Đau đầu với con hay bắt nạt bạn ở trường
(Dân trí) - Quả là một cú sốc khi phát hiện đứa con bé bỏng của bạn lại đang bắt nạt một đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi đã kịp thời nhận ra, bạn cần phải giúp con học về sự quan tâm và tôn trọng.
Có những loại bắt nạt nào?
- Bắt nạt bằng lời nói: Lăng mạ, đe dọa hoặc chọc ghẹo.
- Bắt nạt sau lưng: Chơi những trò đùa khó chịu, tung tin đồn hoặc khuyến khích bạn bè xa lánh đối tượng bị bắt nạt.
- Bắt nạt bằng hành động: Đẩy ngã, làm vấp ngã, đánh hoặc làm hư hại tài sản thuộc về nạn nhân.
- Đe dọa trực tuyến: Sử dụng phương tiện kỹ thuật số để quấy rối hoặc làm nhục.
Dấu hiệu con bạn đang bắt nạt đứa trẻ khác
Nếu bạn nghi rằng con mình đang bắt nạt đứa trẻ khác, có một số dấu hiệu tiêu biểu như:
- Nói về những đứa trẻ khác ở trường một cách tiêu cực hoặc quá tích cực.
- Có tiền, đồ dùng điện tử hoặc những thứ khác không thuộc sở hữu của con.
- Giữ bí mật điện thoại di động hoặc che giấu máy tính.
- Cố tình gạt một số đứa trẻ khác ra khỏi nhóm bạn bè của mình.
Dù có nghi ngờ đến đâu thì không có dấu hiệu nào bên trên có thể giúp khẳng định chắc chắn con bạn là kẻ đi bắt nạt. Hãy nói chuyện với con để tìm hiểu xem bé có gặp vấn đề gì với những đứa trẻ khác ở trường hay không.
Phải làm gì nếu con là kẻ bắt nạt?
Bước đầu tiên là cha mẹ hãy thừa nhận con mình đang bắt nạt các bạn khác. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc nói chuyện với con. Cha mẹ cần làm rõ rằng bắt nạt luôn luôn sai, bất kể hoàn cảnh như thế nào.
Bước tiếp theo là nói với con rằng bạn muốn ngăn chặn hành vi bắt nạt. Con cần biết cha mẹ đang rất nghiêm túc trong vấn đề này và bạn sẽ giúp đỡ để con thay đổi hành vi.
Làm việc với nhà trường để ngăn chặn việc bắt nạt
- Hãy nói với con rằng cha mẹ sẽ nói chuyện với nhà trường để xem việc này có khiến con thay đổi hành vi hay không.
- Nếu cần hãy hẹn gặp giáo viên dạy con bạn để thảo luận về việc bắt nạt và hỏi nhà trường xem cần phải làm gì trong những tình huống này.
- Hỏi chuyên gia xem bạn có thể làm gì ở nhà để ngăn chặn việc bắt nạt.
Giúp con thay đổi hành vi và ngừng bắt nạt
- Làm gương cho con bạn bằng việc thực hiện các hành vi tôn trọng, quan tâm trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, cha mẹ cũng nên thể hiện sự tử tế và tôn trọng trên cả mạng xã hội của mình, nhất là khi con đang theo dõi tài khoản của bạn.
- Giúp con học cách thể hiện sự tức giận hoặc cảm xúc tiêu cực theo những cách lành mạnh. Hỏi xem có điều gì đang khiến con lo lắng hay không? Liệu con có sử dụng việc bắt nạt để truyền đạt trạng thái tức giận hay có tự tin với việc kết bạn và giữ tình bạn hay không.
- Nếu xảy ra mâu thuẫn với con hoặc một người khác, đây chính là cơ hội để chỉ cho con cách giải quyết xung đột một cách tích cực. Đừng quên lắng nghe con, thể hiện cảm xúc mà không phán xét và tìm cách thương lượng, thỏa hiệp.
- Cố gắng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa những người thân trong gia đình. Nếu có mối quan hệ nồng ấm, tích cực với cha mẹ, trẻ thường ít tham gia vào việc bắt nạt người khác.
Trà Xanh
Theo RC