Dạy con tuổi teen

(Dân trí) - Năm ngoái con gái bạn rất tình cảm, năm nay đã biết “phản ứng” lại người lớn. Vài tháng trước thôi đứa con trai còn là “bạn thân” của cha mẹ, giờ đã quay ra “tẩy chay” bạn từ lúc nào. Chào mừng bạn đến với thế giới của những ông bố bà mẹ có con tuổi ổi ương.

“Chịu đựng” bọn trẻ giờ không dễ. Một vài lời khuyên sau giúp bạn giữ được bình tĩnh để làm bạn với con trong giai đoạn này.

 

Tự hiểu rằng thời gian này con hơi “khùng”

 

Bạn nghĩ rằng trong nhà đột nhiên xuất hiện một người “ngoài hành tinh” - bạn hoàn toàn đúng. Bước vào tuổi dậy thì, con bạn đang phải qua một loạt thay đổi về thể chất, tâm sinh lý. Đã đến lúc bạn phải thay đổi cách nuôi dạy chúng rồi.

 

Trang bị thêm kiến thức

 

Vì con, bạn từng đọc lại không biết bao nhiêu truyện cổ tích, truyện cho thiếu nhi, các sách nuôi dạy trẻ. Nếu vậy, đến giờ hẳn không quá khó để đọc thêm về sự phát triển bình thường của lứa tuổi teen. Các kiến thức thu được sẽ giúp bạn hiểu thêm về thế giới hiện tại của con mình.

 

Khi nào nên lo lắng?

 

Đôi lúc con bạn sẽ rất “tâm trạng”. Rồi chúng có thể ương bướng, lười biếng, ngủ nhiều và trầm ngâm, ít nói hơn. Chỉ nên lo lắng khi các biểu hiện này có xu hướng ngày càng “nặng” và diễn ra trong một thời gian dài. Các yếu tố khác bạn nên lưu tâm nếu con dính vào bao gồm ma túy, rượu và trầm cảm.

 

Đừng phản ứng thái quá

 

Lứa tuổi teen, cảm xúc của trẻ rất bốc đồng, căng thẳng. Các em thường có những hành động, cách cư xử thái quá vì nghĩ rằng bố mẹ đang giận hay bực tức. Tốt nhất bạn hãy lấy lại bình tĩnh, hít thật sâu và đếm từ 1 đến 3 trước khi nói chuyện với con. Hạ thấp giọng, ôn tồn, tình cảm, hoặc bỏ đi, để lúc khác nói chuyện. Quan trọng là không nên gieo vào con ý nghĩ “mình đang bị bố mẹ xúc phạm”.

 

Đối mặt

 

Tuổi thanh thiếu niên, trẻ dễ phản kháng và tỏ ra thách thức, thường tranh luận về những điều chúng cho rằng thật thiếu công bằng. Trong vài năm nữa, trẻ sẽ trở lại là chính mình. Khi ấy trẻ đã trưởng thành và rất muốn độc lập, ít ra là muốn được đối xử như người lớn.

 

Cái gì không thể khoan nhượng?

 

Bạn không muốn cãi với con những chuyện nhỏ nhặt, vậy cách tốt nhất là đề ra cho chúng danh sách các vấn đề thuộc hàng “nghiêm túc” và “không thể thay đổi được”. Những chuyện khác nên bỏ qua. Ví dụ, tuân thủ giờ giới nghiêm trong gia đình là điều bất di bất dịch, còn việc dọn dẹp phòng riêng có thể “linh động” cho con.

 

“Trao quyền”

 

Bất cứ khi nào thích hợp, hãy hỏi ý kiến con về một vấn đề nào đó, cho con thấy chúng cũng có quyền tự do quyết định vài chuyện, ví dụ: “Nếu con đi chơi quá giờ giới nghiêm thì nên xử lý thế nào?”.

 

Kỹ năng giao tiếp

 

Mỗi khi con muốn nói chuyện, bạn nên tạm gác mọi công việc khác của mình lại. Nên chú trọng đến giao tiếp bằng mắt, cách này cho thấy bạn thực sự quan tâm đến những gì chúng đang thổ lộ.

 

Bạn không được nói dài quá 1 phút, không đứng nói chuyện và không cố gắng “bật máy” để lấp liếm khoảng trống (hãy đợi 3 giây trước khi mở lời).

 

Trường hợp có chuyện muốn trao đổi với con, hãy biết lựa chọn thời điểm tích cực (sáng sớm và lúc vừa đi học về là hai thời điểm tâm trạng trẻ không tốt). Chớ nên bắt đầu câu chuyện bằng lời chỉ trích. Thậm chí nếu bị con chỉ trích, bạn cũng đừng nóng mặt. Hãy bình tĩnh hỏi lại con rằng “Điều gì khiến con nói ra như thế?”.

 

Không nhụt chí

 

Nuôi dạy con cái tuổi này rất cần lòng kiên trì, đừng nên từ bỏ. Hãy cho con thấy bạn quan tâm và luôn ở cạnh để giúp đỡ con. Nhớ rằng chẳng lâu nữa đâu, con bạn sẽ bước qua giai đoạn “dở hơi” và vào tuổi trưởng thành.

 

Huyền Anh

Theo IVL

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái