"Đàn bà đòi tiền của chồng khác nào ô sin, gái bao?"

Trong những bữa tiệc “dưa lê”, không ít các bà vợ tỏ ra hãnh diện, tự hào khi khoe chiến tích bắt chồng “cống nạp” bao nhiêu tiền một tháng.

Tôi có nhiều cô bạn luôn toàn tâm toàn ý chăm sóc cho chồng con và sẵn lòng xù lông lên bất cứ lúc nào để bảo vệ cái mái ấm bé nhỏ của mình.

Thực tế cho thấy những người vợ ấy đã làm rất tốt vai trò của họ thế nhưng một ngày kia một cô bạn đã tỏ ra rất sầu não, thất vọng, thậm chí là đổ vỡ niềm tin về người chồng mà cô ấy luôn luôn tin tưởng chỉ vì... phát hiện ra anh ta có “quỹ đen”.

Không cần biết "quỹ đen" ấy được sử dụng vào việc gì vì chỉ cần một hành động giấu giếm, mờ ám là đủ để cô vợ có thể kết tội anh chồng dù chẳng có bất kì chứng cứ nào và cái tội to nhất đó là “phản bội lòng tin của vợ”.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong những bữa tiệc “dưa lê”, không ít các bà vợ tỏ ra hãnh diện, tự hào khi khoe chiến tích bắt chồng “cống nạp” bao nhiêu tiền một tháng. Các bà vợ còn động viên, khích lệ và khuyên nhủ nhau hãy “vơ vét” càng nhiều tiền của chồng càng tốt, vì đủ mọi lý do như: Chồng nhiều tiền thì sẽ sinh ra lắm tật xấu hay phòng trừ cho mình, cho con, lỡ may chồng đi với gái…

Đáng buồn thay chính bằng lối suy nghĩ cổ hủ ấy các bà vợ đã trở thành “hung thần”, trở thành “chủ nợ” trong mắt các ông chồng thay vì là một người bạn đời theo đúng nghĩa.

Tôi nghĩ rằng, hôn nhân giá trị nhất ở chỗ, hai người tự nguyện gắn bó với nhau bằng tình yêu không toan tính và họ sẽ sống với nhau cả cuộc đời cũng chính bằng tình yêu thương không toan tính đó. Thế nhưng đó là hôn nhân ở một thế giới hoàn hảo và lãng mạn, là thứ hôn nhân điển hình mẫu mực thuần túy mà ai cũng mong muốn hướng tới, khát khao có được, nhưng lại quá khó để thực hiện.

Cuộc sống với đầy rẫy những xô bồ, rối ren, loạn lạc và bất trắc khiến người ta phải tính toán, như một bản năng để bảo vệ mình. Đáng buồn lắm thay khi người ta đến với nhau bằng tình yêu, rồi lại quàng lên cổ nhau sợi dây ràng buộc mang tên trách nhiệm và nghĩa vụ, những thứ nghe đã thấy nặng nề.

Chuyện tài chính trong hôn nhân là một vấn đề tế nhị nhưng cũng rất thực tế và phức tạp. Trong đó, theo quan niệm thông thường, người chồng luôn là trụ cột cả về kinh tế và mọi thứ khác. Còn người vợ, việc chính là chăm sóc gia đình, vun vén cho tổ ấm và kiếm tiền chỉ là phụ.

Lâu dần, có những người vợ trở nên phụ thuộc, ỷ lại và tự cho mình cái quyền nắm giữ tiền bạc của chồng, chỉ vì... chị ta là vợ. Nhiều người vợ đã lập luận rằng, họ cần được chồng đưa tiền để lo chi tiêu cho gia đình... Nhưng cứ nghĩ mà xem, việc trông chờ tài chính từ chồng sẽ khiến những người vợ dần mất đi giá trị.

Đàn ông có tư duy rất sòng phẳng. Họ đưa tiền cho bạn như một bổn phận, hoặc như một ơn huệ. Làm vợ không phải là một “nghề” do đó đừng đòi hỏi “thu nhập” hàng tháng. Bởi khi làm vậy bạn đã tự “hạ giá” của mình, thành một cô ô sin “tối được ngủ với chủ nhà”,

Tệ hơn, bạn là một gái bao cao cấp. Họ cũng làm chính những công việc mà bạn đang làm, và đòi thù lao y như cách mà bạn đang “nã” các ông chồng của mình, hay thậm chí là họ còn khéo léo hơn bạn trong cách “móc túi” đàn ông.

Thế nên là vợ hãy tự trọng bằng cách tự lập về tài chính và để chồng mình tự cảm thấy trách nhiệm đóng góp cho cuộc sống chung chứ đừng đòi hỏi, đừng vòi vĩnh và nhất là đừng bao giờ tự cho rằng mình “có quyền” chỉ vì mình là vợ!

Chúng ta lấy chồng là để có một người bạn đời, một người sẽ cùng ta chia sẻ những vui, buồn, sướng, khổ của cuộc sống, chứ không phải “tậu” một cái máy ATM và tự biến mình thành một nhà băng chỉ có thể gửi mà không tài nào rút ra được!

Theo độc giả Trang Thu
Vietnamnet