Cúng ông Táo… Mỹ

Cô bạn thân nhất của tôi ở Mỹ là Thúy Hà. Hà sống ở miền Nam California nhiều nắng ấm, tôi thì sống ở miền Bắc tiểu bang này. Không hẹn mà đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, cả hai đều có cùng một thắc mắc. Đó là, không biết chúng tôi nên cúng ông Táo vào ngày nào cho thật chính xác?

Bởi, ngày 23 bên Việt Nam thì bên Mỹ đã là 24 rồi. Cuối cùng, cả hai nhất trí là cứ cúng theo ngày 23 âm lịch lịch bên Mỹ. Bởi, ông Táo… Mỹ thì cứ cúng theo ngày ở Mỹ cho hợp lý!


Mẹ của tác giả đang cúng ông Táo...Mỹ

Mẹ của tác giả đang cúng ông Táo...Mỹ

Thật ra, đấy cũng chỉ là câu chuyện đùa vui của chúng tôi qua điện thoại vào những ngày cuối năm cho vơi nỗi nhớ quê nhà. Chúng tôi cúng ông Táo không hẳn là vì quá tin vào chuyện những ông Táo, bà Táo hàng năm lên tâu Ngọc Hòang mọi chuyện xảy ra trong căn bếp nhà mình, mà vì muốn giữ một tập tục lâu đời của ông bà. Thời điểm này ở quê hương, bà con mình đang tíu tít bận rộn đón Tết cổ truyền, bên này, bà con người Việt cũng thấy nôn nao. Ngày 23 tháng Chạp, nghe bạn Hà tâm sự là “bỗng thấy nhớ quá từng cái góc chợ, cái mẹt lề đường, từng tiếng rao hàng…” mà thấy thương bạn và cả thương mình làm sao.

Thường thì đến ngày này hàng năm, Hà cùng bé Như, cô con gái nhỏ, lái xe ra khu Little Sàigòn cách nhà chừng hơn 20 phút. Đây là khu đông đúc người Việt thuộc thành phố Westminster, nơi có thị trưởng cũng là người gốc Việt Nam. Ra đấy là đã có thể được đắm mình trong không khí Tết Việt rồi. Tuy cộng đồng người Việt nơi tôi ở không đông bằng nhưng tại các khu thương mại và chợ Việt cũng đầy đủ hàng hóa phục vụ Tết và không thiếu hàng để cúng ông Táo.


Chợ Việt, với không khí Tết Việt ở Mỹ

Chợ Việt, với không khí Tết Việt ở Mỹ

Chợ Việt, với không khí Tết Việt ở Mỹ


23 tháng Chạp năm ngóai, tôi mua hai chú cá chép bằng giấy để ông Táo có thể cưỡi về trời. Năm ngóai là năm Thìn, cá chép hóa rồng cúng ông Táo là hợp nhất. Năm nay là năm Tỵ, có lẽ tôi sẽ mua rồng giấy cho ông cưỡi. Thì rồng rắn lên mây mà. Ấy là tôi… lẩn thẩn thế cho vui. Tôi nghĩ, nếu như được nhắn gởi với ông Táo một điều thì tôi nhắn, người xa xứ chúng tôi nhớ Tết quê nhà lắm ông Táo ơi!

Mẹ tôi, đã ngoài 70 và đã sống ở Mỹ 20 năm rồi nhưng với bà, việc cúng ông Táo là việc rất nghiêm túc. Mỗi khi nhìn mẹ đứng lâm râm khấn vái thành tâm cạnh bàn bếp, bên làn khói trầm hương mỏng vờn quanh mái tóc bạc, tôi thấy ấm cúng làm sao và thầm cám ơn Trời Phật đã cho mình may mắn có mẹ bên đời.

Theo Victoria Phụng Nguyễn
PNO