Dân mạng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ qua những bức ảnh Tết thời thơ ấu

Tết của những ngày xưa đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng đủ sức gợi cả một trời thương nhớ đối với không ít cư dân mạng.

Còn gần 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, cùng với không khí náo nhiệt, sôi động của những ngày giáp Tết, cộng đồng mạng cũng rần rần chia sẻ những bức ảnh Tết xưa.

Khác với những ngày Tết khi xưa, cuộc sống hiện tại giờ đầy đủ hơn, sung túc hơn nhưng dường như ai ai cũng khẳng định rằng: Niềm vui háo hức được chờ đón đến ngày Tết không còn như xưa nữa.

Nếu Tết xưa, trẻ nhỏ hồ hởi đón chờ áo mới, người lớn tất bật với nồi bánh chưng, với cành đào, tranh hoa... thì Tết nay người người, nhà nhà vẫn cặm cụi với công việc thường ngày.

Một trong những bức ảnh Tết sum vầy.
Một trong những bức ảnh Tết sum vầy.

Đó cũng chính là lý do mới đây, một topic đã được mở ra để cư dân mạng cùng ôn lại kỷ niệm của những ngày Tết xưa cũ. Kèm với hàng loạt bức ảnh được sưu tầm lại, là dòng chia sẻ: “Lớn lên, cuộc sống ngày càng có nhiều nỗi lo nên cảm xúc dành cho ngày Tết không còn trọn vẹn, háo hức như những ngày nhỏ. Còn nhớ vào cách đây chục năm, cứ đến Tết là đám con nít lại "ăn vạ" phụ huynh đòi quần áo mới, các mẹ thì tất bật mua thịt mua nếp nấu bánh chưng, các bố thì cứ đi ra đi vào cả ngày để chăm cho cây đào, cây quất trước nhà. Tết khi xưa giản dị, đơn sơ nhưng chẳng ai có thể quên được".

Chỉ sau ít giờ đăng tải, topic này đã nhận được hơn 2, 2 nghìn lượt like, cùng với đó là hàng nghìn bình luận đóng góp những bức ảnh Tết xưa của cư dân mạng.

Có lẽ, hiếm có bức ảnh Tết nào mờ và nhòe lại trở nên thu hút đến vậy. Những cảm xúc, những niềm vui và sự ấm áp vẫn lan tỏa trong lòng các thành viên tham gia topic.

Tết hơn 20 năm về trước. Ảnh: Facebooker Giang Hương Hà
Tết hơn 20 năm về trước. Ảnh: Facebooker Giang Hương Hà

Ngắm những bức ảnh này, thành viên Dũng Lê bày tỏ: “Nhớ cái Tết ngày xưa thật, lúc đó nghèo nhưng ý nghĩa biết bao. Áo mới được mua cứ không mặc, phải đợi đến 30 Tết mới lôi ra mặc, rồi chạy ra xóm chơi với nhau, rồi đợi xem bắn pháo hoa. Giờ Tết sắp đến mà chả thấy háo hức nữa. Có lẽ lớn rồi nên chả trông chờ gì Tết”.

Ngắm nhìn những bức ảnh này, ký ức ngày Tết lại ùa về. “Ngày nhỏ, Tết hai anh em được may quần áo mới thích lắm. Chờ gần giao thừa đem ra mặc, đón xong giao thừa lại cởi ra đi ngủ. Sao cái thời thiếu thốn nó lại vui đến thế, nhớ mãi tiếng pháo đêm giao thừa, nhớ mãi mùi ngai ngái của thuốc pháo... Giờ càng lớn càng thấy sợ Tết”, thành viên Phạm Văn Phong bồi hồi nhớ lại.

Có lẽ, những hình ảnh trong topic này đã khơi gợi “nỗi nhớ, niềm thương” của rất nhiều người. Giống như cảm xúc của thành viên Khanh La: “Xưa mong Tết để có quần áo mới, để được ăn nhiều thịt, để được ăn nhiều kẹo, để được lì xì, để không phải học bài… Giờ thì người trẻ ngày nào cũng ăn ngon, bánh kẹo nhiều vô kể, quần áo đổi mốt liê tục, bánh chưng thích thì ra chợ mua lúc nào cũng có…”. Vậy nên, có lẽ cảm xúc Tết với nhiều người không còn như xưa nữa.

Không chỉ gợi lại kỷ niệm thương nhớ, bức ảnh Tết xưa đã khiến nhiều người xa quê day dứt không nguôi. Xa quê hương đã 6 năm, thành viên Thái Bảo Phan chia sẻ: “Nhà mình ở Hải Dương. Nhà có cái vườn bà nội ngày xưa trồng chuối giờ không trồng nữa. Cứ Tết về cả họ lại chung vào nấu bánh chưng. Bác mình gói bánh đẹp nhất, vuông và đều. Còn mình và bố có niệm vụ trông nồi bánh. Mọi người thử xem giữa thành phố vẫn có nồi bánh chưng nhà nấu. Bố với các bác dựng cái lán ngồi đánh tam cúc còn mấy anh chị em thì nướng khoai. Cuối cùng khoai chưa kịp chín mình lăn ra ngủ mất. Giờ xa quê hương 6 năm rồi, chưa được ăn cái Tết nào ở quê nhà”.

Và có lẽ, những cảm xúc về ngày Tết xưa vẫn cứ kéo dài vô tận, khi mỗi người đều lắng đọng trong tâm trí mình ký ức khó quên. Tết xưa, dù nghèo khó, dù thiếu thốn nhưng chính là thời điểm ai ai cũng mong chờ nhất trong năm. Tết trở thành khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong tâm trí mỗi người.

Tết năm 1997. Ảnh: Thảo Dương
Tết năm 1997. Ảnh: Thảo Dương

Ảnh: Tâm An Lạc
Ảnh: Tâm An Lạc

Ảnh: Trần Mai Thảo
Ảnh: Trần Mai Thảo

Tết năm 2000. Ảnh: Hayee Nguyen
Tết năm 2000. Ảnh: Hayee Nguyen
Ảnh: Trần Hoàng
Ảnh: Trần Hoàng
Ảnh: Gã Đầu Bạc
Ảnh: Gã Đầu Bạc

Theo Hà Linh
Dân Việt