Đừng biến hôn nhân thành bộ phim truyền hình!

Hôn nhân của bạn phải là cuốn phim do bạn đạo diễn chứ không phải là một bộ phim truyền hình dài tập mà ở đó người ngoài cuộc có quyền tham gia, điều khiển.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cẩn trọng với những “kẻ đốt nhà”

Chị và anh giận nhau. Chuyện bắt đầu từ việc anh cố tình đi nhậu khi chị đã ngăn cản, khuyên bảo thậm chí khóc lóc. 12h30 anh trở về nhà, chị đã tắt đèn lên giường. Anh lịch kịch tìm khóa cửa mà không thấy vì trót để quên ở nhà. Anh lấy máy gọi điện cho chị. Chị giả vờ ngủ say, nhất quyết không nghe máy cũng không dậy mở cửa cho chồng.

Anh bấm chuông liên hồi, chị nhất định không dậy. Lần này, chị muốn anh phải chừa cái thói “bợm rượu” ấy đi. Chị càng trùm chăn kín mặt. Dù không ngủ được, dù sót chồng, chị vẫn kiên định phải “cho ra nhẽ vụ này”. Mình đúng, mình có quyền!

Nửa tiếng thấy im hơi lặng tiếng, chị lẳng lặng xuống nhà thì anh đã đi đâu mất. Lúc này lòng chị càng nổi điên. Nhất định là lão lại quay lại chỗ nhậu rồi. Biết ngay lòng lão chỉ có bạn chứ đâu có “con vợ già này”. Chị bật máy tính, thả một dòng trên trang cá nhân. Ngay lập tức chị nhận được cơn mưa rào các bình luận. “Bỏ quách lão chồng này đi! Việc gì phải quan tâm đến những thành phần sâu rượu như thế!”. “Nát rượu rồi, không cải thiện được đâu! Là mình á, cắt phăng trong vòng một nốt nhạc!”. “Chị ơi, bảo anh đi kiểm tra sức khỏe nhé.. Rượu nhiều dễ bệnh gan lắm!”... Hóa ra có nhiều người cũng chung cảnh ngộ nhỉ. Đúng là không còn gì phải thương lão chồng như thế này nữa, chị nghĩ bụng.

Cùng lúc đó, ở một nơi khác anh cũng tiếp tục được các chiến hữu “động viên”: “Vợ mày quá láo! Không còn sự tôn trọng nào dành cho chồng. Phải tao, tao gọi thẳng lên nhà ông bà vợ, kể cả giữa đêm luôn, ra lệnh cho con gái mở cửa. Nói chung phải cho ăn đòn vài bận mới biết sợ là gì!”. “Thôi, không việc gì phải tức. Ra được đây tiếp với anh em là vui rồi. Lát em dẫn anh đi vài chỗ giải sầu. Xem của lạ nó có sướng hơn của quen không!”...

Và cứ thế, mối quan hệ của họ càng được các chiến hữu đẩy đi xa hơn. Cả chồng cả vợ, ai cũng phừng phừng cái đầu đầy lửa, đến khi trở về nhà lao vào cắn xé nhau để giành lại “sự yêu mến bản thân” cho chính mình. Chẳng ai nhường ai và từ một mâu thuẫn nhỏ, qua những “lời khuyên” của những “kẻ đốt nhà”, họ có thể cùng ra tòa đệ đơn cắt đứt quan hệ.

Còn nhớ, tại Hà Nội, một người vợ đã từng cay đắng kết thúc cuộc hôn nhân 8 năm của mình “nhờ công” của nhóm bạn được gọi là bạn thân của chồng. "Mít ạ, hôm nay mẹ nhường chồng, nhường bố của con cho những người “bạn tốt” của bố. Năm lần bảy lượt vì bạn mà bố mẹ đánh chửi nhau ngay cả khi con còn trong bụng”. Bức tâm thư mở đầu với những lời chua chát và được viết trong tình trạng quẫn bách lâm vào đường cùng của người vợ trẻ. Nó như một quả bom nổ trúng suy nghĩ của nhiều mẹ bỉm sữa khác, bởi cuộc sống thường ngày cũng không ít cảnh “tan cửa nát nhà” vì người ngoài “đâm bị thóc chọc bị gạo” mà buồn hơn, toàn là người quen thân thiết xung quanh. “Nhân đây em cũng chúc cho gia đình các anh được hạnh phúc, con cái các anh được đủ bố đủ mẹ, không bị tan đàn xẻ nghé như con nhà em. Đặc biệt, chọn được những thằng bạn tốt, chứ những thằng mà xui bạn về chửi vợ, đánh vợ, bỏ vợ thì chẳng mấy mà nhà anh cũng như nhà em, con anh cũng giống con em, có bố thì không có mẹ, mà có mẹ thì không có bố”, người vợ cay đắng viết trong tâm thư.

