Đàn ông sau ly hôn (2): Yếu đuối và dễ “gục” hơn phụ nữ

Đàn ông vẫn thường được xem là mạnh mẽ, là trụ cột, là điểm tựa tinh thần cho phụ nữ. Thế nhưng nhìn cách họ ứng xử sau ly hôn thì thấy rằng, có nhiều đàn ông lại là người yếu đuối hơn phụ nữ.

Biểu hiện của sự yếu đuối đầu tiên đó là, đa số đàn ông đều không muốn ly hôn. Họ không muốn ly hôn không hẳn là vì không muốn xa rời vợ mình mà họ sợ phải đối mặt với tình cảnh chia lìa. Đàn ông cũng thường là người tìm cách nối lại mối quan hệ với vợ cũ sau ly hôn. Có những ông chồng còn dùng dằng với vợ cũ bằng cách đe dọa, hoặc sử dụng bạo lực. Hình thức là sự hung hăng nhưng bản chất là họ đang ở trong tình thế không chịu đựng nổi cuộc sống đơn thân.

Đàn ông thường không chịu nổi cuộc sống đơn thân. Ảnh minh họa
Đàn ông thường không chịu nổi cuộc sống đơn thân. Ảnh minh họa

Có những người có một thực tế khá lạ lùng là đối mặt với vấn đề ly hôn và sau ly hôn, đàn ông lại dễ gục ngã hơn phụ nữ.

Chuyện của anh Nguyên Mạnh, 45 tuổi, công tác trong ngành xây dựng cầu đường có trụ sở tại Hà Nội là một ví dụ điển hình. Anh Mạnh lấy vợ năm 25 tuổi. Vợ chồng anh sinh được hai người con. Lấy nhau được 15 năm thì vợ chồng anh ly hôn. Vợ anh Mạnh là người chủ động gửi đơn lên tòa án.

Trong quá trình gửi đơn lên tòa án để chờ làm thủ tục ly hôn, chị Lan, vợ anh Mạnh đã tìm đến Báo Gia đình & Xã hội để xin được tư vấn.

Theo thông tin mà chị Lan cung cấp cho PV Báo Gia đình & Xã hội, anh chị lấy nhau, hạnh phúc chưa được bao lâu thì vợ chồng suốt ngày xung đột mâu thuẫn. Lúc vì tài chính “tiền anh, tiền tôi”; lúc vì ghen tuông nghi kỵ, lúc vì những chuyện không đâu…

Từ những mâu thuẫn vặt vãnh ban đầu dẫn đến những cuộc cãi vã xúc phạm nhau. Anh Mạnh đã nhiều lần đánh chị Lan. Có lần chị Lan đã đưa chuyện mình bị chồng bạo hành lên cơ quan chồng. Lần đó anh Mạnh đã phải làm kiểm điểm trước cơ quan, hứa lên hứa xuống rút kinh nghiệm nhưng câu chuyện bạo lực với vợ lại tái diễn sau đó.

Không chỉ bị chồng bạo hành về thể xác, chị Lan còn bị bạo hành về tinh thần và tình dục. Có những đêm đang ngủ, chị bị chồng dựng dậy đòi làm “chuyện ấy”. Vì tình cảm chẳng còn nên mỗi lần phải ân ái với chồng, chị Lan cảm thấy mình như bị cưỡng hiếp.

Chịu không thấu, chị Lan đã kiên quyết đưa đơn ra tòa. Sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa án đã quyết định giải quyết ly hôn theo yêu cầu đơn phương của chị Lan.

Sau ly hôn, theo sự phân chia của tòa án, đứa con trai lớn ở với anh Mạnh, đứa bé 7 tuổi ở với chị Lan. Nhưng ở với bố chưa được một năm thì đứa con trai lớn xin bố về ở với mẹ.

Về phần tài sản, căn nhà của vợ chồng anh Mạnh được chia đôi. Căn nhà bán được 2 tỷ đồng, tòa án chia đôi số tiền đó cho anh Mạnh và chị Lan.

Thời gian mới ly hôn, chị Lan đến nhà một người bà con ở nhờ. Trong khoảng thời gian đó, chị Lan tìm mua đất ở khu vực xa trung tâm chỉ với 1/3 số tiền được chia sau ly hôn. Số tiền còn lại, chị dùng để xây nhà và làm vốn dự phòng.

