"Đàn bà lấy chồng: Nhà chồng có chửi cũng phải im"?
(Dân trí) - Cô con dâu nhà hàng xóm mấy hôm nay bỏ về nhà mẹ đẻ, sau khi nhảy lên một trận cãi mẹ chồng. Hình như là hết chịu nổi.
Mấy bà mẹ chồng trong lúc ngồi đầu ngõ chờ mua muối với lá mùi gánh dong, được dịp túm tụm hỏi han bà bạn già, đồng thời tranh thủ nói xấu nàng dâu trẻ: "Đời thủa nhà ai, thuyền theo gái lái theo chồng, đàn bà đã lấy chồng, cả nhà chồng có đánh chửi vào mặt cũng phải im, thế mà lại nhảy lên tay đôi với mẹ chồng, hỏng quá!".
Rồi bà mẹ chồng than nhà mình vô phúc, con dâu vừa lười vừa láo, nói mãi cũng như nước đổ lá khoai. Đúng là với con dâu, bà cứ phải nói mãi thật. "Mày ăn cơm hay ăn cám mà ngu như lợn" - ngày nào cũng nói, hình như càng nói càng khó vào, không thấm đâu cho được.
Lại có chuyện anh con rể nhà một bà trong xóm, vì vợ bầu bì nên cả đôi dọn sang nhà ngoại ở. Bà mẹ vợ chiều con rể lắm, có gì ngon cũng phần con rể trước, mời con rể trước, việc to việc nhỏ đều làm hộ con rể, đến đôi tất con rể tháo ra chưa kịp vứt vào máy giặt bà đã đi thu gom hộ rồi. Cũng lại trong câu chuyện của các bà mẹ lệ khệ già, phải chiều con rể, không thì con gái mình nó khổ. Chiều chuộng là thế, mà cuối cùng anh con rể vẫn bắt vợ dọn về, không ở nhà ngoại nữa, vì bố vợ góp ý con rể hay đi sớm về khuya. Đàn ông mà, tự trọng cao như núi sao chịu người khác sửa lưng. Sát ngày con gái đẻ rồi chúng nó còn dọn đi, bà cứ mếu máo sợ con rể nó lại "hành" con mình.
Mới thấy rằng, cái cách người Việt mình ứng xử với con dâu, con rể, sao mà khác nhau xa thế. Cùng là con, nhưng con rể được xem là khách quý. Con dâu mang tiếng "con trong nhà" nhưng đối đãi nhiều khi chẳng bằng con ở. Cô ấy vừa phải biết nấu cơm, rửa bát, quét nhà, dọn nhà, giặt giũ, biết đẻ con, chăm con - tất nhiên mọi việc đều không công - lại vừa phải biết nín nhịn, chịu nhục, bất chấp thái độ nhà chồng với mình có ra sao đi nữa.
Khi một người đàn ông lấy một người đàn bà, người phương Tây tập trung vào chính cuộc hôn nhân ấy thôi: Họ đối đãi với nhau thế nào, trân trọng, yêu thương nhau ra sao, từ đó mà nhìn ra họ có thể ăn đời ở kiếp được hay không. "Người Ta" thì, theo sau một cuộc hôn nhân là chằng chéo đủ thứ quan hệ, với bố mẹ chồng, anh chị em chồng, thậm chí họ hàng hang hốc nhà chồng. Yêu một người, phụ nữ phải kéo theo cả đại gia đình anh ta vào đời mình, cùng một định kiến to đùng "có sao cũng phải nhịn". Và nếu các quan hệ chằng chéo ấy không suôn sẻ, thì cuộc hôn nhân cũng có thể đổ vỡ theo.
Phụ nữ trông chờ gì ở đời sống hôn nhân như thế, trong khi họ cũng có cha mẹ, có người mang nặng đẻ đau sinh ra mình, hết lòng yêu thương chăm sóc mình, để rồi đến lúc lấy chồng lại phải chấp nhận hạ thấp giá trị bản thân, thậm chí bị chà đạp, như thế khác nào hắt đi hết cả công lao trời bể của cha mẹ chăm bẵm cho mình?
Phụ nữ, chẳng khác gì đàn ông, cần sống thật hạnh phúc. Được sinh ra như nhau, có cơ hội ngang nhau, đóng góp xã hội như nhau, chẳng có lý do gì phải chấp nhận những lề lối cổ hủ ghì vít lấy đời mình. Đã đến lúc bỏ đi mọi suy nghĩ cổ hủ mà lâu nay người ta cứ cho là đúng (mặc dù chẳng biết vì đâu nó còn được cho là đúng) về sự nhẫn nhịn nên có của người phụ nữ trong gia đình. Đừng tin bạn nhẫn nhịn có nghĩa là bạn "đẹp một vẻ đẹp Á Đông". Nhớ rằng trước khi làm vợ, bạn là một con người đã, có nhu cầu sống hạnh phúc, được yêu thương và trân trọng. Một gia đình đòi hỏi người phụ nữ phải nhẫn, phải nhịn, phải nhục, thì không xứng đáng là một gia đình.
H.A