Đi đám cưới thấy cảnh này, vợ về nhà nói đi nói lại rồi giận dỗi tôi

Hồng Anh

(Dân trí) - Sau khi đi dự đám cưới, vợ tôi thường kể rất chi tiết. Ban đầu, tôi còn hứng thú nghe nhưng qua nhiều lần, tôi thực sự thấy khó chịu.

Vợ chồng tôi thuộc thế hệ 9X và kết hôn cách đây hơn hai tháng. Trước khi tiến tới hôn nhân, chúng tôi đã có 3 năm yêu nhau.

Vợ chồng tôi đều là người tỉnh lẻ. Gia đình tôi có khá đông anh em. Các anh chị đều đã lập gia đình nên đến lượt tôi, việc cưới xin được bố mẹ tổ chức với tinh thần gọn nhẹ, ấm cúng.

Tôi cũng nghĩ, đám cưới là khởi đầu của cuộc sống hôn nhân nên không cần quá rình rang. Điều quan trọng là sau này vợ chồng sống với nhau ra sao.

Bố mẹ tôi đều làm nghề nông, kinh tế gia đình bình thường. Các anh chị tôi ở quê, bố mẹ cắt cho phần đất rồi tự dành dụm xây nhà. Còn tôi xác định lập nghiệp trên Hà Nội nên bố mẹ chỉ động viên tôi chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm.

Khi tổ chức đám cưới, bố mẹ lo tiền cỗ cưới, thuê rạp… Tôi cũng gửi thêm bố mẹ 50 triệu đồng để lo các chi phí khác. Biết bố mẹ không có tiền, tôi muốn đưa thêm nhưng cả hai không nhận mà bảo tôi để dành góp tiền mua nhà ở Hà Nội.

Ngày cưới, khi đến nhà vợ đón dâu, tôi thấy nhà gái tổ chức màn trao quà rất long trọng. Bố mẹ vợ cùng anh chị em, cô dì, chú bác lần lượt được đọc tên trao tiền, vàng cho vợ chồng tôi.

Đi đám cưới thấy cảnh này, vợ về nhà nói đi nói lại rồi giận dỗi tôi - 1

Thấy các cô dâu được trao nhiều tiền vàng, vợ tôi chạnh lòng (Ảnh minh họa: ShutterStock).

Sau này tôi tìm hiểu mới biết, quê vợ tôi có tục trao của hồi môn trước khi con gái về nhà chồng. Gia đình nào dù giàu hay nghèo cũng phải cố lo được một ít vàng hoặc tiền trao cho các con trong ngày cưới, vừa để chúc phúc cho các con, vừa để đẹp mặt với họ hàng.

Khi đón dâu về nhà trai, chúng tôi cũng tổ chức các nghi lễ như thường lệ. Trước mặt quan viên hai họ, mẹ tôi trao cho chúng tôi mỗi người một chỉ vàng.

Các anh chị và các dì, các bác nhà tôi mừng chúng tôi phong bì và đã cho vào thùng tim trước đó. Họ hàng của tôi kinh tế cũng bình thường, đều ở quê nên quà mừng mang tính chất tượng trưng. Với tôi, dù mọi người không có quà mừng, tôi vẫn rất vui vì hơn ai hết, anh em, họ hàng luôn dành cho tôi sự quan tâm, yêu thương. 

Hôm ấy, tôi cũng có chút lo lắng vợ sẽ chạnh lòng. Nhưng vì thấy cô ấy vẫn tươi cười, vẫn trò chuyện với mọi người bình thường nên tôi nhẹ nhõm hơn.

Tuy nhiên, mấy tuần nay, tôi thấy thái độ của cô ấy hơi khác. Thời gian gần đây, chúng tôi thay phiên nhau đi dự đám cưới. Mỗi lần đi đám cưới ai đó về, vợ tôi đều kể về những màn trao vàng, trao sổ đỏ cho cô dâu, chú rể kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Vợ thường kể rất chi tiết, đám cưới được tổ chức ở nhà hàng, ở khuôn viên ngoài trời, vườn cây rộng rãi... Cô dâu nào cũng đeo rất nhiều vàng khoảng 9-10 cái nhẫn, 2-3 cái kiềng cổ, 2-3 cái vòng tay. Tính sơ sơ ai cũng có 3-4 cây vàng trên người.

Lần một, lần hai, tôi còn tỏ ra hứng thú nghe. Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, tôi thực sự khó chịu. Tôi cảm thấy tự ái và có nói nặng với vợ vài câu. Vợ tôi rõ ràng có ẩn ý trong câu chuyện của mình nhưng lại nói rằng chỉ kể cho vui, không có ý chê bai nhà chồng.

Mỗi người to tiếng mấy câu thành ra mất lòng nhau. Đỉnh điểm, vợ tôi còn nói xấu hổ với gia đình và bạn bè vì được nhận ít vàng trong ngày cưới. Hiện tại, có dịch vụ thuê vàng cưới, tôi hay bố mẹ hoàn toàn có thể thuê vàng về trao cho cô ấy để đẹp mặt trước họ hàng rồi đem trả lại.

Hai vợ chồng tôi đã giận dỗi nhau cả tuần nay. Tôi thấy bản thân và gia đình mình không được tôn trọng.

Của cải, tiền vàng ai cũng muốn nhưng nên tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà so đo. Với tôi, điều quan trọng là tình cảm của hai vợ chồng chứ không phải sĩ diện theo đám đông. Tôi không biết nên làm thế nào để thay đổi suy nghĩ thực dụng và tính thích khoe mẽ của vợ.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.