"Đừng cưới chỉ vì... yêu nhau"
(Dân trí) - Đôi vợ chồng trẻ nhà bên vừa ra tòa. Cô gái ấy đã có lần ngồi say sưa kể về tình yêu của vợ chồng em cho tôi nghe với ánh mắt lấp lánh mãn nguyện. Cũng cô gái ấy hôm nay ngồi ở bậc thềm nhà tôi với ánh mắt buồn não nuột: “Em cứ tưởng hôn nhân chỉ cần tình yêu là đủ, giờ mới nhận ra rằng không nên lấy một người chỉ vì yêu thôi”.
Em sinh ra trong một gia đình gia giáo, tuổi học trò chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Học Đại học em phải lòng một cậu nam sinh cùng lớp chỉ vì bạn ấy “rất phong cách”. Phong cách ấy là độ chịu chơi, là độ ga-lăng mà một cô gái con nhà lành như em chưa từng có cơ hội tiếp xúc. Chàng trai ấy thấy em cũng xinh đẹp, hiền lành lại có vẻ để ý tới mình thế là lao vào “tán”. Chỉ sau vài buổi sinh hoạt lớp, vài chuyến dã ngoại, vài hôm lên thư viện học cùng, em và chàng ấy đã thành một đôi.
Tình yêu thuở sinh viên đẹp tựa một giấc mơ với bao kỉ niệm, thề bồi, hứa hẹn. Ra trường, mặc lời khuyên ngăn của gia đình, em vượt mấy trăm cây số đi làm dâu nhà chàng. Tưởng tình yêu đã được thử thách qua thời gian sẽ giống như vàng đã qua thử lửa, nào ngờ ngày vui ngắn chẳng tày gang.
Bắt đầu mâu thuẫn chỉ là những chuyện vụn vặt thường tình, kiểu “trong lúc em rửa bát sao anh không dọn bàn?”, “em lau nhà thì anh phơi đồ đi chứ?”. Rồi dần dà là những mâu thuẫn lớn hơn về cách chi tiêu, về quan điểm sống.
Xưa yêu nhau thấy người yêu hào phóng ga lăng thì hãnh diện, nay thành chồng vợ rồi, thấy chồng vẫn vậy với người ngoài thì thấy khó chịu. Hơn nữa chồng vì bạn bè, vì ham vui mà có lúc bê trễ gia đình, vì quan tâm đến người ngoài mà nhiều khi vô tâm với vợ, tủi hờn cứ thế dâng lên.
Lúc yêu thì chỉ cần vài cử chỉ quan tâm, đôi lời nói ngọt ngào. Khi thành vợ chồng rồi thứ cần nhất lại là sẻ chia, thấu hiểu. Tưởng dễ hóa ra lại khó, vậy là bao nhiêu mơ mộng thuở tình nồng đã bị những trần trụi của hôn nhân bóp nát. Hy vọng mong chờ càng nhiều, nỗi thất vọng càng dâng cao. Rồi đến một ngày cả hai người đều cảm thấy đối phương không hiểu mình, cảm thấy chán ngán với những lời phê bình, dỗi hờn, trách móc. Rồi đến một ngày “Nhà” không còn là nơi chốn bình yên, không còn là nơi họ muốn trở về sau những mệt mỏi. Rồi một ngày họ cho rằng người kia đã thay đổi, không còn là chàng trai cô gái ngày họ từng yêu nhau.
Những vết nứt trong hôn nhân nếu không được phát hiện kịp thời, những vết nứt nhỏ nhiều dần tạo thành những vết nứt to hơn, rồi một ngày vỡ toác không thứ chất keo nào dán lại được. Và như một lẽ tất yếu, họ đưa nhau ra tòa, lạnh nhạt như chưa từng mặn nồng, buồn bã như chưa từng hạnh phúc.
Có nhiều người chọn chồng chọn vợ rất đơn giản. Họ nhìn vào tiền bạc, địa vị và vẻ ngoài của đối phương. Họ chết mê chết mệt vì những điều họ nhìn thấy được bằng mắt. Họ gọi đó là Yêu và mải mê chạy theo nó “tóm” cho bằng được. Để rồi sau khi cưới, từ thời kì hoa mộng chuyển sang vỡ mộng chẳng mấy hồi. Bởi qua giai đoạn mơ mộng yêu thương, hôn nhân khiến người ta lột trần tính cách nhau ra không cách nào che đậy. Sẽ có thất vọng bởi những va chạm, và cả những nhược điểm khi yêu không nhìn thấy. Và người ta phải học cách yêu nhau theo một cách khác, rộng lượng và bao dung hơn.
Không ai dám chắc một tình yêu đẹp sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Có rất nhiều người vì yêu nhau mà dám vượt qua mọi rào cản, sẵn sàng băng qua mọi trở ngăn.Vậy mà cuối cùng lại không thể vượt qua những va chạm nhỏ nhặt thường ngày. Nói yêu thì dễ, sống chung với nhau mới là khó. Yêu nhau là một chuyện, giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu lại cần những yếu tố khác, đó là tình thương, là sự đồng cảm chứ không còn đơn thuần là đáp ứng nhau những nhu cầu về thể xác.
Ông bà xưa hay có câu cửa miệng: “Hồi chúng tao cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, có yêu nhau đâu mà rồi cũng sống với nhau đến răng long đầu bạc, con cháu đầy nhà. Ở với nhau lâu, hiểu nhau rồi, dần rồi thương nhau mà gắn bó”. Thế hệ hậu sinh chúng ta thường sẽ gắt lên rằng: “Thời xưa khác, thời nay khác”. Cái khác của chúng ta bây giờ là được tự do yêu đương, tự do lựa chọn. Còn về nuôi dưỡng hôn nhân, gìn giữ gia đình vẫn là giống nhau thôi.
Đừng cưới chỉ vì yêu nhau, thoáng nghe qua có vẻ buồn cười, có vẻ nghịch lý nhưng thực tế đúng là như vậy. Sau cái tờ giấy chứng nhận kết hôn, sau khi lồng vào tay nhau chiếc nhẫn cưới, sau khi rượu nồng đã khô môi, chỉ có tình yêu thôi là không đủ.
Tình yêu đúng là quan trọng nhưng không phải là tất cả, càng không phải là thứ quyết định sự vững bền của hôn nhân. Đó là lý do có những người đòi sống đòi chết để cưới được nhau rồi ba bảy hai mốt ngày lại dắt nhau ra tòa ly dị. Đó là lý do có những người đến với nhau ban đầu chẳng phải vì luyến ái mà đến khi tóc trắng da mồi thương vẫn còn thương.
Lê Giang