Đèo bòng
Không cần biết tại sao anh đã có vợ mà còn đem lòng yêu người khác. Khi anh đèo bòng, không chỉ anh mà cả người phụ nữ thứ ba kia cũng bị xã hội lên án và xem như những kẻ tội đồ.
Nếu anh đã có vợ, thậm chí có con, sao lại còn hẹn hò ăn chơi, nhảy múa với người ta? Sao anh lại hứa hẹn, thề thốt sẽ lo lắng và yêu thương người ta suốt đời? Sao anh có thể hai lòng, vừa ôm ấp người này vừa vuốt ve người kia?
Như thế là sai, là vi phạm luật Hôn nhân - Gia đình, là “ăn nem”, là không tôn trọng bạn đời và cả bản thân mình. Người đời sẽ đánh giá tư cách đạo đức của anh. Người vợ nếu biết chuyện sẽ xem thường anh. Con cái không còn tôn trọng, thần tượng anh. Chiếc ghế anh đang ngồi cũng có thể lung lay.
Không chỉ vậy, cả anh và người phụ nữ thứ ba kia đều là tội đồ. Mọi người nhìn cô gái yêu kẻ có vợ bằng ánh mắt tội nghiệp. Họ xem cô ta như một kẻ mù quáng, nhẹ dạ, bị lừa. Họ nói cô ta như một con thiêu thân, trót ăn phải bả của anh chàng có vợ.
Đối với người ngoài cuộc, câu chuyện giữa hai kẻ “ăn vụng” trên dường như chỉ gói gọn trong lợi dụng, tình dục, bế tắc, đau khổ, cả thèm chóng chán, vụng trộm, nước mắt, tan rã... Nạn nhân là người nữ và kẻ phạm tội là người nam. Mọi người đổ xô vào mổ xẻ mối tình của họ dưới góc độ hậu quả, trách nhiệm, pháp lý và đạo đức.
Nếu không muốn nhận sự dè bỉu, soi mói, đừng nói chữ yêu
Tôi chưa bao giờ nghe ai nói: “Tội nghiệp cái thằng...”, chỉ nghe mọi người lao xao “Tội nghiệp cái con...”. Đồng ý rằng cũng có nhiều cảnh đời oan trái, bất công khi yêu người đàn ông có vợ. Có nhiều phiên chợ chiều nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Có nhiều kịch bản tại anh, tại ả, cũng có nhiều hợp đồng bên có của, bên có công, hay tình yêu văn phòng đồng sàng dị mộng...
Nhưng không thể loại trừ một chữ yêu. Một chữ yêu tròn trịa, không giải thích, không tại vì, mặc dù, không mù quáng, không si mê cuồng nộ... Chỉ là một chữ yêu.
Thế nhưng, kẻ đã có vợ không được phép nói chữ yêu với người phụ nữ khác, ngoài người bạn đời. Nếu nói tiếng yêu, anh ta sẽ nhận sự dè bỉu, so sánh, soi mói, nghi ngại. Thường là: “Yêu cái gì mà yêu? Vớ vẩn! Vợ con đầy đủ ra đó rồi mà còn yêu với đương! Lại chán cơm, thèm phở, lại trò chơi ong bướm hám của lạ”. “Làm sao anh có thể yêu cùng lúc hai người phụ nữ? Nói dối!”. “Anh có yêu vợ anh không? Nếu anh bỏ vợ, tôi sẽ tin anh nói thật lòng là anh yêu tôi”... Thế là chữ yêu đồng nghĩa với tội lỗi, hạ cấp, lường gạt, không được chấp nhận, rẻ rúng, khinh bỉ.
Không được ghen tuông, hờn dỗi, đùa cợt hay yêu cầu, đòi hỏi
Kẻ đã có vợ, khi yêu người khác, không được ghen tuông, hờn dỗi, không được độc chiếm, cạnh tranh, không được là một và duy nhất. Anh đã có vợ, lại đèo bòng thêm một người phụ nữ khác, làm sao anh đòi hỏi mình “là riêng, là duy nhất” được? Cho nên, anh có thể sẽ chịu cảnh ăn miếng trả miếng từ người phụ nữ anh yêu. Cô ấy cũng có thể có một người đàn ông khác, ngoài anh. Thêm nữa, vợ anh lại hùng hồn tuyên bố: “Anh ăn chả, tôi sẽ ăn nem”.
Vì lẽ đó, đương nhiên anh sẽ bị tước quyền được bày tỏ sự không bằng lòng. Cô tình nhân hoặc vợ anh có thể nói: “Anh ghen à? Anh xem lại mình đi! Anh có tư cách gì để ghen? Tôi còn chưa thèm ghen nói gì đến anh!”. Thế là anh đành ngậm miệng.
Kẻ đã có vợ sẽ bị tước đoạt quyền được chăm sóc, quyền được ở bên cạnh, quyền phản đối, quyền lo lắng, quyền chia sẻ với người anh ta yêu. Những quyền mặc định của người đang yêu bỗng nhiên bị bốc hơi, trôi mất.
Kẻ đã có vợ không được buồn, không được tủi thân, không được khóc, không được nhỡ, không được yêu cầu, đòi hỏi. Đơn giản vậy đó, đừng nghĩ ngợi, đừng suy diễn, miễn giải thích, bình luận.
Vì sao à? Anh đã có vợ lại còn lem nhem là một trọng tội, đã phạm tội lại còn đòi hỏi, yêu cầu, buồn tủi... là sao? Nghe vừa vô duyên vừa chẳng hợp lý chút nào.
Kẻ đã có vợ không được phép bắt đầu câu chuyện bằng lời đùa cợt: “Em ở đâu vậy? Em làm gì thế? Với ai? Em nhớ anh không? Anh nhớ em cồn cào ruột gan. Mấy hôm nay anh không ăn, không ngủ được vì nhớ em...”.
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện cho người yêu, kẻ đã có vợ có thể chẳng nhận được câu trả lời. Nhưng gần như chắc chắn, anh ta phải luôn nghe điện thoại và trả lời tin nhắn ngay lập tức. Nếu không, anh ta sẽ nhận được một tràng bù lu bù loa của cô tình nhân.
Thế là kẻ đã có vợ lại phải nghĩ trăm phương nghìn kế để nịnh nọt tình nhân, tìm mọi cách xoa dịu cơn giận của người ta. Lúc đó, cô ấy có yêu sách gì cũng phải chiều theo cho mọi bề êm thấm.
Đừng sống trong sợ hãi vì sở thích đèo bòng
Kẻ đã có vợ luôn sống trong sợ hãi. Anh ta sẽ phải nói dối hơn Cuội, luôn sợ vợ và người tình phát hiện mình không chung thủy. Anh ta luôn sợ bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp phát hiện mình... đi hoang.
Tóm lại, đàn ông đã có vợ phải đánh rơi chữ yêu hoặc quên hẳn nó đi. Nếu yêu, anh ta phải ráng chú tâm, chí thú để chỉ yêu vợ thôi. Nếu không còn yêu vợ, hãy chuyển hết tình yêu cho con hay yêu một trò chơi, thú vui nào đó.
Nếu đầu hai thứ tóc, con cái đã lớn, vợ đảm đang, tử tế, đừng dại gì bồ bịch lăng nhăng. Đừng tước đoạt mọi quyền lợi của bản thân chỉ vì thích đèo bòng.
Theo Phong Cách