“Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”
Ông bố tắm cho đứa con lên bốn. Xong việc, ông “kiêu hãnh”: “Thấy chưa, bố hoàn toàn có thể tắm cho con đó, vậy mà mẹ con cứ chê”. Đứa con lí nhí: “Nhưng bố ơi, lúc nào tắm cho con, mẹ cũng cởi giày ra rồi mới dội nước...”.
Đây là chuyện có thật. Và nếu ông bố khác biết cởi giày cho con, thì cũng coi chừng anh ta sẽ xát xà phòng trước khi dội nước - chị Thu Hằng (một nhân viên văn phòng) hóm hỉnh. Đàn ông tệ vậy sao?
Kính thưa các loại... “tật”!
“Tôi suốt ngày ở chợ, công việc nhà cứ dồn ứ. Ông nhà ấy hả? Đố mà đụng tay. Có hôm 11 giờ đêm tôi còn phải lui cui lau nhà” - chị Nguyệt, chủ một sạp vải ở chợ Giồng Ông Tố (Q.2, TPHCM) “tám” lúc vãn khách.
Như được rà “trúng đài”, chị Năm Hà, sạp kế bên cướp lời: “Ông nhà tôi cũng có hơn gì đâu, nhà bừa bộn, kể cả khi thau đồ dơ chất cao tới nóc, ổng cũng không thèm đụng tới. Vậy chứ có ai ới đi uống cà phê là ổng lao đi ngay”.
Chị Cúc phụ họa: “Anh nhà em cũng thế, nhắc mỏi mồm, thì cũng vừa làm vừa cau có. Việc nhà là của hai vợ chồng, vậy mà mình phải mang tiếng nhờ vả...”.
Mỗi lần Đài Quyên (P.Bình Trưng Đông, Q.2) đi công tác xa, cô lại lo cho... ngôi nhà của mình. Lo vì ở đó có một người đàn ông sống một mình sẽ bày bừa, chẳng khác đứa trẻ lên ba. Quyên than: “Mỗi lần đi công tác về là ngán ngẩm, nhà bẩn, bước vào đã bị dội ngược bởi mùi chén bát ngâm lâu ngày không rửa. Riêng quần áo thì góc nào cũng có”.
Đúng là chị Quyên may mà chưa có con, ít ra cũng may hơn chị Mỹ Thắm. Vợ chồng chị Thắm đều là công chức, có một bé gái ba tuổi. Nhiệm vụ được phân công rõ ràng: Mỗi chiều đi làm về, vợ lo chợ búa, cơm nước, còn chồng đón con. Khổ nỗi, giờ con gái tan học cũng là giờ “đẹp” để bố đi nhậu. Anh Thi - chồng chị Thắm thường xuyên để con nước mắt ngắn dài đứng chờ bố trước cổng trường. Con tan học lúc 4 giờ 30 chiều, nhờ cô giáo giữ hộ đến 5 giờ 30, nhưng anh thường có mặt lúc 6 giờ, kịp chén tạc chén thù với bạn một lúc.
Vợ giận, thậm chí đòi chia tay, đứa con được đưa ra làm “con tin” để thương lượng việc cấm bố không được tái phạm. Bố tỏ vẻ ăn năn, cũng hứa thật nhiều rồi lại... thất hứa thật nhiều. Dăm bữa nửa tháng hàng xóm lại nghe chị Thắm phẫn nộ, đại loại như “tôi chịu hết nổi rồi, có người cha nào mà nhẫn tâm ngồi ăn uống vui vẻ trong khi con nhỏ đang đứng khóc một mình như anh không?”, “tôi chịu hết nổi rồi, chẳng chóng thì chầy cũng phải chia tay thôi”.
Bà Tuyết Mai - giáo viên cấp II (Q.Gò Vấp, TPHCM) đến trung tâm tư vấn với tâm trạng hoang mang: “Chúng tôi lấy nhau được 16 năm, có ba mặt con rồi nhưng ông nhà vẫn chưa bỏ được căn bệnh “mãn tính”: Thích ở một mình. Chỉ những lúc ăn, ngủ, xem thời sự là ông ngồi chung với gia đình, còn không, ông rút về phòng làm việc khóa trái cửa lại. Mỗi lần bàn đến việc sắm sửa đồ đạc trong nhà, chọn trường cho con, đổi xe máy, đổi tủ lạnh... ông ấy nghe chiếu lệ rồi gật đầu cho qua. Nhiều khi bực mình, kiếm cớ gây sự nhưng ông ấy chẳng thèm đáp trả, chỉ cười trừ”.
Mới đây, dịp sinh nhật, bà Mai hỏi “nếu có một điều ước, ông sẽ ước gì?”. Ông ước “chân thành”: “Xin cho các bà vợ đi đâu lâu lâu một chút, để bọn đàn ông không phải dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, nhà cửa, và nhất là tối lên giường khỏi phải rửa chân!”. Thật hết biết!
