Đàn ông nịnh vợ

Đi phỏng vấn mấy quý ông trong ngày 20-10 vừa qua, xem họ tặng vợ cái gì và nịnh vợ như thế nào. Một ông gắt lên: “Sao tôi phải nịnh?”

Rồi ông lại dịu giọng xuống: “Cả đời bà ấy phải chăm sóc, nịnh chồng con, bây giờ mình động viên một chút, mua vài bông hoa lẳng lặng về cắm ở nhà, thế thôi!”.
 
Đàn ông nịnh vợ - 1


 

Kể ra như vậy cũng là “thành tích” lắm rồi. Còn nhớ ngày để tặng và nhớ ra công lao vợ mình suốt đời nịnh chồng con, vậy là còn hơn cả thưởng huân huy chương. Chứ nhiều bà vợ quần quật vất vả chăm chồng nuôi con mà ông chồng có thấy gì đâu. Hầu chồng hầu con là lẽ tự nhiên, mở mắt ra ông đã thấy bà mẹ mình như thế rồi, đàn bà không vậy mới là chuyện lạ.

 

Hỏi một ông khác, ông ta cự lại ngay: “Nịnh cái gì? Phải biết xu hướng của vợ đã. Đi sai xu hướng có khi lại nguy hiểm”. Là bởi xưa nay mình có nịnh đâu, bây giờ bỗng nhiên nịnh, vợ nghi ngay. Nghi ngờ một là đang hí hửng lên chức hoặc vớ được món tiền gì đó. Hai là vừa mắc lỗi lớn, bồ bịch với ai, nên về nhà nịnh vợ để bù lại hoặc là một hình thức sám hối. Thế là chết, lạy ông tôi ở bụi này. “Cho nên ngày thường sống thế nào, nay cứ như vậy, chứ tự nhiên tử tế quá, sinh nghi ngay!”.

 

Thì ra là sự tử tế lại là hành vi bất thường, bị vợ nghi ngờ. Xưa nay ông ấy đâu có tử tế gì. Đi là đi, về là về, chẳng bao giờ “thưa trình”, chẳng để ý xem vợ con sống thế nào, chẳng bao giờ quà cáp. Thậm chí đi xa cũng chẳng thèm gọi điện. Sống vô tư thế, cứ nghĩ mình không bồ bịch là may cho bà vợ lắm rồi. Là bởi đàn ông bây giờ hư quá, nên mình “hư vừa vừa” đã là thành tích lớn lao lắm rồi.

 

Chẳng nghe các bà than phiền với nhau đó thôi: “Ông nhà chị chỉ rượu chè lười biếng, bẩn thỉu bừa bãi, sao cũng được, chứ ông chồng của em cái gì cũng tinh thông hơn người, chỉ mỗi tội bồ bịch thôi. Thà ông ấy mắc tất cả các thói tật, chỉ cần không bồ bịch là em tha tất cả!”. Đó, thấy chưa. Rõ ràng không bồ bịch đã là “chỉ có từ ngoan trở lên”.

 

Một người khác thì nói: “Nịnh vợ dễ ợt. Vì phụ nữ dù tác oai tác quái đến mấy cũng rất dễ mủi lòng trước sự bày tỏ tình cảm của chồng con. Cái gì con cho cũng quý. Cho con tất cả cũng chưa là gì, nhưng chỉ cần con cho một thứ gì là đem khoe ngay. Thậm chí có bà rất giàu, tiền như nước, nhưng đi đâu cũng khoe đồ con cho. Thậm chí đi du lịch chụp phong cảnh cũng phải chú thích: “Rome - chụp bằng ipad con cho”.

 

Một bà khác thì khoe: “Ông xã mới… cắt tóc cho!”. Bà còn vui vẻ nói với các bạn: “Ông xã tôi nói, em thì đẹp làm sao được, chỉ cần sạch sẽ… đẹp trai khôi ngô là đủ. Ông ấy tiếu lâm vậy đó”. Bà ta thuyết minh về mái tóc cắt tém của mình như vậy. Ai dám nói ông ấy nịnh vợ? Thế mà cú nịnh ấy rất hiệu quả, bà vợ quên sạch cái gì làm bà bực mình từ trước tới nay. Cái giá để nịnh vợ thật ra rất rẻ, nhiều khi không tốn xu nào.

 

Thế mới biết đàn ông… dại dễ sợ. Nịnh vợ không tốn xu nào, lại đem đến cho mình bao nhiêu cái lợi, tính theo kiểu đầu tư kinh tế thời thượng thì không gì lời bằng. Có đi lướt sóng vàng, cổ phiếu thì cũng phải nghĩ nát óc hao tổn thần kinh, lại còn may rủi. Đằng này nịnh vợ thì lãi ròng cả một kiếp người, vậy mà nhiều ông không nghĩ ra.

 

Nhiều ông nhìn vợ như một thứ tai ương, nói xấu vợ đủ điều, mắt liếc ngang liếc dọc các bóng hồng, cứ tưởng bở. Nào là họ đẹp, mặn mà duyên dáng hớp hồn, say như điếu đổ. Có biết đâu là “thuốc độc” nằm trong cái đẹp. Chạy theo chiều chuộng, vui buồn hồi hộp, xin chết… hóa ra chỉ là các chiêu họ tung ra để vét sạch ví tiền.

 

Khi về già, đau yếu, hết tiền, đời gặp tai ương, thì lại chỉ có… “con sư tử” ở nhà đỡ lấy. Bà vợ đem cái xác thân bại danh liệt ấy về mà nuôi nấng, phụng dưỡng. Bà ấy quên, hoặc nói đúng hơn là xóa tội hết cho ông chồng. Lúc đó thì chẳng thấy em nào đoái thương.

  

Suy nghĩ đến đây thì nhiều người nói: “Vậy hóa ra chính đàn bà mới… dại dễ sợ. Dại nữa. Đi buôn bán thì giỏi, tính ra lời lãi từng xu, vậy mà đối với chồng con thì toàn nhận lấy… lỗ”. Có một câu mang tính “thần chú” rất hiệu nghiệm, mà đàn ông lại dại dột không dùng. Đó là câu “vợ tôi thật tuyệt vời”. Vợ anh ta được khen lại càng “ho hen chẳng còn” càng ra sức cố gắng và trở thành tuyệt vời thật.

 

Là vì “nhân bảo như thần bảo”, anh nói ra là thành sự thật liền. Nhưng vì sao đàn ông không dùng, hoặc có dùng thì rất hà tiện lời khen? Là vì, với đàn ông, họ sợ nói câu này thì như tự hạ thấp mình, mình kém hơn. Sau nữa, nói ra câu này, các em sẽ không bám theo nữa. Là vì, ông ta rất yêu vợ, rất hạnh phúc. Câu nói ấy trái với lẽ cư xử thông thường của các ông hễ mở miệng là chê vợ. Nhiều ông có vợ rất đàng hoàng cũng vẫn cứ chê, cứ than phiền, để các em rủ lòng thương, để cho sự phản trắc của mình đâm ra có lý.

 

Không biết giữa đàn ông và đàn bà, ai… dại hơn?

 

Theo Quảng Yên

Doanh nhân SG cuối tuần