Cuối đường
Chị tôi nhập viện khoa tim mạch được vài ngày, thì một phụ nữ gần 60 tuổi cũng được chồng đưa vào. Anh lăng xăng lo cho vợ, lấy thuốc, rót nước đưa tận tay. Tối pha sữa, sáng mua cháo mang đến tận giường. Sau đó, anh gửi cho người nuôi bệnh giường bên cạnh để “đi làm”.
Vài hôm sau nữa, thấy chị khỏe hơn, mọi người bắt chuyện. Ai cũng khen chị có phước, được chồng chăm sóc chu đáo. Nhờ vậy, các con chị đi làm về, chỉ tạt vào thăm hỏi mẹ là xong. Chúng còn về chăm lo tổ ấm của riêng mình. “Con chăm cha sao bằng bà chăm ông”, ngược lại, “ông chăm bà” cũng đến thế là cùng. Duy mỗi tội sáng phải đi làm sớm, đến hơi khuya một tí mới vô viện với vợ được.
Chị im lặng nghe mọi người nói, rồi thủng thỉnh đáp lời, chắc nịch: “Sắp tới tôi ly hôn ổng!”. Mọi người chưng hửng. Chị từ tốn nói: “Mỗi ngày các con tôi phải góp 300.000đ đưa cho ông ấy lo cơm nước cho tôi ở bệnh viện. Cứ mua thức ăn để sẵn, tôi toàn ăn nguội lạnh. Còn sáng sớm ổng vội vàng đưa bồ nhí đi làm. Chiều ghé rước về nhà trọ, ăn ngủ, hú hí đã đời mới lết vô đây. Tối còn ghé lưng xuống nằm chung cái giường bệnh. Tôi ghê tởm lắm, nhưng sợ làm phiền con, mới phải cắn răng chịu đựng tới ngày xuất viện”. Được hỏi tới, chị kể: “Cách đây 5 năm, khi tôi bước vào tuổi 55, ổng chê tôi không còn hấp dẫn, cặp bồ bên ngoài. Tôi ghen, ổng nói ổng chỉ giải tỏa nhu cầu chứ không bỏ vợ con. Khi ổng về nhà đòi hỏi, tôi sợ bệnh… không cho. Vậy là ổng có cớ để ngang nhiên cặp bồ, công khai đi “giải quyết” theo cách ổng nói mà không chút ngượng miệng hay xấu hổ. Tôi nói với ổng mình già rồi, phải sống sao cho tử tế. Ổng nạt: “Bà già chớ tôi đâu có già!”.
Cũng theo lời chị, khoảng một năm nay, khi nghỉ hưu, anh càng đi nhiều hơn. Lương hưu cũng cao nhưng không đưa tiền cho vợ, còn về nhà bắt chị giặt ủi quần áo để chưng diện, bắt nấu món ngon để tẩm bổ. Chị không làm, anh la làng: “Trời ơi! Có con vợ nào mà không giặt ủi quần áo, không chịu nấu cơm cho chồng ăn không?”. Sau đó thì làm tới: “Hay tại tôi không ngủ với bà nên bà tức rồi bỏ đói tôi?”. Rồi anh ta nắm tay kéo tuột chị vô phòng giữa ban ngày… Đó chính là lý do chị tăng huyết áp, phải nhập viện!
Chị tôi nghe chuyện “bạn đồng bệnh” rồi im lặng suốt cả tuần lễ, bởi nguyên nhân bệnh của chị cũng không khác gì câu chuyện nọ. Anh yêu chị tôi từ lúc 13 tuổi, cả xóm ai cũng biết điều đó, nên ba má tôi cứ thắc thỏm đợi ngày chị đủ 18 tuổi để “gả phứt” cho anh. Được chồng cưng, chị tôi hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Nhà anh rể giàu có, nhiều người ăn kẻ ở, chị tôi chẳng làm việc gì động móng tay. Khổ nỗi, anh rể là con trai một, mà chị tôi chỉ sinh toàn con gái. Ban đầu vì yêu chiều vợ, anh bỏ ngoài tai mọi lời bàn ra tán vào của cha mẹ, họ hàng. Các con gái của anh chị tôi được ông bà nội cưng yêu, lớn lên lại xinh đẹp, học hành giỏi giang.
Nhưng không hiểu sao, tới tuổi 60, cha mẹ qua đời, ba cô con gái đều lập gia đình, ở riêng, anh rể tôi bỗng… thèm con trai. Vậy là anh công khai chuyện đi kiếm người nối dõi. Chị tôi ban đầu đau khổ lắm, vì chị nghĩ “lỗi” ở mình không thể sinh con trai, cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của chồng như trước nữa, đành im lặng chịu đựng. Chị nghĩ, thôi kệ, cho chồng rong ruổi tìm niềm vui. Nào ngờ anh rể tôi… vui bất tận. Sau ba năm cho chồng “bôn ba”, chị tôi phát hiện anh rể đã “tậu” được ba cô vợ bé với ba công chúa mới thì sự chịu đựng của chị đã cạn. Chị ngất xỉu ngay nhà tình địch thứ ba. Anh rể tôi gọi điện thoại cho tôi cầu cứu, xin tôi chăm sóc chị giúp một tay vì anh ta đang... bận nuôi con nhỏ chưa đầy tháng tuổi!
Xấu hổ với gia đình, con cái, sui gia, chị tôi đâm trầm cảm, dốc cả ống thuốc an thần uống tìm cái chết. Câu chuyện bà già uống thuốc ngủ tự tử vì ghen chồng ở tuổi 62 râm ran ở bệnh viện huyện này suốt mấy ngày qua.
Trong phòng chị tôi nằm có tám phụ nữ đều ở tuổi ngũ tuần, lục tuần, người trẻ nhất đã 56 tuổi. Hai chị chồng mất, một chị ly hôn, một chị có ông chồng “không chịu già” kể trên, chị tôi và ba người nữa đang có chồng hạnh phúc. Mỗi người là một phận đời.
Chị trẻ nhất phòng, là một trong ba người đang thấy mình còn may mắn nói: “Sao nghe ngậm ngùi quá! Giờ thì chỉ biết cầu mong cho chồng mình “tử tế” lúc về già. Chứ đi đến cuối đường hạnh phúc rồi lại rơi xuống hố sâu, vực thẳm vầy, sức người sao chịu xiết!”.
Theo Hạnh Chi
PNO