Đối phó với bé hay cắn

(Dân trí) - Các em bé nhỏ bắt đầu thích cắn vào giai đoạn mọc răng trong khi bé lớn hơn có thể cắn ai đó vì bé đang thất vọng, bé bị stress hoặc thấy mình chưa được “oai”. Có vài giải pháp để bạn hạn chế hành động không mấy đáng yêu này.

Đối phó với bé hay cắn - 1


Vì sao bé hay cắn?

 

Khám phá thế giới

 

Trường hợp này thường gặp ở các bé còn nhỏ. Bé dùng lưỡi và răng để “nếm” đồ vật như một cách khám phá thế giới xung quanh. Giai đoạn này, bạn có thể còn thấy bé vớ được gì cũng cho ngay vào mồm, không lâu sau đó thì nhay nhay bằng lợi hoặc răng. Có khi bé còn cắn cả mẹ lúc đang ti nữa, mẹ bé đừng “sốc” nhé.

 

Vì thất vọng

 

- Một số trẻ có biểu hiện cắn vì thất vọng trong một tình huống “giao tiếp xã hội” nào đó, mà bé lại chưa nói được lưu loát để có thể trút bỏ cảm xúc của mình.

 

- Các trẻ chưa đủ lớn để biết chia sẻ và chờ đến lượt cũng thường chọn cách… cắn bạn khác để đạt được ngay đồ chơi mình muốn.

 

- Trẻ bé hơn đôi khi cắn trẻ lớn, chỉ vì anh chị lớn có phần “làm chủ” hơn khi chơi các trò mang tính chất chia sẻ.

 

Vì cảm thấy thiếu quyền lực

 

Trong một gia đình có nhiều anh em, thông thường đứa trẻ bé nhất sẽ hay cắn hơn, vì bé nhận thấy rằng các anh chị thật dễ dàng có được điều mình muốn thông qua giao tiếp trong khi bé thì không… oai đến thế. Rồi bé nhận ra rằng, cắn là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của mọi người và đạt được điều bé muốn.

 

Vì stress

 

Một trong những khó khăn lớn nhất bé phải vượt qua suốt giai đoạn chập chững biết đi là học cách làm chủ cảm xúc. Một số bé chọn đương đầu bằng cách… cắn, để giải tỏa stress. Nguyên nhân cũng bởi bé không điều tiết được các cảm giác buồn giận, nên chỉ muốn “ngoạm” ngay vào cánh tay nào gần nhất mà thôi.

 

Đối phó với bé

 

Quan trọng nhất là đừng bao giờ cắn lại bé. Làm vậy khiến bé khiếp sợ mà lại chẳng giải quyết được vấn đề, bé sẽ càng cắn “hăng” hơn đấy.

 

Với bé đang khám phá

 

- Đừng để bé thấy rằng bạn nghĩ hành động của bé như một trò chơi thú vị.

 

- Nếu bé cắn bạn, hãy nói với bé thật cương quyết: “Không! Cắn rất đau” và đẩy mồm bé ra ngay lập tức.

 

- Nếu bé đang mọc răng, hãy cho bé thật nhiều đồ vật an toàn, tha hồ mà gặm.

 

Với bé thất vọng

 

- Trước tiên hãy đảm bảo rằng bạn luôn giám sát bé khi chơi cùng trẻ khác.

 

- Nếu bé cắn một trẻ khác, hãy nghiêm nghị lôi bé ra và nói: “Cắn rất đau. Chúng ta không chơi cắn”. Sau đó bạn nên xuýt xoa, vồn vã hỏi han trẻ bị cắn, dành hết sự chú ý cho “nạn nhân” của bé chứ không phải bé. Thêm vào nữa, nhớ giới hạn phạm vi chơi của bé một lúc bằng cách giữ bé gần bên bạn.

 

- Đừng đặt bé vào tình huống khó khăn. Khi bé chơi với các bạn khác, tốt nhất chỉ nên cho bé chơi trong thời gian ngắn, vừa đủ để bé cảm thấy vui.

 

- Khi bé lớn hơn và có khả năng làm chủ cảm xúc, hành vi này sẽ hết. Song cũng không loại trừ một số trường hợp bé tiếp tục cắn người khác ngay cả khi đã đủ lớn, khi ấy, bạn nên dạy con các cách khác để kiềm chế, làm chủ cảm xúc của mình.

 

Với bé cảm thấy thiếu quyền lực

 

- Hãy đảm bảo khi chơi với các anh chị, bé vẫn có được những gì bé thích, bé cần. Các quyết định của bố mẹ về việc chia sẻ đồ chơi và lượt chơi cũng quan trọng lắm đấy.

 

- Bảo đảm rằng dù ít tuổi hơn, bé vẫn nhận được sự công bằng khi chơi với các anh chị lớn.

 

- Nếu bé vẫn cắn các anh chị, bạn hãy lôi bé ra khỏi trò chơi. Không nên để trẻ lớn nghĩ rằng vì cho bé chơi cùng nên mới bị bé cắn.

 

Với bé stress

 

- Hãy tìm hiểu nguyên nhân làm bé stress.

 

- Nếu không thể loại trừ nguyên nhân, bạn hãy giám sát bé chặt chẽ hơn để tránh cho bé khỏi những cơn cáu giận.

 

- Nếu thực sự hành vi cắn giúp bé giải tỏa được nhiều, hãy tìm cho bé vật nào thích hợp hơn để cắn, như gấu bông hoặc chăn bông.

 

- Luôn phản ứng bình tĩnh và cương quyết trước mọi hành vi cắn của bé - và tập trung toàn bộ sự quan tâm của bạn vào “nạn nhân” của bé chứ không phải bé.

 

Huyền Anh

Theo KP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm