Đến vợ cũng phải… bịt mũi vì chồng!

Người ta nói “vợ chồng quen hơi”, nhưng sống với nhau đã 5 năm mà chị Thúy Nhài vẫn không thể quen được mùi cơ thể của chồng. Một phần do tuyến mồ hôi, cộng thêm bệnh “lười” của ông xã nên chị chỉ còn cách ôm gối ra ngủ riêng...

Đến vợ cũng phải… bịt mũi vì chồng! - 1
 
Giải pháp “cách ly”

 

Những ngày mới quen nhau, chị Nhài đã biết anh Thủy có mùi cơ thể không được thơm tho cho lắm do tuyến mồ hôi, nhưng chị vẫn đồng ý làm vợ anh. Chị nghĩ mùi hôi cơ thể không quan trọng, vì có thể khử được, đạo đức và trách nhiệm của người đàn ông mới làm nên hạnh phúc.

 

Anh Thủy là kỹ sư xây dựng, mắc chứng nghiện game online, đi làm về là ôm máy tính, không chú ý đến việc vệ sinh thân thể. Những ngày đầu chung sống, chị luôn nhắc anh tắm ngày hai lần, quần áo khi giặt luôn sử dụng nước xả vải nên tình hình cũng dịu bớt. Nhưng rồi khi hai đứa con ra đời, chị không thể sát sao nhắc nhở chồng thường xuyên, anh nghiện game ngày càng nặng nên tính “bựa” càng tăng.

 

Không thể chịu nổi mùi hôi hám từ quần áo, tất, đầu tóc của chồng, chị bế con sang phòng khác ngủ. Chị Nhài kể: “Có lần, tôi còn phải lôi anh ấy ra tắm cho vì hôi quá không chịu được. Đó là hồi còn cảm thấy yêu, giờ chán rồi nên mặc xác anh ấy”. Cùng giường với nhau được 5 năm, biết chồng cũng buồn vì không được ngủ cùng vợ nhưng chị vẫn cương quyết tìm giải pháp “cách ly”.

 

Chị Đông Vy, ở phố Trần Duy Hưng, Hà Nội có chồng khá thành công trong việc kiếm tiền, nên mỗi khi gặp bạn bè thân thiết họ lại trách chị không biết chăm sóc anh ấy, đại loại: “Sao chỉ biết tiêu tiền chồng mà để chồng ra đường tóc tai bù xù, quần áo nhàu nát, bốc mùi thế”.

 

Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, từ ngày lấy nhau, chị chẳng khác nào một bảo mẫu của chồng. Cứ phải nhắc nhở, thậm chí quát tháo thì anh mới thay tất, cắt tóc, tắm gội. Có khi chị đi công tác dài ngày, về nhà dưới gầm giường đầy một đống tất thối. Quần áo thì mỗi nơi một chiếc, cả gian nhà bốc mùi khó chịu.

 

Theo bác sĩ Nghiêm Minh Hương, Trung tâm Tư vấn sức khỏe Minh Hương, Hà Nội, mùi cơ thể là một yếu tố tạo sức hấp dẫn giới tính, nhưng không phải ai cũng có may mắn tìm được một người có mùi cơ thể phù hợp với mình.

 

Dù mùi cơ thể là do cấu tạo tự nhiên, nhưng đôi khi cũng là vì thói quen sinh hoạt tạo ra. Nếu là bệnh lý thì hiện đã có cách chữa trị, còn nếu do ý thức vệ sinh thân thể kém thì... y học cũng bó tay.

 

Có thể chữa được nếu do bệnh lý

 

Chị Huyền My ở phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội kể: “Ngày còn là sinh viên, anh ấy tới phòng tôi chơi, ra về tôi phải mở hết cửa sổ và bật quạt mấy tiếng sau mùi hôi từ giày và tất mới bay hết”.

 

Chị không chê anh ấy điểm gì, ngoại trừ cái “bệnh” hôi chân. Nhưng qua tìm hiểu, chị biết bệnh đó có thể chữa và khắc phục được nên đã đồng ý kết hôn. Chị Huyền My đã đưa chồng tới bác sĩ da liễu để khám và chữa bệnh hôi chân của chồng. Ngoài dùng thuốc, anh đã chú ý tới vệ sinh thân thể như thay tất thường xuyên, chọn kiểu giày phù hợp nên tình hình được cải thiện rõ rệt.

 

Khổ hơn cả vẫn là chứng hôi nách. Chị Cẩm Tú ở phố Kim Ngưu, Hà Nội không may bị cái bệnh “giời hành” này, nhưng may mắn là chị nhận được sự thông cảm của chồng. Mỗi lần đi công tác về, anh lại mua tặng chị những lọ kem lăn khử mùi hoặc những loại nước hoa có mùi quyến rũ để tặng vợ. Chị Cẩm Tú cũng rất ý thức được căn bệnh của mình, nên chăm sóc vệ sinh kỹ hơn để đẩy lùi mùi hôi cơ thể, cuộc sống vợ chồng vì thế mà không có nhiều phiền toái. 

 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Bệnh viện Da liễu Trung ương, mùi cơ thể là chuyện cá nhân, nên người đó phải xác định được do vệ sinh hay do bệnh lý. Nếu vệ sinh kém thì phải ý thức sửa chữa, nếu do bệnh lý thì có thể đến Bệnh viện Da liễu để chữa trị.

 

Ngoài ra, nên sử dụng các loại mỹ phẩm khử mùi ở dạng phun hơi, sáp hay bi lăn để giảm sự khó chịu. Các loại lăn khử mùi còn có tác dụng diệt vi khuẩn, giảm tiết mồ hôi nách và các hoạt chất bắt giữ mùi hôi. Phun xịt hoặc lăn vào nách 2 lần/ngày, khi bớt thì duy trì ngày 1 lần. Tuy nhiên, với phương pháp này bạn chỉ có thể giảm được hôi nách mà không chữa được vĩnh viễn.

 

Bác sĩ Quang cho rằng, cách tốt nhất vẫn là vệ sinh thường xuyên, việc tắm rửa sạch sẽ hạn chế được mùi mồ hôi. Nếu do hôi chân thì phải rửa chân và thay tất thường xuyên, không nên đi giày liên tục trong nhiều giờ mà có điều kiện thì hãy cởi ra cho thoáng.

 

Theo Gia đình & Xã hội