Năm năm sau khi ly hôn, cuộc sống của chị Lan như được “đổi đời”. Ba mẹ con chị sống trong ngôi nhà tuy hơi xa trung tâm thành phố nhưng khang trang và đầy cây xanh. Chị như trẻ ra cả chục tuổi. Thỉnh thoảng chị Lan vẫn liên lạc với chúng tôi như những người bạn. Khi được hỏi “có bao giờ chị có ý định cho chồng nối lại tình xưa” thì chị Lan xua tay lia lịa rồi nói: “Em cho chị xin hai chữ bình yên đi!”.

Chị Lan kể rằng, sau ly hôn, chồng chị cũng “cặp” với một vài người nhưng chỉ “cặp” thôi chứ không cưới. Trong khi chị đã ổn định cuộc sống độc thân một cách đàng hoàng hơn, vui sướng hơn thì anh Mạnh vẫn “lang bạt kỳ hồ”, không cửa không nhà, suốt ngày rượu chè bê tha.

Những lần gia đình có công chuyện như giỗ chạp, cưới xin, vợ chồng anh Mạnh lại gặp nhau. Nhiều người thấy cảnh anh Mạnh côi cút tội nghiệp nên đã tìm cách “nối lại tình xưa” cho vợ chồng họ nhưng đều không thành vì chị Lan không muốn.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội), mặc dù là phái mạnh nhưng sau ly hôn đàn ông thường khó lấy lại thăng bằng hơn phụ nữ. Không riêng gì đàn ông Á Đông, đàn ông phương Tây cũng trong tình cảnh này.

Trường hợp điển hình nhất là vụ ly hôn lịch sử của cặp đôi diễn viên nổi tiếng bậc nhất thế giới Angelina Jolie và Brad Pitt. Đây là cuộc ly hôn để lại nhiều nuối tiếc nhất trong lòng người hâm mộ.

Angelina Jolie bắt đầu đệ đơn ly hôn từ tháng 9/2016. Thời gian mới đệ đơn ly hôn, Angelina Jolie tỏ ra là người bị suy sụp tinh thần nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại phong độ ngay sau đó chỉ ít tháng. Người bị suy sụp thực sự mới chính là Brad Pitt.

Nam diễn viên này không chỉ thể hiện sự đau khổ trước thái độ quyết liệt của Angelina Jolie mà anh dường như phải “cầu xin” cô trong những chuyến bay đi bay về để được gặp các con. Mãi phải gần 2 năm sau, chàng Pitt đẹp trai này mới có thể xuất hiện trở lại với fan hâm mộ bằng bộ ảnh nghệ thuật của mình.

Vì sao đàn ông vốn được coi là phái mạnh lại tỏ ra yếu đuối như vậy sau ly hôn?

Theo các nhà tâm lý, sở dĩ đàn ông có vẻ như “yếu đuối” hơn sau ly hôn là bởi họ thường chịu nhiều áp lực hơn phụ nữ về mặt định kiến cũng như tình cảm với con cái. Sau ly hôn, dư luận thường tỏ ra khắt khe với đàn ông hơn với những quan niệm như “đàn ông bỏ vợ là đàn ông tồi nhưng bị vợ bỏ còn tồi hơn”, “Đàn ông chẳng ra gì thì vợ mới bỏ”…

Không những vậy, do đặc điểm tâm lý khó chia sẻ, khó tâm sự nên đàn ông thường khó giải tỏa nỗi buồn cũng như những cảm xúc bị đè nén với bạn bè, người thân và những người xung quanh. Chính sự im lặng của đàn ông khiến cho họ khó quên đi dư âm đau buồn của cuộc ly hôn nhiều mất mát và đau đớn.

Ngoài ra, do thói quen “ít gắn bó chăm sóc con cái” nên sau ly hôn, đàn ông thường gặp khó khăn nếu phải chăm lo con cái. Thậm chí tệ hơn là, con cái thường muốn được ở với mẹ hơn, không chỉ vì mẹ chăm lo chúng tốt hơn mà ở bên mẹ, những đứa con cảm thấy được an toàn hơn.

Bởi vậy mà việc ly hôn dường như đồng thời đã “chặt đứt” sợi dây tình cảm yêu thương của con cái đối với đàn ông, khiến họ trở nên đơn độc hơn. Đó là chưa kể đến việc đàn ông khó “tự lập”, tự lo chuyện cơm nước nhà cửa cho mình để sống cuộc đời độc thân như… phụ nữ.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội