Đàn ông tử tế “đã chết“?
Ông trời quá bất công với chị khi không những bắt chị chịu đựng căn bệnh quái ác mà còn gắn cuộc đời chị với những người đàn ông phụ bạc.
Sinh ra ở miền quê nghèo trong một gia đình không êm ấm nên từ nhỏ chị đã thèm bàn tay của người cha, thèm hơi ấm của mẹ. Bố chị là thương binh. Trên chiến trường ông là một người anh hùng nhưng ở cuộc đời thì những vết thương tình cảm đã khiến ông yếu mềm.
Ông bỏ mẹ chị, người đàn bà đã chờ đợi ông mòn mỏi, đi lấy vợ khác. Chẳng biết cuộc sống nơi xứ người có làm ông thêm hạnh phúc, đủ đầy không nhưng người vợ từng tay ấp gối nồng với ông thì cô quạnh ở nhà một mình nuôi con.
Hoàn cảnh éo le vậy nhưng chị lớn lên đẹp rờ rỡ như một đóa hoa. Anh là mối tình đầu của chị, hai người yêu rồi cưới. Cô con gái đầu lòng càng tô điểm cho bức tranh hạnh phúc thêm rực rỡ sắc màu. Với chị, hạnh phúc chẳng mơ gì hơn thế. Chị chẳng cần giàu sang, chẳng tham danh vọng, chỉ cần cả nhà khỏe mạnh, yêu thương nhau. Hạnh phúc tràn ngập trong tâm trí chị lúc ấy.
Những tưởng cuộc đời đã bao dung với chị. Nhưng ngày con gái lên 9 tuổi, chị mắc bệnh suy thận. Căn bệnh đó được ví như “bệnh nhà giàu”. Một tuần 3 lần chị phải vào viện chạy thận. Làng quê nghèo chẳng đủ điều kiện để điều trị lâu dài. Chị phải lên Hà Nội chạy chữa. Thủ đô sao hào nhoáng, tráng lệ nhưng vật giá quá đắt đỏ. Tiền đi lại, tiền thuốc thang, tiền ăn, tiền ở… - những con số đó lại làm chị choáng váng.
Đứa con nhỏ dại của chị ở nhà thiếu thốn đủ thứ. Vậy mà một mình chị trên này lại tiêu tốn hàng triệu thứ tiền. Chị ngại ngùng, chẳng dám kêu than một lời với chồng. Chị mong anh hiểu cho chị, thương lấy chị. Nhưng sự đời không như chị mong đợi. Một ngày, anh quyết tâm rũ bỏ chị. Anh thảo sẵn một lá đơn ly hôn chờ chị ký kèm những lời lạnh nhạt, sâu cay như cứa vào tim chị: “Mày giờ là phế nhân không làm ra tiền thì tao đi lấy vợ khác”. Chị lặng người không biết nói gì…
Một thời gian sau đó, chị nghe tin anh lấy vợ hai. Sống đã gần nửa đời người, chị vẫn phải phụ thuộc vào mẹ, nhờ mẹ đùm bọc đứa con thơ. Chị bảo chẳng biết kiếp trước chị đã mắc tội gì mà kiếp này số phận những người đàn bà trong gia đình chị lại chịu sự đày đọa của bệnh tật, của đàn ông như thế.
Nếu sự đau đớn của thể xác là một phần thì con tim chị đau gấp mười phần. Lòng chị quặn thắt khi thấy mẹ già hàng tháng vẫn phải đi làm trong lò gạch kiếm một triệu rưỡi nuôi cháu.
… Năm tháng trôi qua, đứa con gái đã học đến lớp 11. Chị vẫn lăn lộn mưu sinh bằng những chén nước chè, những cốc trà đá ở cổng bệnh viện để nuôi thân qua ngày. Ở trong một xóm trọ tồi tàn, chị cố gắng sống tiếp những ngày tháng tủi cực. Nỗi đau trong tim cũng nguôi ngoai dần. Người chồng kia có giàu sang hay không, người cha kia có hạnh phúc hay không, chị chẳng muốn biết. Với chị, đàn ông như đã chết rồi…
Theo Mỹ Hạnh
Pháp luật Việt Nam