Đâu cần mang tiền về cho mẹ, chỉ cần mang người về cho mẹ

Lê Giang

(Dân trí) - Mọi năm vào giữa tháng Chạp này tôi đã bắt đầu dắt con đi mua quần áo mới, đặt vé về quê, tính xem tết nội tết ngoại như thế nào. Năm nay, cũng tầm này, lòng lại cứ phân vân nên về hay nên ở lại.

Đâu cần mang tiền về cho mẹ, chỉ cần mang người về cho mẹ - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Một năm đại dịch quét qua, công việc đình trệ, ở nhà nhiều hơn ở công ty, có chút tiền tiết kiệm cũng phải rút ra trang trải cho những ngày thường. Hôm trước, mẹ tôi gọi điện hỏi "các con tầm hăm mấy thì về?". Tôi nhẹ trả lời: "Chúng con cũng chưa biết, năm nay dịch như thế, có khi không về mẹ ạ".

Đầu dây bên kia mẹ im lặng thật lâu rồi lại hỏi: "Khó khăn quá hả con? Càng khó khăn càng phải về chứ. Không phải lo chuyện tiền bạc tết nhất đâu, cứ mang người về đây cho mẹ là vui rồi".

Nghe mẹ nói, tự nhiên cười thật to, lời mẹ là vô tình từ tâm, hay mẹ cũng cập nhật xu hướng "mang tiền về cho mẹ" đang rầm rộ khắp mạng xã hội những ngày rồi? Kể ra có tiền mà mang về cho mẹ thì thật vui. Không phải ông bố bà mẹ nào cũng mong ngóng con mang tiền về cho mình, nhưng có thì vui chứ.

Tôi nhớ hồi bà nội tôi còn sống, mỗi khi tết về, con cháu mừng tuổi cho bà, bà rất vui. Con cái ở xa không về, gửi tiền về biếu bà, bà chống gậy đi khoe khắp xóm. Không phải bà khoe bà có tiền, mà khoe con mình thành đạt, khoe con mình có hiếu luôn quan tâm đến mẹ cha. Rồi số tiền bà nhận được từ con bà lại đem mừng tuổi cho cháu. Bà già rồi, bà chẳng đi đâu mà dùng tiền, nhưng bà thích tiền lắm. Bà dành tiền để mua quà bánh cho các cháu nhỏ, để làm phần thưởng cho những cháu lớn đang tuổi học hành.

Bố mẹ tôi ngày xưa cũng luôn nói với chị em tôi thế này: Chúng mày lo học hành cho ấm cái thân. Chỉ mong chúng mày trưởng thành, sống tử tế đàng hoàng. Chỉ cần chúng mày ra đời, có thể tự kiếm sống, không cần mang tiền về, nhưng đừng có suốt ngày về xin tiền là được.

Nói thì nói thế, chứ sau này khi chị em tôi học xong rồi đi làm, tháng lương đầu tiên mang về biếu mẹ vài trăm mẹ mừng rơi nước mắt. Từ ngày ấy tôi chợt nhận ra, có thể có tiền mà cho mẹ cha thật vui biết bao nhiêu.

Bố mẹ tôi là nông dân, bố mẹ chồng cũng là nông dân, một nắng hai sương cũng chỉ một năm hai vụ mùa lúa gạo đủ ăn. Vậy nên mỗi tết về, vợ chồng tôi thường sẽ bớt mua sắm linh tinh đi, còn tiền dành để biếu hai bên ông bà nội ngoại. Tết vì thế sẽ sung túc và đủ đầy hơn.

Tôi luôn nghĩ rằng phận làm con, không ở gần để sớm tối thăm nom nhưng thỉnh thoảng có chút tiền biếu ông bà là việc nên làm. Tôi luôn nghĩ mỗi năm được một cái tết, thà không về thì thôi, đã về thì phải có tiền mang về biếu cha biếu mẹ. Vậy nên năm nay, kinh tế khó khăn thế này, về quê chỉ sợ mình thiếu sót.

Nhưng có lẽ tôi đã suy nghĩ quá nhiều. Tôi đâu hay rằng mỗi khi bố mẹ mình vui nhất, không phải là khi cầm những đồng tiền mình đưa. Mà đó là khi bố dậy sớm pha cà phê rồi ngồi đợi con rể dậy cùng uống cà phê cùng chơi cờ tướng. Là khi mẹ nấu những món giản dị quê nhà, liên tục gắp thức ăn vào bát con gái, vui quá mà quên ăn. Là những khi sum vầy đủ cháu con, ông bà thi nhau nhắc lại những kỷ niệm hồi các con còn nhỏ dại.

Tôi nói với chồng: "Nói gì thì nói, tết vẫn nên về quê anh ạ. Đại dịch đem đến bao nhiêu thương đau. Bao nhiêu người tết nay đã không còn cha còn mẹ để về. Những chuyện khác cũng đừng nên lăn tăn suy tính quá". Chồng tôi cười thật nhẹ: "Ừ, phải về chứ. Tết là để về nhà" .

Tôi biết tết nay có nhiều gia đình giống như vợ chồng tôi, khó có thể lo một cái tết đủ đầy như trước. Nhưng có hề gì đâu khi biết mình luôn có những yêu thương đang đón đợi.

Có tiền thật tốt, nhưng có những thứ không đổi được bằng tiền. Đó là không khí gia đình, là ấm áp tình thân, là yêu thương san sẻ. Có tiền thật tốt, nhưng niềm vui đâu phải lúc nào cũng mua đổi bằng tiền. Tết nay có thể không có nhiều tiền để sắm quà, nhưng với mẹ cha, bản thân chúng ta đã là những món quà vô giá.

Lê Giang