Đòn ghen… trí thức
Nhật ký đàm thoại của nhiều trung tâm tư vấn hôn nhân tại các thành phố lớn còn ghi lại nhiều chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật.
Một anh tiến sĩ, giảng viên đại học giả vờ lên lớp dạy học nhưng bí mật quay về nhà, bắt được vợ đang tay trong tay với một người bạn trai ở phòng khách. Đêm hôm đó, đợi các con đi ngủ, anh ta bắt vợ phải khai lại toàn bộ sự việc theo những lời tra hỏi rất chi tiết và kín đáo ghi âm vào điện thoại di động để làm bằng chứng, gây áp lực buộc vợ phải đứng trước bàn thờ nhận tội với tổ tiên, thề không bao giờ như thế nữa. Đang hành vợ, bất ngờ có khách đến, anh ta “chuyển cảnh” ngay sang vợ chồng đầm ấm, xưng hô “anh anh em em” ngọt xớt. Khách vừa ra khỏi anh ta lại tiếp tục hành vợ. Những hành động tra tấn như thế cứ lặp đi lặp lại, cho đến khi chị ruột của vợ thấy em mình cứ xanh xao gầy mòn không rõ nguyên nhân, gặng hỏi mãi mới biết sự thật và can thiệp thì người em đã có những dấu hiệu tâm thần, phải đưa đi bệnh viện điều trị.
Một anh kỹ sư tin học kiểm tra tin nhắn trong điện thoại của vợ, phát hiện những câu tình tứ, cho là vợ “đĩ thõa, thèm trai” và từ hôm ấy, cứ đến nửa đêm lại đòi vợ đáp ứng tình dục đến gần sáng với ý định làm cho vợ chỉ nghĩ đến “chuyện ấy” đã sợ. Ba ngày sau, người vợ bỏ trốn về nhà mẹ đẻ, người lả ra, phải đưa đi cấp cứu.
Hầu hết đòn ghen của những kẻ bạo hành có học thường xuất phát từ động cơ sĩ diện, sợ người ngoài biết chuyện chê cười nên họ thường nghĩ ra những cách trừng phạt không để lại thương tích, không gây ồn ào nhưng khiến nạn nhân đau đớn về tinh thần, thậm chí suy sụp hoàn toàn, thần kinh hoảng loạn, dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Có người chồng vừa ngồi uống rượu vừa nghe băng phát lại lời khai của vợ rồi chêm vào những câu bình luận tục tĩu, bỉ ổi. Tuy không đánh đập nhưng nạn nhân không thể chịu nổi, chỉ nghĩ đến tự tử.
Có trường hợp bạo hành tâm lý bằng cách “cấm vận phòng the”, cự tuyệt gối chăn với chồng, với vợ. Anh Lưu Đình Q., Q.3, TPHCM đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài về, thấy mẹ và em gái mách là trong thời gian ấy, vợ anh có quan hệ với một người đàn ông cùng cơ quan. Từ đó, anh ta luôn tránh gần gũi vợ chồng. Vợ ngủ lầu hai, anh ta xuống lầu một. Người vợ cố gắng làm lành, chờ đêm khuya vào nằm cạnh chồng nhưng vừa động vào người là anh ta hất ra, bỏ sang phòng khách ngủ tiếp. Cảnh này kéo dài hàng tháng trời, khiến người vợ đã nghĩ đến chuyện mỗi người một ngả nhưng anh ta lại không chịu ký vào đơn với lý do: “Tôi không ly hôn để cho cô chết già. Tôi có cách giải quyết của tôi”. Cuối cùng, gia đình ấy cũng tan vỡ mà người ngoài không hiểu vì sao.
Có trường hợp người phụ nữ dùng bạo lực tinh thần với nam giới. Chị N. - bác sĩ khoa ngoại bệnh viện V - Hà Nội - bắt được tấm ảnh chồng chụp với tình nhân đang âu yếm nhau, đã đưa ảnh cho hai đứa con xem để biết “bộ mặt thật của bố chúng mày”. Chịu không nổi thái độ của mẹ, con cái chị phản ứng mạnh bằng cách xé bỏ tấm ảnh nhưng chị ta vẫn giữ bản gốc, lại in ra tấm khác. Chồng chị là giám đốc một bệnh viện, không dám nói ra vì sợ mọi người chê cười, sợ ảnh hưởng tới tình nhân và chức vụ của mình nên đành cam chịu, chờ thời cơ ly hôn.
Nhẹ như bấc, nặng như chì
Nếu như bạo lực thể chất là thứ tội ác có thể gọi là dễ phát hiện và ngăn chặn, nhất là khi trình độ dân trí cao lên, pháp luật được tăng cường, thì bạo lực tinh thần lại khó nhìn thấy và rất khó xử lý vì không để lại thương tích trên thân thể nạn nhân. Chính vì thế, dạng bạo lực tinh thần này đang có chiều hướng gia tăng.
Bạo lực tinh thần không chỉ làm tổn thương nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Sống trong bầu không khí giả dối, thâm độc có thể khiến trẻ phát triển không bình thường, nghi ngờ tất cả.
Đáng lưu ý là bạo lực tinh thần thường xảy ra ở các gia đình khá giả, đôi khi cả hai vợ chồng đều có địa vị xã hội, học thức cao. Do vậy, nạn nhân thường nhẫn nhục chịu đựng, không muốn lộ ra ngoài để tránh điều tiếng và do đó, đã vô tình dung túng cho kẻ bạo hành, gây khó khăn cho việc xử lý và ngăn chặn.
Cách tốt nhất là không nên giấu giếm sự thật. Đàn ông càng trí thức khi biết chân tướng bị bại lộ càng e dè không dám lấn tới. Nhịn nhục, câm lặng khiến bạo hành nặng nề hơn. Kẻ bạo hành thường nghĩ phải làm như thế để đối phương nhớ đời, không bao giờ dám tái phạm. Họ đã quên rằng, trả thù thâm độc chỉ càng hủy hoại tình cảm của người bạn đời, tiêu diệt hết tình yêu và sự tôn trọng, nếu còn chút gì sót lại.
Theo Trịnh Trung Hòa
PNO