Phải làm gì khi vợ chồng mâu thuẫn?

Thế đấy, một khi bước vào hôn nhân, hãy quan niệm rằng hai người đang bước vào một bài kiểm tra trọn đời. Trong quá trình làm bài, sẽ có những lúc bạn cần tham khảo đáp án từ những người xung quanh. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy nhiễu loạn vì các đáp án đó và đặt dấu hỏi vào cuộc hôn nhân mình đang trải qua. Tuy nhiên, chính bạn phải tỉnh táo để “chọn mặt gửi vàng”. Có những người sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng cũng có những người sẽ đưa ra được lời khuyên hữu ích. Một gia đình hạnh phúc và hoàn hảo mà bạn thấy sẽ luôn chứa đựng sự “hy sinh”, “nhẫn nại” của cả hai. Có bao giờ bạn được họ chia sẻ chân tình về những sóng gió ngầm trong hôn nhân? Bạn sẽ thấy không có gì là bỗng nhiên có được. Ở đó, đều phải là cả quá trình của nghệ thuật hy sinh.

Một cô bạn có cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ cho bạn góc nhìn thật nhất về đàn ông. Một cô bạn có cuộc hôn nhân viên mãn lại cho bạn kinh nghiệm về ứng xử. Một cô bạn độc thân lại cho bạn giá trị của việc phải yêu lấy bản thân mình. Nhưng một bà mẹ bỉm sữa lại cho bạn thấy ý nghĩa của việc trở thành người mẹ. Chồng của bạn cũng sâu rượu ư?, ồ hóa ra đâu chỉ riêng chồng mình. Chồng bạn không biết đến một giọt rượu ư? Hẳn nhiên mối quan hệ của anh ấy cũng nhỏ gọn vậy thôi!... Vậy đấy, bạn thích nghĩ tích cực hay chỉ nhìn vào chiều tiêu cực? Tất nhiên sẽ có những giới hạn bạn không cho phép được vượt qua.

Và suy cho cùng, giữa vô vàn những lời khuyên, hãy biết chắt lọc và lắng nghe trái tim mình. Bạn cũng cần thiết lắng nghe cả người bạn đời của mình. Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn để có quyết định đúng đắn. Hôn nhân của bạn phải là cuốn phim do bạn đạo diễn chứ không phải là một bộ phim truyền hình dài tập mà ở đó người ngoài cuộc có quyền tham gia, điều khiển.

Nữ diễn viên huyền thoại Marilyn Monroe từng nói một câu kinh điển rằng: “Tôi ích kỷ, thiếu kiên nhẫn và đôi khi thiếu an toàn. Tôi phạm lỗi lầm, tôi đôi khi mất kiểm soát vào những giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu anh không thể thích nghi với tôi lúc tôi tệ hại nhất thì rõ ràng, anh không xứng đáng được ở bên tôi lúc tôi khỏe mạnh và tỉnh táo nhất”.

Phải rồi, ai cũng có những phần xấu xa, những phần kém hoàn hảo nhất. Nhưng nếu vợ chồng biết nhìn vào điểm tốt của nhau, biết cách quay trở lại với xuất phát điểm ban đầu, rằng “mình yêu anh ấy/cô ấy từng vì điều gì?”, biết ngồi lại với nhau để cùng đi qua khó khăn... thì chắc chắn cuộc hôn nhân ấy ngày càng gắn kết nhau hơn.

Một khi bước vào hôn nhân, hãy quan niệm rằng hai người đang bước vào một bài kiểm tra trọn đời. Trong quá trình làm bài, sẽ có những lúc bạn cần tham khảo đáp án từ những người xung quanh. Tuy nhiên, chính bạn phải tỉnh táo để “chọn mặt gửi vàng”. Một gia đình hạnh phúc và hoàn hảo mà bạn thấy sẽ luôn chứa đựng sự “hy sinh”, “nhẫn nại” của cả hai.

Theo Phương Nghi
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm