Diện cho chồng - “Thả gà ra đuổi”?
Diện, hay không diện? - Câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà ngốn kha khá “nơron thần kinh” của các quý bà quý cô đang làm vợ.
Thư là gái phố, lại con ông to, vậy mà quyết lấy một anh trai quê ba đời thuần nông. Nam - chồng Thư - đẹp trai, hiền lành, lại học giỏi, có chí nên mới có cơ bám trụ được Hà Nội. “Thế cho lành!” - đó là lý do Thư quyết định chọn Nam trong số nhiều ứng cử viên trai phố khác. Duy chỉ mỗi cái “tội” ăn mặc “hơi bị quê” của Nam thì Thư tặc lưỡi bảo: “Mang về nhà cải tạo sau!
Mà đúng là Thư quyết tâm cải tạo được thực, thậm chí thành công đến nỗi, ai biết chồng Thư từ thuở “chồng em khi ấy còn chưa là chồng” tới giờ gặp lại đều mắt tròn mắt dẹt trước một sự “sang trọng đến ngạt thở”. Ai mà ngờ được anh trai quê ngày nào lại có ngày lột xác nhanh đến thế và Thư coi đó là “chiến công lừng lẫy” của mình trong công cuộc “cách mạng năm năm lần thứ nhất”.
Bù lại, từ một cô gái Hà thành khá mê chưng diện, Thư lại trở nên ăn mặc khiêm nhường hơn với tuyên ngôn: “Một người... diện, hai người vui. Nhưng hai người diện thì... nhà chỉ còn nước phá sản”.
Cái nết hơn người đó ở Thư, không hiểu có được chồng hiểu cho chút nào không, chỉ biết kế hoạch “năm năm lần thứ hai” chưa kịp triển khai thì một ngày kia, hung tin như sét đánh bay đến: Nam có bồ, với một lời thú nhận nghe quen quen (tất nhiên là phải sau khi bị phát hiện): “Giờ mới gặp được tình yêu lớn nhất đời”.
Rất, rất nhiều lý do đã được viện dẫn sau đó từ hai phía. Chỉ duy nhất một lý do không được nhắc đến (vì nghe nó có vẻ hơi vô lý và buồn cười), đó là Thư đã diện cho chồng thái quá. Chồng trông ngon nghẻ thì lập tức có gái theo, lại cộng với những tiêu chuẩn vàng sẵn có.
“Từ nay tôi cạch đến già...” - Không cầm lòng được, Thư phải treo “status” ấy trong cả tháng ròng, như một phép răn mình, khi chiếc gương vỡ rốt cuộc cũng đã được hàn gắn lại, dù giờ đây không còn ai trong hai người vui nữa, và người này cũng không còn buồn diện cho người kia (thì đã bảo là “cạch đến già” rồi!).
“Thả gà ra đuổi”? Không ngu!
Hương lại là một ca khác hẳn. Chuyên viên Bộ - nghe thì oai thế nhưng thực ra lương ba cọc ba đồng. Vậy mà chao ôi, Hương diện ngất trời. Đến nỗi cái xe Hương đi còn sang hơn cả xe đưa đón... bộ trưởng. Lương tháng của Hương tính ra không đủ để đổ xăng chứ đừng nói làm gì. Chẳng bù cho chồng Hương - “nhà tài trợ chính”, tiếng là cần ăn mặc chỉn chu để tiện bề làm ăn giao tiếp, dè đâu món sang nhất trên người chàng - theo phi lộ của vợ - giỏi lắm cũng không quá triệu bạc. Xe thì vẫn là xe cũ (nát đến nỗi nửa năm phải đi đăng kiểm một lần), mua từ thuở cơ hàn. Có công việc gì cần khoe mẽ thì... mượn xe vợ, trong nhà biết với nhau, cũng chả chết ai.
Lẽ dĩ nhiên, trong rất nhiều cơn điên mua sắm, cuối ngày, Hương cũng có nói được một câu vớt vát đầy tử tế: “Nhiều khi nghĩ kể cũng tội chồng mình, kiếm ra bao tiền mà chả được tiêu. Nhưng biết làm sao, muốn chồng không mang tiền cho gái thì vợ đành phải... phá vậy!”. Và động tác kèm theo thường là ngày hôm đó Hương trở về với một dây lưng nam hàng “phếch” (hoặc một đôi giày xuất khẩu nhưng... bị lỗi). Rồi chiêu tiếp theo là một tin nhắn y giọng “đào lẳng”: “Sướng nhỉ, vợ thì ngồi co ro ôm giày đợi chồng, thế mà người nhận quà lại chả thèm về cho”. Báo hại đức lang quân tức tốc chạy về để... nhận quà.
Để rồi sáng hôm sau, trong câu chuyện phiếm với hội bạn, Hương lại không thương tiếc lôi chồng lên “bàn nhậu”: “Lão ấy tội cực, mấy món hàng “phếch”, tao bịa là hàng hiệu với giá cắt cổ, thế mà tin sái cổ, lại còn xơi xơi mắng vợ: “Người ta bảo sang vì vợ chứ có ai bảo sang vì chồng đâu mà em cứ diện cho chồng cho phí! Mắng thì mắng thế thôi, nhưng sướng dại người, hà hà...”. Đoạn, nàng trở nên tư lự:”Nhiều khi cũng áy náy phết, nhưng thôi, kệ! Còn hơn là mải diện cho chồng, tới lúc gái nó theo, rồi hối không kịp, khác nào thả gà ra đuổi! Không ngu!”.
May hơn khôn
Có mẫu số chung cho chuyện này không? Câu trả lời đáng tiếc là không. Vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, “sông có khúc, người có lúc”, ai mà biết trước được tới lúc nào, vì lẽ nào mà chồng mình lại lên cơn giở chứng. Mà lý do lắm khi không phải từ mình. Bởi “lịch sử đã cho thấy”, thiếu gì anh chẳng được vợ diện cho nhưng đến khi có bồ cũng (tự) diện cho mình sành điệu không kém. Hay ngược lại, có anh chả cần diện, gái cũng theo hàng đàn.
Mà lý do đôi khi xuất phát từ... lòng trắc ẩn của “nàng kia”, trước một món “hàng hiếm” và một nỗi “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”: “Sao trên đời này lại có người kiếm tiền giỏi thế mà lại ăn vận giản dị đến thế, hy sinh cho vợ con nhiều thế, trong khi cô vợ thì diện ngất trời...”. Và thế là, vào một ngày đẹp trời, nàng kia quyết định “cầm nhầm” chồng của bạn. Đầu tiên có thể là bằng những món quà sinh nhật, hay nhân dịp chồng bạn được thăng chức - như một lẽ “lập lại công bằng”. Một cái sơ mi hàng hiệu có khi len được vào tủ quần áo của chồng bạn bằng con đường “tiểu ngạch” ấy, mà lỗi không hề phải do bạn diện (hay không diện) cho chồng.
Thôi thì “khôn ngoan không lại với giời”, “may hơn khôn”! Chỉ mong phụ nữ đừng làm khổ nhau, trước khi đồng loạt kêu cánh đàn ông làm khổ mình. Kêu thế, trời làm sao thương được!
Theo Đẹp