Đâu phải cứ “núi” là “non”

“Tôi rất ngại đi qua đi lại khu nhà bếp mà mọi thứ tôi cần đều cất ở đó. Lý do đơn giản vì mấy bà mặc áo cổ sâu quá, cúi xuống là cứ lồ lộ ra...”


Đâu phải cứ “núi” là “non”



Bà xã tôi đã nghỉ hưu hai năm nay. Bên cạnh các hoạt động “nội khóa” như đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây cảnh, bà ấy còn có một số hoạt động “ngoại khóa” như mỗi tuần hai lần đến lớp học khiêu vũ, hai tuần một lần tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, mỗi tháng một lần họp mặt nhóm bạn học cũ, và thỉnh thoảng đi đám tiệc...

Nhìn chung, trừ chuyện họp nhóm của mấy bà thường xuyên tổ chức tại nhà vợ chồng tôi, lý do vì nhà chúng tôi ở ngoại thành, có sân vườn rộng, thoáng mát, còn thì những hoạt động khác của bà ấy, tôi ít quan tâm.

Cũng như tất cả các ông chồng ngoan khác, mặc dù tuổi đã cao, nhưng tôi thích lẩn quẩn cạnh bà xã những khi tụ họp bạn bè, con cháu để xem bà ấy có gì cần nhờ giúp không. Bởi suy cho cùng, không ai hiểu tính bà ấy bằng tôi, cũng như không ai biết bà ấy cất thứ nào ở đâu trong nhà này ngoài tôi. Những lần đầu nhóm bạn họp tôi đều có mặt. Nhóm có khoảng 20 người, tất nhiên, ai nấy đã tròm trèm 60. Khoản ăn uống thì khỏi chê, bà nào cũng muốn trổ tài làm đầu bếp nên món ngon vật lạ luôn mang đến xào nấu ê hề để mọi người cùng thưởng thức. Trong khi mấy bà vừa lúi húi gọt tỉa, cắt xén, chưng dọn vừa nói chuyện thì tôi phải lo bày bàn, xếp ly chén.

Nhưng thú thiệt, tôi rất ngại đi qua đi lại khu nhà bếp mà mọi thứ tôi cần đều cất ở đó. Lý do đơn giản vì mấy bà mặc áo cổ sâu quá, cúi xuống là cứ lồ lộ ra. Có lần, lựa lúc bà xã vui vui, tôi phê bình nhẹ nhàng: Lớn tuổi rồi, mà sao mấy bà bạn của mình mặc áo kiểu trẻ trung quá, coi thiệt là dị hợm. Bà xã tắt hẳn nụ cười ngay tức khắc. Trừng mắt, quạt một hơi:

- Ông nói dị hợm là sao? Lớn tuổi thì lớn tuổi có sao đâu. Tại sao mấy đứa trẻ nó có thể ăn mặc thoải mái được, mà tụi tui lại không? Luật nào cấm, ông chỉ tôi coi!

Chờ bà xã nguội nguội bớt, lúc đó tôi mới từ từ trình bày khó khăn của mình, rằng thì là sắp tới chắc tôi không thể làm người hầu bàn cho các bà nữa, và lý do thì như tôi đã nói ở trên. Tưởng sao, bà ấy lại phừng phừng tiếp: Ai khoe thì kệ ai, mắc gì ông dòm rồi ngại, ông không phụ tôi, ai phụ đây? Thấy không thể đâm thủng thành trì quan điểm, tôi kể cho thằng con trai mới tốt nghiệp đại học nghe. Nó biểu, ba để con. Lần họp mặt của tháng đó, con trai xin má nó cho mấy cô bạn gái đến tham gia, vì mấy cô nghe nói bạn của má nấu ăn ngon lắm, nên muốn đến học hỏi. Má nó nghe vậy sướng, thông báo cho mấy bà bạn, ai cũng hoan hỉ.

Sáng Chủ nhật hôm đó, thằng con đưa sáu cô bạn về nhà, cô nào cũng ăn mặc thiệt là mát mẻ. Các cô nhào vô bếp, ngồi xen kẽ giữa các bà, tíu tít học hỏi. Không khí ban đầu còn có vẻ tươi vui, thân tình, nhưng chỉ chừng một, hai giờ sau là coi mòi đổi khác. Các bà đã bớt nói cười, kín đáo kéo áo cho bớt trễ xuống, có bà lúc ra ăn đã lấy áo khoác bận vào, nhiều bà về sớm hơn mọi khi.

Con trai thầm thì vào tai tôi, mình làm vậy có ác không ba? Tôi trả lời, nếu phơi bày sự thật là ác thì ba đành chịu tiếng. Nhưng để rồi con xem, má con và bạn sẽ nghĩ lại và thay đổi.

Theo Võ Thuận
PNO