Dạy con về tình thân qua những bức ảnh gia đình

Dạy con những bài học giá trị về tình thân, họ hàng qua các album ảnh gia đình có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển nhân cách trẻ.

Những bức ảnh gia đình thường biết nói - Ảnh minh họa
Những bức ảnh gia đình thường "biết nói" - Ảnh minh họa

Hình ảnh thường được chụp tùy hứng, thích thì chụp, nhất là khi chiếc điện thoại trở thành cái máy ảnh tiện lợi, nên gặp đâu chụp đó. Song, chụp xong thường để xem cho vui, gửi qua lại cho vài người thân, bạn bè, rồi… xếp xó, rơi vào lãng quên.

Có bậc cha mẹ có con thích tạo dáng để chụp ảnh, nhưng người lớn cứ “đơ” ra mà không biết hướng dẫn con thế nào để mọi người có được bức ảnh đẹp, ý nghĩa, mang giá trị đạo đức tích cực với con cái.

Chụp ảnh theo chủ đề là cách để trẻ thấm dần tình cảm mà các thành viên dành cho nhau, giúp cho những bức ảnh gia đình “biết nói”.

Những bức ảnh giáo dục về tôn ti trật tự trong gia đình

Nếu khi chụp ảnh có nhiều thế hệ trong đó có ông bà thì mọi người cần sắp xếp vị trí đứng sao cho phù hợp và có chủ đích cụ thể. Hãy chủ động đưa ra mục đích của việc chụp ảnh, để mọi người có thời gian chuẩn bị chu đáo về quần áo, trang điểm cho cẩn thận.

Nhân các dịp gặp mặt quan trọng của cả gia đình như lễ Tết, lễ mừng thọ, giỗ chạp, sinh nhật, ngày họp mặt gia đình hằng năm… nên mời ông bà ngồi chính giữa, con cháu quây quần sum họp xung quanh hoặc đứng phía sau.

Việc sắp xếp về tôn ti trật tự các thế hệ trong gia đình sẽ giáo dục trẻ những đức tính khiêm nhường, tôn kính và lòng biết ơn.

Những bức ảnh biểu lộ các cung bậc cảm xúc

Cảm xúc luôn được thể hiện thông qua các hành vi, cử chỉ. Ảnh càng tự nhiên, càng gần gũi thân tình. Ảnh selfie là cách hay nhất để biểu thị các sắc thái tình cảm.

Để có những bức ảnh đầy cảm xúc, người được chụp cần có những cử chỉ âu yếm tùy theo mối quan hệ vợ chồng, anh chị em hay cha mẹ đối với các con. Từ đó có những hành vi, điệu bộ phù hợp như ôm ấp, bồng bế, nắm tay, khoác vai…

Dạy con về tình thân qua những bức ảnh gia đình - 2

Những bức ảnh tạo dáng nghệ thuật

Để có những bức ảnh sinh động mà không cần phải phô diễn quá nhiều, người được chụp hình cũng như người đảm nhiệm việc chụp đều phải là người yêu thích, có hứng thú với việc chụp ảnh, biết đầu tư quan sát để thấy được góc chụp nào là đẹp nhất, nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp của từng người trong gia đình. Cả nhà nên lên kế hoạch đi du lịch đây đó để có những bức ảnh sống động nhất gắn với những kỉ niệm đẹp của gia đình.

Trưng bày ảnh theo ý tưởng

Những bức ảnh để lộn xộn thường chỉ có mục đích xem xong rồi để đó. Song, nếu gia đình biết cách trưng bày ảnh theo chủ đề và có những lời ghi chú đầy ý nghĩa, những cảm xúc gắn với bức ảnh. Ngôn từ trình bày ngắn gọn, giàu cảm xúc, gợi cho con trẻ thêm yêu thương và luôn nhớ đến kỷ niệm với cha mẹ, ông bà, người thân.

Những khung ảnh trang trí phù hợp cũng sẽ giúp tôn lên giá trị của bức ảnh. Cha mẹ cùng trẻ lựa chọn tự làm khung hoặc mua sẵn ở các nhà sách.

Tùy theo nội dung quan trọng của từng bức ảnh để bố trí trưng bày ở những vị trí thích hợp, dễ nhìn. Trẻ sẽ rất tự hào khi được gia đình quan tâm và các em luôn cố gắng để nhân lên gấp bội những cảm xúc mà các thành viên dành cho mình.

Chỉ nên chọn lọc những bức ảnh có giá trị nhất, chứa đựng những dấu ấn đặc biệt của người được chụp trong ảnh. Số ảnh còn lại nên lưu lại trong album và dành riêng một góc nhỏ cùng với các vật kỷ niệm khác, để có dịp mọi thành viên cùng xem và hồi tưởng lại những dòng thời gian tươi đẹp, ấm cúng của gia đình.

Theo Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan
Phụ Nữ Việt Nam