Đàn bà hay đố kị
Tôi bảo mẹ chồng: “Má thương tụi nó chớ không thương con. Tại vợ thằng út biết nói ngọt, còn con thì không. Con biết má thương nó nhiều hơn; thậm chí, má chỉ la rầy nó chớ có bao giờ la rầy con đâu?”.
Mẹ ở với chúng tôi nhưng cuối tuần nào, vợ chồng thằng út cũng đưa con về thăm bà. Có những hôm, bận việc, họ không về thì bà cụ lại bắt chồng tôi chở sang bên đó. Thỉnh thoảng, bà lại ngủ luôn bên ấy đến sáng thứ hai mới về.
Một hai lần thì không sao, nhưng lâu dần, tôi thấy bực. Trước tiên là tôi bực với cô em dâu - vợ thằng út. Cô ta thật khéo biết lấy lòng mẹ chồng. Đến nỗi, khi ở nước ngoài gởi quà về, mẹ chồng tôi lại dành dụm cho vợ chồng thằng út; thậm chí, khi thấy tôi có đồ đạc gì mới, bà lại nói xa gần muốn xin cho cô dâu út. Hỏi tôi không bực mình sao được?
“Em ghét cái kiểu đút nhét của má. Việc gì cứ phải chăm bẵm cho tụi nó như vậy?” - tôi bực bội bảo chồng. Anh cười: “Em là chị, sao lại so bì với em út? Tụi nó nghèo, má lo là đúng rồi”. “Nếu muốn giàu, sao không bỏ nghề đi kinh doanh?”. “Em lại nói sai rồi. Tụi nó thích dạy học chứ có thích làm giàu đâu?”. “Đã vậy thì má đừng lấy đồ của tôi đem cho tụi nó” - tôi dấm dẳng.
Biết tôi bực nên có lần, tôi lén nghe chồng tôi bảo mẹ: “Mấy thứ đồ đạc vợ con cho má, má không xài thì để đó, đừng đem cho ai, vợ con biết được nó buồn”. Mẹ chồng tôi hỏi lại: “Tao có cho ai đâu?”. “Là con nói vậy thôi. À, má còn tiền tiêu vặt không, con đưa thêm cho má?”. Vừa nghe con trai nói vậy, mẹ chồng tôi hí hửng: “Ừ, con có thì cho má. Tiền tụi con cho, má dành dụm chớ có tiêu xài gì đâu? Hôm trước thấy nhà thằng út bị ngập, má cho tiền tụi nó, bảo nâng cái nền nhà lên nhưng nó chưa đủ tiền nên chưa làm”.
Nghe vậy, tôi tức tốc chạy sang nhà em chồng: “Má già rồi, có chút tiền anh chị cho má dưỡng già, sao chú thiếm còn lấy của má? Làm vậy mà coi được à?”. Em chồng tôi lắc đầu: “Tại má nói quá, sợ má giận nên vợ em phải lấy cất cho má chớ tụi em không xài gì đâu”. Tôi tiu nghỉu: “Nhưng má nói nhà chú thiếm bị ngập phải nâng nền...”. “Chị ba yên tâm. Tụi em cũng đã dành dụm được một ít rồi. Chừng nào đủ, tụi em mới làm”. Tôi nghe vậy thì nửa tin, nửa ngờ: “Lương giáo viên của chú thiếm, không đủ ăn, lấy đâu mà dành dụm? Không lấy tiền của má thì kiếm đâu ra?”.
Vợ chồng thằng út không nói gì nữa nên tôi càng tin chắc chuyện má tôi đưa tiền cho họ là có thật. Tôi bảo chồng: “Tôi lo cho má mà cái gì má cũng đút nhét cho tụi nó”. Chồng tôi gay gắt: “Em thôi đi. Anh ghét cái từ đút nhét của em quá”.
Chẳng biết mẹ chồng tôi có nghĩ gì không mà một hôm bỗng đòi qua nhà thằng út ở chơi vài hôm: “Bên kia còn có hai đứa nhỏ hủ hỉ, vợ thằng út cũng hay ở nhà nên má thấy vui. Chớ ở bên này, tụi bây đi từ sáng tới tối, tao ra vô chỉ có một mình...”. Đến nước này thì tôi hết chịu nổi. Tôi bảo mẹ chồng: “Má thương tụi nó chớ không thương con. Tại vợ thằng út biết nói ngọt, còn con thì không. Con biết má thương nó nhiều hơn; thậm chí, má chỉ la rầy nó chớ có bao giờ la rầy con đâu?”.
Mẹ chồng tôi nghe vậy thì bật cười: “Con nói cái gì vậy? Nó bầy hầy, nhà cửa không gọn gàng, ăn nói bỗ bã, chưa đi đã chạy... nên má mới phải rầy dạy. Còn con có gì đâu mà má phải rầy la?”. Nhưng tôi vẫn chưa chịu: “Rõ ràng má thương tụi nó hơn. Tại tụi nó có con trai, còn con thì không có...”. “Lại nói tầm xàm rồi” - chồng tôi nạt - “Em cứ cằn nhằn như vậy thì để anh đưa má qua ở với vợ chồng thằng út luôn”. Đang bực nên tôi nói sẵng: “Vậy càng tốt”.
Lúc đó tôi giận dỗi nên nói vậy thôi chớ trong thâm tâm tôi không nghĩ như vậy. Nhưng lời nói đã thốt ra rồi, làm sao lấy lại được? Mẹ chồng tôi bỗng lặng đi: “Má ở với vợ chồng thằng út cũng được...”.
Tưởng bà nói vậy thôi, không ngờ lại sang ở với vợ chồng thằng út thật. Điều lạ là ở bên đó, bà cụ khỏe hẳn ra. Bà còn phụ con dâu đi chợ, nấu cơm; buổi tối còn giữ con cho hai vợ chồng nó dạy thêm. Mấy lần, tôi bảo bà: “Má về ở với tụi con đi. Ở bên này, tụi nó để má cực quá, anh hai gọi điện thoại về, cứ trách móc tụi con...”. “Cái thằng thiệt là nhiều chuyện. Nó biết má ở với thằng út má khỏe ra, mà sao lại trách tụi bây? Để bữa nào nó gọi điện về, má rầy nó”.
Bà cụ nhất quyết không về. Bà không về, kéo theo chồng tôi cũng suốt ngày quẩn quanh với mẹ. Đi làm thì thôi, xong việc là anh lại tạt về bên đó chơi với mẹ tới tối. Bữa cơm chiều gần như không còn nữa vì anh ăn luôn với mẹ bên kia. “Đến anh mà cũng mê vợ thằng út à?”- tôi không nén được bực tức. Anh sa sầm mặt: “Em ăn nói kiểu gì vậy? Ừ, mà anh thấy thằng út thật may mắn khi cưới được cô vợ như vậy”. “Vậy thì anh dọn sang bên đó ở luôn đi!”. Anh nhìn tôi giây lâu rồi lắc đầu: “Chừng nào em còn cái tính đố kỵ ấy thì em còn khổ”.
Tôi nghĩ anh nói có lý nhưng tôi không có cách gì để thương được cô em dâu khi trong mắt tôi, cô ta là thủ phạm gây ra mọi thứ. Chính cô ta đã làm cho tôi mang tiếng ở ác với mẹ chồng, chính cô đã lấy hết tình cảm của mẹ chồng dành cho tôi ngày xưa; chính cô ta là thủ phạm làm cho tình cảm vợ chồng tôi rạn nứt...
Vậy thì làm sao tôi thương cô ta cho được?
Theo Túy Phương
NLĐ