Đau đầu tính tiền thưởng Tết cho "osin"

“Giúp việc nhà mình yêu sách đủ điều, vừa đòi thưởng cao vừa làm bát nháo, Tết này trả lương xong là chào thân ái luôn”, chị H. chia sẻ.

Để giữ chân người giúp việc nhiều gia đình sẵn sàng thưởng Tết cao hơn cả tiền thưởng ở cơ quan. Nhưng cũng không ít gia đình thưởng ít cho có lệ vì thời buổi kinh tế khó khăn, gia chủ cũng bị cắt giảm lương, thưởng ở công ty. Và cũng có những trường hợp, mượn thưởng Tết để đuổi khéo osin.

Thưởng 100 ngàn và chào tạm biệt

Không hài lòng với người giúp việc nhưng vì nể người quen giới thiệu nên chị H. (Đống Đa, Hà Nội) không dám cho nghỉ. Thế là nhân dịp Tết này, người giúp việc đưa yêu sách, vừa thưởng Tết cao, lại đòi nghỉ dài sau Tết, chị H. quyết định thay người mới.

“Cơ quan mình chưa thưởng mà bà ấy đã đòi thưởng trước để gửi về quê cho con sắm Tết. Mình chưa biết tính thưởng như nào vì bà ấy mới làm được 3 tháng thì bà ấy bảo “Năm ngoái bác được thưởng 5 triệu và một gói quá to”. Bảo mùng 7 bác lên vì mùng 8 mình đi làm rồi thì trả lời giọng rất trịch thượng “bác làm nhà ai cũng qua Rằm mới lên”, chị H. nói.

Chị H. cho biết, người giúp việc nhà chị chỉ việc trông con, không phải động chân vào việc nhà nhưng rất lười và chểnh mảng. Chị đặt máy ghi âm ở nhà xem tình hình thế nào thì thấy người giúp việc xem tivi cả ngày, để bé con tự chơi, nhiều lúc bé khóc bà cũng để mặc.

“Có lần đi làm về thấy bà ấy đang đứng buôn điện thoại, con bé nằm ngủ trên giường quần áo sộc sệch hở cả rốn mà bà ấy cũng không thèm đắp chăn cho. Thương con trời lạnh ngủ suông như thế, mình mới gọi bà ấy vào hỏi thì bà ấy trả lời: sao phải đắp. Ức đến tận cổ mà không làm gì được”, chị H. kể.


Người giúp việc coi Tết là cơ hội để nhảy việc thì một số gia chủ cũng coi đây là dịp để thay người làm (ảnh mang tính chất minh họa)

Người giúp việc coi Tết là cơ hội để nhảy việc thì một số gia chủ cũng coi đây là dịp để thay người làm (ảnh mang tính chất minh họa)

“Đến ngày về mình sẽ trả hết lương, mua một gói quà Tết, cho tiền tàu xe và mừng tuổi 100 ngàn rồi nói với bác là phải tìm người làm từ mùng 7 Tết, bác không đáp ứng được nên mình không thuê nữa. Mình càng nhịn, càng chiều thì họ càng lấn tới”, chị H. nói thêm.

Con đã đến tuổi gửi trẻ, không nhất thiết phải có người giúp việc nữa nên chị Lê (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng nhân Tết này cho osin nghỉ việc. Chị Lê bảo, đã chịu đựng đủ 2 năm, giờ có thể tự xoay sở được nên “giải thoát” luôn.

“Bà ấy là người quen ở quê chồng nên mình phải nhịn như nhịn cơm sống. Trông mỗi thằng bé 2 tuổi mà suốt ngày để nó ngã vì cái kiểu để cháu tự chơi, còn bà thì ngồi buôn dưa lê. Rồi cái kiểu suốt ngày kể làm ở nhà nọ nhà kia được mua quần áo, điện thoại, lễ Tết thưởng cả chỉ vàng. Ức ở chỗ là mỗi lần bà làm sai, mình nhắc nhở thì chồng bênh, còn bảo “muốn thế thì em tự làm đi”. Tết này trả hết lương, thưởng rồi bảo bà nghỉ luôn vì ra Tết đưa con đi gửi trẻ rồi”, chị Lê chia sẻ.

Cứng rắn trước những yêu sách

Tình trạng người giúp việc dùng chiêu đòi nghỉ dài để ép gia chủ thưởng Tết cao mới chịu ra làm sớm không phải hiếm. Nhiều gia đình vì muốn người giúp việc ra đúng hạn, thường đưa ra các phần thưởng thêm như đi làm trước mùng 7 thì thưởng 1 triệu, đi làm từ 7-10 thì 5 trăm ngàn, sau mùng 10 thì không có thưởng. Tuy nhiên, với những người đã có thâm niên thuê người giúp việc thì “kế sách” này chỉ khiến người giúp việc càng thêm “chảnh” và yêu sách hơn.

“Lần đầu tiên mình thuê người giúp việc cũng rất sợ chị ấy không ra đúng ngày, vì con nhỏ mà công việc mình bận không thể nghỉ ở nhà trông con được nên cũng thưởng chị ấy nhiều, rồi ra Tết còn thưởng thêm nếu đi làm đúng ngày. Thế là năm sau được đà, chị ấy lại đòi thưởng cao hơn. Mình năm đó đã thưởng thấp thì chớ, điên quá cho nghỉ luôn.

Qua mấy đời thay người giúp việc mình rút ra kinh nghiệm là phải rắn vào, đặc biệt là chuyện lương, thưởng. Mình đi làm cũng đâu dám yêu sách với sếp, người ta cũng đi làm như mình. Đương nhiên họ ở cùng mình nên quan hệ nó cũng gần gũi, thân thiết. Nhưng với người biết điều, hiểu chuyện thì mình không tiếc, người ta làm cho mình như nào thì mình sẽ trả xứng đáng. Có người nhiệt tình, thân thiện mình sắm cho cả điện thoại, cho đi du lịch cùng, không tiếc.

Nhưng với người yêu sách thì phải rắn để họ không dám léng phéng. Chuyện thưởng Tết thì tùy điều kiện gia chủ, thưởng 500 ngàn, 1 triệu, 2 triệu hay tháng lương thứ 13 là tùy ở gia chủ. Như công nhân cũng ối người bị nợ lương chứ đừng nói đến thưởng. Còn chuyện đi làm đúng ngày thì các bạn cứ nói với người giúp việc thế này: “Em cần người thì em mới tuyển chị. Em đi làm cũng chỉ được nghỉ 1 tuần, từ ngày này đến ngày này, đúng ngày này chị phải có mặt ở nhà em, nếu chị không làm được thì báo với em luôn bây giờ để em tính”.

Mình cần người ta thì người ta cũng cần việc làm. Mình đã áp dụng và thành công”, chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Theo K. Minh
Vietnamnet

 

Đau đầu tính tiền thưởng Tết cho "osin" - 2