“Đáo để” dâu mới

(Dân trí) - Hôm đầu tiên, vừa cưới xong đầy mệt mỏi, 6h sáng mình dậy đã thấy mặt mẹ hằm hằm, cho trận phủ đầu, nói như tát nước. Hôm sau, mình gắng dậy từ 5h30’ ra vẫn thấy mẹ như đang đâm lê, tiếp tục bài ca hôm trước. Có ai đáng thương hơn mình nữa?

 
“Đáo để” dâu mới - 1
Hình chỉ có tính chất minh họa.

Mà nhà có làm ruộng hay công to việc lớn gì cho cam. 6h mình dậy, quét dọn nhà cửa, rửa cốc chén, nấu ăn sáng xong còn chả biết làm gì nữa là… Cơ quan mình 8h vào làm, tới tấp trăm thứ việc chứ rảnh rỗi, nhàn tản đâu, mình cũng cần thời gian để nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, mẹ không hiểu cho điều đó.

 

Trước đám cưới một tuần, mẹ gọi mình đến, giáo huấn ba tiếng đồng hồ về việc mẹ có nói gì cũng không được cãi lại, mình chỉ cười và không ngờ rằng điều khoản ấy lại khắc nghiệt đến thế.

 

Trong buổi ấy mẹ còn kể công đã nuôi dạy anh khôn lớn ngần này bao vất vả, mình ngạc nhiên mà không dám nói: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng”, ai lại kể lể ra làm gì cho mất hết cái thảo đi, dễ thường bố mẹ mình không cực nhọc nuôi con trưởng thành hay sao, dễ thường sau này con cái mình đẻ xong cũng quẳng cho người đi đường chăm hộ chắc!

 

Rồi mẹ nhấp chén nước nói một tràng, nhà này do mấy mẹ con gom góp và cầm cố vay nợ xây nên, giờ anh có vợ rồi thì mẹ chuyển giao hết, về lo mà tích cóp trả nợ, mẹ coi như xong trách nhiệm. Lòng mình run rẩy nghĩ đến cảnh đang đẩy cả con mình, cháu nội bà chưa sinh ra, chưa kịp hưởng thụ gì đã choáng váng gánh một đống nợ ngân hàng. Thảm họa!

 

 Bố chồng đã mất nên chồng rất thương mẹ, nghe lời mẹ và có hiếu số một. Nói với chồng thì cũng vô ích, vì trước khi cưới anh từng vừa cười vừa bảo mình, biết điều và khôn ngoan ra thì được mẹ chồng tốt. Mẹ chồng cũng kín đáo đánh tiếng vậy, mình chạnh lòng mà chỉ dám tự nhủ, biết điều và khôn ngoan ra thì cũng được con dâu hiếu thảo, biết nghĩ đó thôi, hay mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chỉ là một chiều nhỉ?

 

Lần biết tin mẹ chồng là dân “chợ búa” đã có người gàn, song mình thì cho rằng nếu biết cách sẽ êm đẹp cả thôi. Trong chuyện này, mẹ đã phũ phàng, sổ toẹt như thế mà mình cũng “trả đũa” thì còn gì là luân thường đạo lý, nên mình im. Song, mình đâu phải phường mất nết, hư đốn gì mà mẹ thét lác, dâu bơ vơ mới về phải dậy cho biết phép tắc, lễ nghĩa nhà này. Giá mẹ tế nhị hơn, bảo con trai mẹ nói với mình phải dậy lúc mấy giờ, làm những việc gì… thì mình cũng chả phải buồn bã, nghĩ ngợi, hoặc mẹ nhỏ nhẹ góp ý thẳng với mình.

 

 

 

Dù sao cũng là lần đầu, vậy mà mẹ xa xả, la hét. Mà giọng mẹ, nói chuyện bình thường vốn đã to rồi, nay mẹ cố quát nên rất giống như mình vừa phạm phải một tội tày đình, khiến cho tình mẹ con thủa ban đầu đã có vết xước.

 

Do chẳng trăng mật, trăng ngọt gì nên mình đi làm luôn, mọi người hỏi han, trêu đùa về công cuộc làm dâu, có thế thôi mà nước mắt mình cứ trào ra, thành dòng nọ nối dòng kia, lát sau thì hai mắt đỏ quạch. Kể xong lý do bị mẹ mắng mà chúng nó cười bò ra, “5 rưỡi 6 giờ dậy mà còn bị nói thì chắc khỏi cần ngủ. Mà sao không bao biện, là do chồng con bảo chưa cần dậy?”.

 

Nghe thế mình càng buồn tợn, được chồng là đồng minh thì đã may phước. Giá lúc đó chàng nhảy ra phân trần hoặc nói đỡ cho vợ vài câu thì đã khác, đằng này chàng vừa ngáp vừa che miệng đi vào nhà tắm như không phải việc của mình. Phải rồi, ở nhà này, chỉ mình mình một chiến tuyến, chiến tranh mà bùng nổ hẳn đa số sẽ đè bẹp thiểu số.

 

Cô đồng nghiệp lại thẽ thọt: “Thôi chị cố xin ra ở riêng cho nhẹ lòng”. Phải gió con bé này, được ra riêng thì còn gì bằng, nhưng việc đó khó. Dù sau việc này mình đã tự nhủ, có phải bới đất lật cỏ, ở trọ chật chội nắng nóng, sống chung với chuột, gián, kiến, ruồi muỗi vẫn còn sướng hơn vạn lần giáp mặt hàng ngày với mẹ chồng.

 

Chả lẽ lại giống cô bạn mình, sau bao thời gian cố gắng làm công tác tư tưởng, nịnh nọt thậm chí cả đấu tranh với mẹ chồng mà rốt cuộc vẫn giơ cờ trắng xin hàng. Giờ cô ấy sống cùng con trai cô ấy, còn mẹ chồng thì sống cùng con trai mẹ chồng. Cuộc đời như chưa bao giờ đẹp hơn thế!

 

Chà, mình lại lẩn thẩn rồi. Mai dậy từ bốn rưỡi sáng (dù chẳng để làm gì và sau đó đến cơ quan thì gà gật) là được chứ gì? Còn sở thích gì của mẹ mà mình phải chiều nữa đây? Còn điều gì thất thố nữa không, hay lại thêm những “tội nợ” khác, liệu mình có kham được? Nhỡ “ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới” thì sao? Bế tắc thật! Thế mà mới có ngày làm dâu thứ ba thôi…

 

TSL