Rất nhiều “tật” đã “lậm” vào người đàn ông: Giúp vợ rửa chén, quét nhà thì coi như mình đã làm được một việc ghê gớm lắm; tự cho mình thói quen được vợ hầu hạ, và thỉnh thoảng hầu vợ chút xíu đã vội cho mình là người đàn ông ga-lăng nhất hành tinh!
“Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”
Trong tâm lý học, có năm định luật tâm lý sai biệt giữa nam và nữ:
Luật chi tiết (người đàn ông mang tính chất tổng quát nên ít dòm ngó, xét nét những chuyện lặt vặt trong nhà, người phụ nữ thì ngược lại);
Luật ưu tiên (người chồng thường ưu tiên thể xác nên dễ bị sa đà vào thú vui riêng, trong khi người vợ ưu tiên trái tim, tình cảm);
Luật phân cách (người chồng vì đam mê nên dễ phân cách với vợ con, người vợ lại thích lúc nào cũng được gần gũi);
Luật thính giác (người vợ rất thích nói nhưng người chồng lại chẳng muốn nghe vợ mình nhiều lời);
Luật bất đồng cảm (người đàn ông thường phản ứng mau lẹ nhưng cũng nhanh giảm cường độ, trở về điểm không, trong khi người đàn bà phản ứng chậm nhưng dai dẳng).
Tại một hội thảo về bình đẳng giới được tổ chức mới đây, chị Ngọc Thoan (Q.7, TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm chiều chồng: “Trước đây, tôi từng hy vọng về một người chồng “đảm đang”, nhưng sau vài năm, tôi hiểu đó là mơ ước không có thật. Đàn ông dễ khoan dung, quảng đại, rộng lượng, ít dòm ngó, xét nét những chuyện lặt vặt trong nhà, do đó họ sống thảnh thơi, khiến người vợ dễ thấy họ “vô ưu vô lo”. Tôi biết ông xã không thích vào bếp nên mỗi lần ông ấy “giả bộ” giúp vợ nhặt bó rau, cho vợ một lời khen khi ngồi vào bàn ăn là khiến tôi thấy “đủ” lắm rồi. Tôi cũng nghiệm ra rằng, các ông chỉ thích làm việc lớn lao hoặc... không làm gì cả, chứ chẳng hứng thú với những việc nhỏ nhặt. Vì thế, tôi chẳng trách cứ khi chồng hờ hững việc nhà. Tuy nhiên, những lúc lau nhà, tôi lấy cớ không đủ sức, nhờ anh ấy xách nước; lúc dọn dẹp nhà cửa, nêu rõ quy định là “không bày bừa đồ đạc, đó cũng là cách dọn dẹp”... Với cách làm này, tuy người đàn ông không trực tiếp làm việc nhà nhưng họ thấy vui vì đã được tham gia và “góp công” trong đó”.
Như vậy, vấn đề nghiêm trọng hay không, tùy thuộc nhiều ở quan niệm của người vợ. Những “tật” cố hữu của người đàn ông dường như tồn tại cả ngàn đời nay, và rất nhiều khả năng sẽ tồn tại mãi mãi. Có không ít người vợ ngán ngẩm ông chồng, đã thở dài đánh thượt: “Cách tốt nhất là bỏ quách đi cho nhẹ nợ”, nhưng số người nói thì nhiều mà số người dám “bỏ quách” thì rất ít. Thậm chí, cứ bảo là muốn “bỏ”, nhưng lỡ có ai mon men đến gần là nhảy dựng lên ngay.
Như vậy, cách hợp lý nhất xem ra là quý bà phải học cách “sống chung với lũ”. Tìm gì, được nấy. Nếu người vợ ngồi liệt kê các “tật” của đàn ông thì có lẽ không đủ giấy để ghi cho hết, nhưng nếu tìm điểm tốt, lại sẽ thấy khối nét dễ thương của quý ông. Người vợ biết nhìn vào điểm tốt của chồng, sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng và lạc quan hơn nhiều.
Đàn ông “xấu xí”, nhưng thực tế, đàn ông mà không “xấu” theo kiểu đó là bất ổn. Có lẽ, người chồng mà lúc nào cũng canh xem nhà có vết bẩn nào để lau, nắm rõ nhà còn bao nhiêu ký gạo, đo lọ muối, đếm củ dưa hành... thì vợ càng khó sống. Biết đâu, những thói “xấu” đó đã làm nên một người đàn ông đầy nam tính. Chẳng thế mà từ xưa, ông bà mình đã “bênh” đàn ông: “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”. Nếu nhìn người đàn ông “xấu xí” bằng ánh mắt lạc quan thì vẫn thấy đàn ông không đến nỗi “xấu”. Những vụng dại của đàn ông có lý của nó, bởi nếu vô lý thì làm sao tồn tại mãi như thế được?
Theo PNO