Đứa trẻ tội nghiệp ở phiên tòa ly hôn
Suốt phiên tòa, đứa trẻ không có mặt nhưng nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mỗi lần nhắc đến con, người phụ nữ lại òa khóc: “Xin tòa cho em được nuôi con. Con do em sinh ra mà!”.
Mặc nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt người vợ cũ, người đàn ông thẳng thắn đề nghị tòa bỏ qua yêu cầu của chị. Anh khẳng định, với đồng lương công nhân ba cọc ba đồng, người đàn bà ấy không thể cho con anh một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Đứa trẻ tội nghiệp đã bị người lớn kéo vào “cuộc chiến” hôn nhân
Cuộc chiến với mẹ chồng
Phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa anh và chị diễn ra trong không khí nặng trĩu. Năm 2003, trải qua suốt 2 năm tìm hiểu, họ chính thức kết hôn để nên vợ nên chồng. Anh là con trai một và cũng là người con độc nhất của gia đình. Sau đám cưới, họ ở chung với mẹ để bà đỡ hiu quạnh lúc tuổi già. Một năm sau, chị sinh được một bé gái kháu khỉnh, đem lại niềm vui cho cả gia đình.
Thế nhưng những ngày vui vẻ, hạnh phúc ngắn ngủi qua đi. Cuộc sống gia đình không tránh khỏi mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, nhất là khi mẹ anh chỉ có anh là người con duy nhất. Bà đặc biệt yêu thương con, yêu thương cháu nội, cũng vì thế bà cảm thấy cô con dâu như rào cản tình cảm mẹ - con, bà - cháu. Bà không thích nhìn con dâu ôm ấp đứa cháu cưng của mình vì sợ một ngày nào đó cháu sẽ quên bà nội.
“Em không thể chịu đựng được nên mới xin ly hôn. Từ lúc con em được 1 tuổi, bà bảo con em đừng chơi với mẹ, không cho con em gần gũi em. Em cho con ăn bà cũng không thích, em mua quần áo cho con bà không cho mặc vì chê xấu…Cái gì bà cũng muốn con em chỉ biết mình bà từ miếng ăn, giấc ngủ. Em chẳng có ý nghĩa gì trong gia đình ấy. Em chỉ chịu đựng được mấy năm, giờ con em càng lớn càng xa mẹ, em chịu đựng hết nổi rồi…”, chị thổn thức trình bày.
Chị cho biết trong một lần mâu thuẫn gay gắt, chị bồng con về nhà cha mẹ ruột ở Long Khánh (Đồng Nai). Ngay sau đó, chị gặp phải sự phản ứng dữ dội của mẹ chồng. Điều làm chị đau đớn hơn là anh cũng vì thế mà anh thường hậm hực, gây gổ với vợ. Anh bênh mẹ, không hiểu được nỗi khổ tâm của chị. Vì thế chị mới xin ly hôn và xin được nuôi con.
Tuy nhiên, tòa không chấp nhận vì cho rằng chồng chị có nhà (nơi ở ổn định) còn chị, hiện chị đang ở trọ, từ trước đến giờ đứa trẻ vẫn ở với bà và hiện đang đi học…Để tránh xáo trộn cuộc sống của trẻ, tòa giao cho anh nuôi con, mỗi tuần chị được đến thăm con một lần. Tuy nhiên, sau này mỗi khi chị đến thăm con đều bị mẹ chồng cấm cản, đứa trẻ sợ bà nên cũng không dám gần mẹ. Nhìn con thậm thụt khi thấy mẹ, lòng chị đau như cắt. Chị kháng cáo, xin cấp phúc thẩm trao quyền nuôi con cho chị.
Đứa trẻ tội nghiệp
Suốt phiên tòa, mỗi khi được hỏi đến con chị đều khóc. Chị thừa nhận hiện chị làm công nhân ở một công ty thuộc Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM), thu nhập không cao nhưng chị vẫn muốn được nuôi đứa con do mình đứt ruột sinh ra. Còn nếu anh đồng ý chuyển ra ở riêng tại nhà trọ, thỉnh thoảng về thăm mẹ thì chị không ly hôn nữa.
Nghe vợ giãi bày những tâm tư nguyện vọng, anh thẳng thắn: “Thưa tòa, giờ tôi không tin những gì bà T. nói nữa. Tôi đồng ý ly hôn, chỉ xin được tiếp tục nuôi con”. Có lẽ, với anh giờ ly hôn như một sự giải thoát. Chủ tọa phân tích tình cảm mẹ con của chị là tình cảm thiêng liêng, được pháp luật bảo vệ, việc mẹ anh cố tình chia cắt con dâu với cháu nội là sai, bà có thể yêu thương cháu nhưng không được chia rẻ đứa trẻ với mẹ…Nghe vậy, anh có vẻ không hài lòng.
Tại tòa, anh thừa nhận có việc mỗi lần chị đến thăm con mẹ anh không cho gặp, không cho chị đưa cháu đi chơi. Thế nhưng, theo anh “Đó cũng là lỗi của cô ấy. Cô ấy không xin phép tôi mà đưa con đi thì ai đồng ý. Dù vậy, có lần thấy cô ấy khóc lóc vì nhớ con, tôi không muốn trái lời mẹ nhưng đã phải nói dối mẹ là đưa con đi siêu thị chơi. Đến nơi, tôi cho cô ấy gặp con tại đó. Cô ấy cũng phải hiểu chứ!” - “Nhưng hôm trước em vừa hỏi, anh đã nói “không” luôn đó thôi”, chị phản ứng lại anh rồi lại khóc.
“Tòa hiểu được phần nào tâm tư của anh chị nhưng người mà tòa bảo vệ ở đây là đứa trẻ. Hai người hãy suy nghĩ lại đi. Vợ chồng ly hôn là đã mất mát, thiệt thòi cho con lắm rồi, có cho con ăn vàng, ăn bạc cũng không bù đắp nổi. Giờ chỉ còn cách cố gắng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất cho con. Đó mới là vì con, anh chị hiểu không?”, lời phân tích của chủ tọa làm họ im phăng phắc.
Cứ thế, đứa trẻ dù không có mặt nhưng nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cuối cùng, tòa tuyên bác kháng cáo của chị, giao đứa trẻ cho anh tiếp tục nuôi dưỡng bởi sống với anh đứa trẻ sẽ có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, tránh xáo trộn cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, anh đã phải làm cam kết tạo điều kiện để chị được rước con vào chiều thứ 7 hàng tuần. Đó là cam kết của anh nhưng không biết bà nội đứa bé sẽ phản ứng ra sao? Vì thế, chị bật khóc.
Phiên tòa kết thúc. Chị rưng rưng nước mắt. Còn anh, tất tả ra về. Vừa bước ra khỏi phòng xử, anh đã bốc điện thoại gọi đi để báo “tin mừng”. Chị nhìn liếc anh chua chát. Đứa trẻ không có mặt, nó cũng chưa đủ lớn để hiểu chuyện người lớn. Thế nhưng có lẽ nó không thể có một tuổi thơ trọn vẹn dù nó được bà nội và cha rất mực yêu thương.
Theo M.Phượng
Vietnamnet