Đừng đánh mắng khi con bạn nói dối
(Dân trí) - ... Bởi phản ứng mạnh của cha mẹ chỉ khiến trẻ sợ hãi và tìm cách nói dối nhiều hơn, "tinh vi" hơn mà thôi.
Do chưa thực sự nhận thức được đầy đủ về đúng, sai, phải, trái nên con bạn có đôi khi sẽ bộc phát hành vi nói dối. Thay vì lo lắng, cha mẹ nên sớm chuẩn bị để chặn đứng viễn cảnh không hay này.
Không trừng phạt con
Khi con mắc lỗi sai, sẽ rất dễ dàng để cha mẹ phạt đòn. Tuy nhiên, việc giúp con hiểu được điều đúng đắn thì lại khó hơn rất nhiều.
Cha mẹ hãy giảng giải cho con, thay vì dùng lời mắng nhiếc và hành động để làm tổn thương con. Trên thực tế, những hình phạt của cha mẹ sẽ khắc sâu trong tâm trí con, khiến cho con dần nảy sinh tâm lý lo sợ và che giấu.
Hiểu rõ ngọn ngành
Mỗi hành động đều có một động cơ thúc đẩy, ngay cả việc nói dối. Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu tại sao con lại nói dối trong mỗi tình huống. Ví dụ con dối trá về điểm số nhận được ở trường, rất có thể là vì con đang phải chịu áp lực quá lớn về điểm số.
Thay đổi góc nhìn
Rất có thể, cha mẹ đã đặt ra một loạt quy tắc chống-nói-dối cho con nhưng những quy tắc này vốn không hề phù hợp cho thời điểm hiện tại. Hãy thử đặt mình vào góc nhìn của con, suy nghĩ theo một tâm thế mới mẻ để giải quyết vấn đề.
Dành thời gian cho con
Trong những năm đầu đời của con, việc cha mẹ dành thời gian cho con là yêu cầu tối thiểu. Nếu đã quan tâm, dõi theo con và luôn khích lệ con hình thành những thói quen tốt, chắc chắn bạn sẽ giảm thiểu được nguy cơ con nói dối.
Làm một tấm gương tốt
Đừng kỳ vọng con là một đứa trẻ trung thực trong khi cha mẹ lại thường xuyên nói dối, đặc biệt là dối trá ngay trước mặt con. Bạn nên nhớ, cha mẹ chính là hình mẫu gần gũi nhất để con học theo.
Ủng hộ con
Cha mẹ nên ở phía sau hỗ trợ con. Hãy chắc chắn bạn không trút lên vai con quá nhiều kỳ vọng mà hãy để con có thể tận hưởng tuổi thơ của mình. Khi đã xác định được lý do đằng sau việc con dối trá, cha mẹ cần chấp nhận con, theo một cách ấm áp và ủng hộ để giúp con thay đổi.
Trà Xanh
Theo MOM