng ấy” hay “Anh suốt ngày chỉ đi đàn đúm với bạn bè”.
Như vậy nếu chịu khó suy nghĩ một chút bạn hiểu rằng vợ (hay chồng) của bạn đang nổi xung vì bạn đã nói với một giọng điệu hoặc cách nói không tế nhị. Hoặc vì bạn luôn thích tụ tập bạn bè, có khi chỉ là một chút bia, rượu nhưng có thể điều đó khiến người vợ không thích thú gì. Qua đó bạn cần điều chỉnh hành vi hoặc cách ăn nói.
Tuy nhiên cãi nhau cũng có dăm bẩy đường. Nhỏ thì chỉ là những giọng nói hơi cao hơn ngày thường, rồi nặng mặt một chút, giận vài ba bữa lại làm lành. Vừa thì “nổ” một trận rồi mất vài ba ngày không nói với nhau một câu. Nặng hơn thì có thể dẫn đến ẩu đả hoặc bỏ nhà về nhà mẹ hoặc viết đơn ly dị... Tuy nhiên dù ở bất cứ tình huống nào bạn cũng cần hiểu rằng, dù bạn có xây dựng cuộc sống với bất kỳ ai, dù hoàn thiện đến mấy thì xung đột sẽ không bao giờ tránh khỏi. Nhiều cặp vợ chồng nom đẹp đôi, nổi tiếng nhưng họ lại chia tay nhau rất nhanh.
Vậy tốt nhất là biết chấp nhận nó và đừng đẩy nó lên thành những xung đột không cứu vãn nổi.
ĐT